Hố xanh lớn thứ hai trên thế giới được phát hiện tại vùng biển Mexico đã khiến cộng đồng khoa học sửng sốt, vì có thể mở ra một 'thế giới sự sống mới' trên hành tinh.
Mặc dù phát hiện từ năm 2021, hố xanh này mới được ghi chép trên tạp chí khoa học gần đây. Các nhà khoa học liên quan đến trung tâm nghiên cứu công cộng El Colegio de la Frontera Sur cho biết đây có thể là 'hố xanh sâu nhất được biết đến trong khu vực'.
Các hố xanh, hay còn gọi là địa hình Karst, là những hang động biển thẳng đứng được hình thành qua hàng nghìn năm bởi dòng chảy từ thời Kỷ băng hà, với độ sâu lên đến hàng trăm mét.
Hệ thống hố xanh mới được phát hiện ngoài khơi Vịnh Chetumal của Bán đảo Yucatan và đã được các nhà khoa học nghiên cứu thông qua các phương pháp như khảo sát, lấy mẫu, sử dụng kỹ thuật sóng âm và nhiều phương pháp khác.
Được gọi là Taam ja' - hay 'nước sâu' trong tiếng Maya - hố xanh khổng lồ này có diện tích 13.656 mét vuông và độ sâu 274 mét. Kích thước này làm cho nó trở thành hố xanh sâu thứ hai trên thế giới, chỉ sau hố xanh Dragon Hole (sâu khoảng 300 mét) ở Biển Đông.
Đặc biệt, hố xanh Taam Ja' có độ dốc gần 80 độ, tạo thành một cấu trúc hình nón lớn. Bức tường bao quanh được tạo ra từ miệng núi lửa, bảo vệ vùng nước bên trong hố tránh khỏi tác động của thuỷ triều, tạo điều kiện sống riêng biệt cho các sinh vật bên trong.
Tiếc rằng, mặc dù có giá trị sinh học cao, ít nhà khoa học có khả năng nghiên cứu về các hố xanh. Lý do là dòng chảy của thuỷ triều tạo ra tầng nước ngọt trên cùng, cản trở oxy tiếp cận với tầng nước mặn dưới cùng.
Do đó, thay vì oxy, các hố xanh này chứa khí độc hydro sunfua, có thể gây nguy hiểm cho tính mạng nếu tiếp cận mà không có thiết bị an toàn.
Hình ảnh cấu trúc bên trong hố
Dù với điều kiện khắc nghiệt, hố xanh thực sự là các 'đảo dưới đáy biển' đầy sinh vật có khả năng thích nghi với môi trường thiếu oxy. Nhà nghiên cứu cũng tin rằng tình trạng thiếu oxy này cũng giúp bảo quản hóa thạch một cách hoàn hảo, giúp họ xác định các loài đã tuyệt chủng từ lâu.
Thực tế, các hố xanh dưới đáy biển có thể cung cấp thông tin về không gian và thời gian. Ví dụ, năm 2012, khi khám phá hố xanh ở Bahamas, nhà khoa học phát hiện loại vi khuẩn nằm sâu trong hang động, nơi không có điều kiện sống nào khác có thể tồn tại. Phát hiện này giúp mở rộng kiến thức về sự sống trên hành tinh.