1. Hiểu về phương pháp hít oxy
Hít oxy là phương pháp giúp cung cấp khí thở cho những trường hợp mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp, đặc biệt là những bệnh nhân bị suy hô hấp.

Hít oxy được áp dụng cho bệnh nhân mắc bệnh về đường hô hấp
Với điều kiện môi trường bình thường, không khí chứa 20,95% oxy, 0,03% carbonic và khoảng 79,02% nitơ. Đây là tỷ lệ phù hợp để con người có thể thở và sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp bị thiếu oxy, ảnh hưởng không tốt đến các hoạt động và cả quá trình phát triển của tế bào và cơ quan khác trong cơ thể. Do đó, hít oxy thường được chỉ định để giúp bệnh nhân duy trì sự sống.
Một số nguyên nhân có thể gây ra tình trạng thiếu oxy bao gồm:
- Đường hô hấp gặp phải các trở ngại.
- Lồng ngực bị hạn chế về dung tích.
- Sự khuếch tán khí trong phổi bị rối loạn.
- Một số bệnh lý khác khiến oxy trong máu giảm do sự tuần hoàn và vận chuyển khí oxy bị rối loạn, như chứng thiếu máu, tim bẩm sinh hoặc suy tim.
2. Các đối tượng được chỉ định hít oxy
Phương pháp hít oxy sẽ được sử dụng trong những trường hợp cụ thể sau đây:

Phương pháp hít oxy được chỉ định cho từng trường hợp cụ thể
- Các trường hợp nghi ngờ bị thiếu oxy trong máu với những dấu hiệu cơ bản như khó thở, thở dốc, thở gấp, tim đập nhanh,... Nếu bệnh nhân bị thiếu oxy máu nghiêm trọng có thể xuất hiện những biểu hiện như cơ thể tím tái, thở chậm hoặc nghiêm trọng hơn là ngừng thở hoặc bị mất ý thức,...
- Những người bị suy tim hoặc nhồi máu cơ tim cấp.
- Người bị chấn thương hoặc sau phẫu thuật có dấu hiệu nghi bị thiếu oxy.
- Các trường hợp ngộ độc khí độc hại, như Carbon monoxide, bệnh nhân cần được hít oxy liều cao.
3. Nguyên tắc áp dụng liệu pháp hít oxy
- Liều lượng được chỉ định cho từng trường hợp sẽ khác nhau. Bác sĩ sẽ điều chỉnh đúng liều oxy tối thiểu để đạt hiệu quả điều trị như mong muốn. Đồng thời, hạn chế việc sử dụng oxy với liều lượng quá cao để tránh ngộ độc khí oxy.
- Phòng tránh nhiễm khuẩn: Khi áp dụng liệu pháp hít oxy, tỷ lệ nhiễm khuẩn cũng sẽ cao hơn. Vì vi khuẩn thường phát triển rất nhanh trong môi trường có oxy. Từ đó, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào hệ hô hấp đang bị tổn thương. Để ngăn chặn tình trạng này, các dụng cụ sẽ được vô khuẩn trước khi sử dụng.
- Tránh làm khô đường hô hấp: Các bình cung cấp khí oxy đều là khô. Do đó, lượng khí oxy khô này có thể làm khô niêm mạc đường hô hấp. Vì vậy, oxy sẽ được làm ẩm với dung dịch vô khuẩn trước khi đi vào đường hô hấp. Đồng thời, bác sĩ sẽ cung cấp đủ nước cho hệ thống bình làm ẩm.

Bác sĩ sẽ điều chỉnh liều oxy phù hợp
- Phòng ngừa cháy nổ: Ở những khu vực sử dụng bình khí oxy, cần tránh hút thuốc và tạo lửa. Người bệnh cũng không nên sử dụng các vật dụng có thể tạo ra lửa hoặc hút thuốc ở khu vực này. Sử dụng dây tiếp đất với các thiết bị điện cũng là biện pháp để tránh phát ra tia lửa điện, giúp phòng tránh cháy nổ tốt hơn.
4. Các dụng cụ cung cấp oxy chuyên dụng
Những trường hợp được chỉ định hít oxy sẽ sử dụng 3 dụng cụ khác nhau, bao gồm ống thông mũi, mặt nạ oxy và lều oxy. Tùy thuộc vào tình trạng của từng người cũng như nồng độ oxy cần sử dụng, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phù hợp nhất:
4.1. Ống thông mũi
Phương pháp này được áp dụng với những trường hợp thiếu oxy nhẹ và vẫn còn tỉnh táo. Ống thông mũi có ưu điểm giúp người bệnh dễ dàng hoạt động hơn. Bởi vì khi sử dụng biện pháp này, người bệnh vẫn có thể nói chuyện, ăn uống như bình thường.
Tuy nhiên, hít oxy với ống thông mũi vẫn có một số hạn chế, cụ thể:
- Không thể đo lường chính xác nồng độ oxy người bệnh hít vào. Bởi vì liều lượng oxy hít vào phụ thuộc vào kiểu thở cũng như thể tích thở của từng người.
- Không thể đạt được lượng oxy tối đa trong quá trình hít thở.
- Lưu lượng khí tối đa khoảng 5 - 6 lít mỗi phút. Trong trường hợp sử dụng quá liều có thể gây ra tình trạng tràn khí vào dạ dày và làm căng cơ quan này.
- Dễ làm bít tắc ống thông do chất nhầy tiết ra trong đường thở.
- Khó để làm ẩm khí thở.
4.2. Mặt nạ oxy
Biện pháp này thường được áp dụng trong tình huống cấp cứu hoặc khi bệnh nhân bị tổn thương hô hấp ở vùng mũi và hầu. Mặt nạ oxy cung cấp một nồng độ oxy cao hơn, có thể lên đến 90%. Tuy nhiên, nồng độ oxy khi sử dụng mặt nạ thường không vượt quá 60% để đảm bảo bệnh nhân không bị ngộ độc oxy.

Mặt nạ oxy thường được chỉ định cho bệnh nhân cấp cứu
4.3. Lều
Liệu pháp hít oxy bằng lều sẽ được áp dụng cho những trường hợp không thể thực hiện được hai kỹ thuật trước đó hoặc với trẻ em. Một điều cần lưu ý khi áp dụng hít oxy bằng lều là phải đảm bảo áp suất không khí bên trong lều là dương tính. Cần kiểm tra lều oxy thường xuyên để tránh tình trạng bị rò rỉ làm giảm nồng độ oxy trong lều.
Trong quá trình sử dụng lều oxy, bác sĩ cần phải thường xuyên theo dõi và điều chỉnh mức độ nhiệt độ và độ ẩm phù hợp. Mục tiêu chính là tránh tích tụ CO2 bên trong lều và luôn vệ sinh lều sau khi sử dụng cho bệnh nhân.
5. Những hạn chế - biến chứng khi hít oxy
Hít oxy được đánh giá khá hiệu quả trong việc điều trị suy hô hấp. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn tồn tại những hạn chế như sau:
- Những trường hợp giảm oxy do suy tuần hoàn máu hoặc thiếu máu thì hiệu quả của liệu pháp khá thấp.
- Phương pháp hít oxy chỉ có thể đáp ứng điều trị với các trường hợp khó thở nhẹ hoặc vừa, nếu bệnh nhân khó thở nặng thì cần áp dụng các phương pháp thông khí nhân tạo.
Ngoài ra, nếu không tuân thủ đúng liều lượng được chỉ định, có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm sau:

Bệnh nhân có thể gặp phải các biến chứng khi sử dụng oxy không đúng liều
- Bị ngộ độc oxy: Khi sử dụng với nồng độ > 60% trong thời gian dài.
- Bị xẹp phổi: Khí nitơ giữ cho phế nang không bị xẹp khi thở. Khi thở oxy với nồng độ cao, có thể làm cho khí nitơ trong phế nang bị đẩy ra và phế nang bị xẹp, dẫn đến xẹp phổi.
- Võng mạc ở trẻ sinh non: Trẻ sinh non thở oxy nồng độ cao có nguy cơ bị các vấn đề về võng mạc như bong võng mạc hoặc mù lòa.
- Bội nhiễm vi khuẩn: Dụng cụ hoặc bình làm ẩm không được vệ sinh sạch sẽ hoặc không được vô khuẩn có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào đường hô hấp, dẫn đến bội nhiễm vi khuẩn.
Dưới đây là thông tin cơ bản về liệu pháp hít oxy mà bài viết muốn chia sẻ với bạn. Đây là phương pháp cấp cứu được sử dụng rộng rãi trong điều trị và hỗ trợ cải thiện tình trạng bệnh. Tuy nhiên, người bệnh cần tránh tự ý sử dụng tại nhà mà không có chỉ định của bác sĩ để tránh rủi ro cho bản thân và người thân.