Lilium longiflorum | |
---|---|
Phân loại khoa học | |
Giới (regnum) | Plantae |
(không phân hạng) | Angiospermae |
(không phân hạng) | Monocots |
Bộ (ordo) | Liliales |
Họ (familia) | Liliaceae |
Chi (genus) | Lilium |
Loài (species) | L. longiflorum |
Danh pháp hai phần | |
Thunb. |
Hoa loa kèn, bách hợp, lily hay còn gọi là huệ tây, ở Đà Lạt thường được gọi là hoa Ly (tiếng Pháp: fleur de lys, tiếng Nhật: テッポウユリ,Teppouyuri; danh pháp khoa học: Lilium longiflorum), thuộc chi Lilium, họ Loa kèn. Loài cây này có nguồn gốc từ quần đảo Ryukyu, phía nam Nhật Bản và Đài Loan.
Phân loại thực vật
Hoa loa kèn thuộc lớp thực vật một lá mầm (Monocotyledones), phân lớp Hành (Liliidae), bộ Hành (Liliales), họ Hành (Liliaceae), chi Loa kèn (Lilium).
Đặc điểm hình thái
- Thân vẩy (củ): Đây là phần mầm dinh dưỡng lớn của cây. Một củ trưởng thành bao gồm đế củ, vẩy già, vảy mới, trục thân sơ cấp, thứ cấp và đỉnh sinh trưởng.
- Rễ: Hoa loa kèn có hai loại rễ: rễ thân và rễ gốc. Rễ thân mọc từ thân cây dưới mặt đất, có nhiệm vụ nâng đỡ, hút nước và chất dinh dưỡng, tuổi thọ khoảng 1 năm. Rễ gốc phát sinh từ củ, có nhiều nhánh và thường có tuổi thọ lên đến 2 năm, đóng vai trò chính trong việc hút nước và dinh dưỡng.
- Thân: Trục thân của hoa loa kèn hình thành từ mầm dinh dưỡng co ngắn lại. Trục thân chia thành sơ cấp và thứ cấp. Khi phá ngủ, trục sơ cấp vươn lên mặt đất, lá bắt đầu mở ra và số lá cố định. Chiều cao cây phụ thuộc vào số lá và chiều dài đốt, bị ảnh hưởng bởi điều kiện ánh sáng và xử lý lạnh trước khi trồng. Ánh sáng yếu và ngày dài có thể kéo dài đốt thân, trong khi ánh sáng mạnh và ngày ngắn lại làm ngắn đốt.
- Lá: Hoa loa kèn có nhiều lá mọc rải rác theo vòng, hình thoi dài, đều đặn, phiến lá thẳng, đầu lá hơi nhọn, có cuống ngắn hoặc không có cuống. Lá có kích thước tùy theo điều kiện trồng, thường từ 50-150 lá, rộng từ 1,8 - 2,8 cm, dài từ 9 – 12 cm, mềm mại, bóng và có màu xanh nhạt.
- Củ con và mầm nách: Hoa loa kèn phát triển các củ con gần thân rễ, kích thước và số lượng phụ thuộc vào sức trưởng thành của cây mẹ và điều kiện trồng. Củ con có chu vi từ 3 – 6 cm, số lượng từ 1 - 3 củ. Mầm nách nằm ở nách lá, hình tròn hoặc bầu dục, khi già có màu nâu, chu vi từ 0,5 - 1,5 cm.
- Hoa: Hoa loa kèn trắng Lilium formolongo thường hơi nghiêng, tạo thành 3 góc với mặt phẳng nằm ngang khoảng 45 - 60 độ. Hoa có hình loa kèn, màu trắng, cánh hoa rộng từ 5 –7 cm, dài từ 14 – 18 cm, đường kính hoa từ 10 – 12 cm, cánh hoa hơi cong. Bao hoa có 6 mảnh, 6 nhị, bao phấn vàng dài, bầu hoa hình trụ với đầu nhụy chia 3 thùy, vòi hoa ngắn hơn trục. Hoa có hương thơm đậm, hoa cắt tươi bền từ 6-10 ngày.
- Quả: Quả loa kèn là quả nẻ, hình tròn dài, mỗi quả chứa hàng trăm hạt, có 3 ngăn. Hạt dẹt tròn, mỗi quả chứa khoảng 600 hạt. Quả dài từ 8–10 cm, đường kính hạt 15 – 22 mm, 1 gam chứa 700-800 hạt. Hạt có thể giữ được 3 năm trong điều kiện khô lạnh.
Đặc điểm sinh trưởng phát dục
- Sự phân hóa hoa: Là cây ngày dài, sự phân hóa hoa xảy ra khi thời gian chiếu sáng trong ngày tăng dần. Củ loa kèn xử lý lạnh ở 5°C từ 3-5 tuần, sau khi trồng khoảng 8-13 ngày, đỉnh sinh trưởng ngắn lại và mầm hoa nguyên thủy bắt đầu hình thành. Mỗi mầm hoa nguyên thủy thường kèm theo 1-2 mầm khác. Nếu củ được xử lý lạnh, có thể phân hóa hoa trước khi trồng. Nếu không trồng kịp thời, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của mầm hoa. Số lượng mầm hoa nguyên thủy phụ thuộc vào điều kiện sinh trưởng của vụ trước và chất lượng củ giống.
- Sự ra hoa: Sự phân hóa hoa và số lượng mầm hoa phụ thuộc vào điều kiện trồng, nhưng tốc độ phát dục của nụ và hoa chủ yếu do điều kiện sau khi trồng. Nhị đực và nhị cái của Lilium formolongo chín đồng thời. Sau khi thụ tinh 8-12 ngày, tử phòng bắt đầu phình to. Ánh sáng mạnh có thể làm thui nụ và cháy lá, che nắng sẽ giảm hiện tượng này. Ngược lại, ánh sáng yếu (đặc biệt vào mùa đông) cũng làm thui nụ và ảnh hưởng đến chất lượng hoa.
- Quả chín: Sau khi hoa nở khoảng 2 tháng, quả chuyển màu vàng và nứt ra, hạt có cánh có thể phát tán theo gió. Sau khi thu hoạch hoa hoặc quả, thân lá khô héo, lúc này có thể thu hoạch củ để làm giống.
Trên thế giới
Nhu cầu về hoa loa kèn đang ngày càng gia tăng trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia như Hà Lan, Pháp, Đức, Italia, Canada, và Bỉ.
Hà Lan nổi tiếng với việc tạo ra nhiều giống hoa loa kèn mới, với đặc tính hoa đẹp, chống sâu bệnh tốt và năng suất cao. Quốc gia này cũng đã áp dụng thành công kỹ thuật điều khiển thời điểm ra hoa, cho phép sản xuất hoa quanh năm.
Ở khu vực châu Á, Nhật Bản đứng đầu trong việc sản xuất hoa loa kèn. Đài Loan cũng là quốc gia dẫn đầu về công nghệ trồng hoa loa kèn hiện đại nhất hiện nay.
Việt Nam
Hoa loa kèn được đưa vào Việt Nam từ Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu. Các giống trồng trước đây bao gồm:
- Giống từ Pháp: không rõ tên, được nhập khẩu khoảng năm 1945-1955.
- Giống Hàn Quốc: không rõ tên, được nhập khẩu vào năm 1970.
- Giống Nhật Bản: không rõ tên, nhập khẩu năm 1972 với nhiều màu sắc khác nhau, nhưng chỉ có màu trắng là phù hợp và vẫn còn được trồng đến hiện tại.
Tại Việt Nam, hoa loa kèn hay còn gọi là huệ tây được nhắc đến nhiều nhất qua bức tranh nổi tiếng 'Thiếu nữ bên hoa huệ' của họa sĩ Tô Ngọc Vân. Tại Pháp, những người phạm tội trong nhà thờ sẽ bị đánh dấu bằng hình hoa huệ tây trên vai.
Hình ảnh
Liên kết ngoài
(Vietnamese)
- Tạp chí Quê Hương, mùa hoa loa kèn Lưu trữ ngày 19-12-2007 tại Wayback Machine
- Kết quả thử nghiệm sản xuất hoa loa kèn tứ quý Lưu trữ ngày 29-09-2020 tại Wayback Machine
- Kỹ thuật trồng hoa loa kèn mới Lưu trữ ngày 05-03-2016 tại Wayback Machine
- Giáo trình về cây hoa Lưu trữ ngày 05-03-2016 tại Wayback Machine
- http://www.vnua.edu.vn:85/tc_khktnn/Upload%5C7122011-Tap%20chi%20so%205-2011_7_.pdf Lưu trữ ngày 04-03-2016 tại Wayback Machine
(English)
- Vidali, Luis; Hepler, Peter K. (1997). “Xác định và phân bố profilin trong các hạt phấn và ống phấn của Lilium longiflorum”. Cell Motility and the Cytoskeleton. 36 (4): 323–338. doi:10.1002/(SICI)1097-0169(1997)36:4<323::AID-CM3>3.0.CO;2-6. ISSN 0886-1544. PMID 9096955.
- Holm, Preben Bach (1977). “Tái tạo ba chiều của sự ghép đôi nhiễm sắc thể trong giai đoạn zygotene của meiosis ở Lilium longiflorum (thunb.)”. Carlsberg Research Communications. 42 (2): 103–151. doi:10.1007/BF02906489. ISSN 0105-1938.
- Reiss, Hans-Dieter; Herth, Werner (1979). “Calcium ionophore A 23187 ảnh hưởng đến sự tiết chất tường địa phương ở phần đầu của ống phấn của Lilium longiflorum”. Planta. 145 (3): 225–232. doi:10.1007/BF00454445. ISSN 0032-0935. PMID 24317727.
- www.the-genus-lilium: Lilium longiflorum
- Lilium longiflorum trong Flora of China