Bạn có bao giờ cảm thấy một người trở nên dễ mến hơn khi họ có khuyết điểm hoặc mắc lỗi lầm chưa?
Tại Lễ Hội Âm Nhạc của Đại học Yonsei, ca sĩ IU đã vô tình làm rơi chiếc bánh sinh nhật mà các sinh viên dành tặng cho cô ngay trên sân khấu. Khoảnh khắc vụng về này cùng biểu cảm hốt hoảng đáng yêu của cô đã thu hút rất nhiều người hâm mộ. Lee Kwang Soo cũng khiến khán giả yêu thích với những tình huống hài hước do sự vụng về của mình. Câu chuyện về RM – thủ lĩnh của nhóm nhạc nổi tiếng BTS và “thành tích” đánh mất 33 cặp AirPods luôn khiến chúng ta bật cười khi nhớ lại.
Bạn từng tự hỏi vì sao những hành động vụng về và lúng túng của người nổi tiếng lại khiến họ “ghi điểm” trong mắt công chúng hiệu quả như vậy chưa? Đó là một hiện tượng tâm lý nổi tiếng được gọi là Pratfall – khi bạn trân trọng và yêu mến những sai lầm.
Hãy cùng ELLE khám phá những điều thú vị về hiệu ứng này và lý giải vì sao sự không hoàn hảo ở một cá nhân xuất chúng có thể mang lại sự đồng cảm cho chúng ta nhé!
ĐỊNH NGHĨA HIỆU ỨNG PRATFALL
Hiệu ứng Pratfall được khám phá bởi nhà tâm lý xã hội Elliot Aronson vào năm 1966 qua một thí nghiệm. Ông đã cho 48 sinh viên nam ở Đại học Minnesota xem 4 đoạn video trả lời câu hỏi: Đoạn đầu tiên về một diễn viên trả lời đúng 92% câu hỏi, đoạn thứ hai về một người bình thường trả lời đúng 30% câu hỏi, đoạn thứ ba về một diễn viên trả lời đúng 92% và làm đổ cốc cà phê, đoạn thứ tư về một người bình thường trả lời đúng 30% với hành động tương tự. Kết quả cho thấy, nhóm sinh viên cảm thấy có thiện cảm hơn với người diễn viên mắc lỗi trong tình huống thứ ba. Trong khi đó, người bình thường mắc lỗi giống như vậy lại khiến nhóm khán giả khó chịu.
Vì vậy, hiệu ứng này được định nghĩa là sự hấp dẫn mà những người nổi bật hơn số đông (như người nổi tiếng) tạo ra khi họ thực hiện những hành động vụng về và hậu đậu.