Ở thế kỉ 21, hầu hết người dân ở các quốc gia đều hiểu được mức độ phổ biến của tiếng Anh. Theo như cuốn sách A History of the English Language, cứ 360 người thì có 330 người nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ, chưa kể đến hơn 500 triệu người sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai. Như vậy, tiếng Anh có thể được xem là một ngôn ngữ quốc tế. Tuy nhiên, rất nhiều năm về trước, tiếng Anh chưa phổ biến như hiện giờ. Ngôn ngữ toàn cầu trước đây, và được xem là nguồn gốc của tiếng Anh là ngôn ngữ Latin. Tiếng Latin được sử dụng trong thời kì Roma (hay còn gọi là La Mã), từng có rất nhiều người học tiếng Latin ở các quốc gia, trải dài từ Bồ Đào Nha tới Iran. Thậm chí cho tới thời điểm hiện tại, những đặc trưng của ngôn ngữ này vẫn được lưu trữ trong hệ thống ngôn ngữ của Anh, Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ý.
Sự phát triển của tiếng Latin
Tiếng Latin cổ điển (trước năm 100 TCN)
Nguồn gốc của tiếng Latin đã được đào sâu nghiên cứu trong nhiều thế kỉ qua, tuy nhiên các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm ra chính xác xuất xứ của ngôn ngữ này.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng ngôn ngữ Latin đã trải qua thời kì phát triển trong khoảng từ 4 tới 5 thế kỉ, trước khi được chuẩn hoá và sử dụng rộng rãi.
Bên cạnh đó, nhiều từ Latin được dịch hoặc có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp. Cùng lúc đó, người Roma đang thuộc địa hoá các khu vực khác, nên mang theo tiếng Latin đi cùng.
Tiếng Latin cổ đại (100 TCN ~ 150 SCN)
Tiếng Latin cổ điển được sử dụng như một hệ chữ cải tiến từ hệ chữ Latin cổ đại và xuất hiện trong các văn bản hay kịch nghệ thuật.
Nhiều tác phẩm đã ra đời trong thời kì hoàng kim của tiếng Latin. Ở thời kì này, một loạt các vĩ nhân như Cicero, Caesar, Vergil hay Tacitus đã tạo nên các tác phẩm nổi tiếng bằng tiếng Latin. Ngôn ngữ này bắt đầu trở nên cố định, khi được chuyển thể dần từ văn nói sang văn viết để truyền lại cho nhiều thế hệ sau.
Ở cuối thời kì này, đế chế Roma bắt đầu mất đi quyền lực, báo hiệu sự đi xuống trong tầm ảnh hưởng của ngôn ngữ Latin.
Tiếng Latin phổ thông (Vulgar Latin) (200 ~ 550)
Đế chế Roma dần sụp đổ trước nhiều cuộc xâm chiếm lãnh thổ. Trong khoảng thời gian đó, tiếng Latin mất dần vị thế và không còn là ngôn ngữ phổ biến.
Sau thời kì thống trị cuối cùng của hoàng đế Roma, tiếng Latin dần bị pha trộn, tạo thành tiếng Latin bình dân. Chính từ nền tảng tiếng Latin bình dân, tiếng Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp đã được phát triển. Những sự thay đổi này phụ thuộc vào cùng miền, một số thay đổi diễn ra rất nhanh trên cả khía cạnh ngữ pháp và từ vựng, một số thay đổi khác xuất hiện muộn hơn.
Tiếng Latin từ thời trung cổ đến thời Phục Hưng
Thời kì trung cổ, gần như không quốc gia nào nói tiếng Latin một cách thông thường nữa mà đã có nhiều sự biết đổi trong từ vựng, ngữ pháp. Trong giới học thức và các tác phẩm khoa học, tiếng Latin vẫn được sử dụng (tác phẩm của Francis Bacon và Isaac Newton).
Nhìn chung, tiếng Latin được sử dụng chủ yếu để lưu truyền tri thức về khoa học, xã hội hay tôn giáo.
Tiếng Latin trong thời đại hiện đại
Ngày nay, tiếng Latin vẫn là 1 trong các ngôn ngữ chính ở thành phố Vatican và nhà thờ Công giáo. Thực tế, rất ít người có thể nói thành thạo tiếng Latin ở thời điểm hiện tại, mà chỉ có thể đọc tốt vì hầu hết các sách khoa học từ xa xưa được viết bằng tiếng Latin.
Mối quan hệ giữa tiếng Latin và tiếng Anh
Điểm tương đồng
Xuyên suốt 1500 năm phát triển, tiếng Anh được xây dựng và cải tạo rất nhiều. Từ điển Oxford (13 tập, 1933), cuốn từ điển được đánh giá gần như hoàn thiện, chứa 500,000 từ. Tuy nhiên, thực tế cho tới thời điểm hiện tại, tiếng Anh chứa hơn 1,000,000 từ, bao gồm cả tiếng lóng, thổ ngữ hay các định nghĩa khoa học. Khối lượng từ vựng khổng lồ của tiếng Anh đã, đang và sẽ luôn phát triển liên tục, điều này là do đặc tính của ngôn ngữ – sử dụng rất nhiều từ mượn của các ngôn ngữ phổ biến khác như tiếng Latin, Hy Lạp, tiếng Pháp, … Trong đó, số lượng lớn từ vựng đến từ tiếng Latin.
Nghiên cứu của Thomas Finkenstaedt và Dieter Wolff (1973) sau khi khảo sát khoảng 80,000 đã chỉ ra 28.24% từ tiếng Anh có nguồn gốc từ tiếng Latin, bao gồm cả từ trong các lĩnh vực chuyên ngành.
Một khảo sát khác được tiến hành bởi Joseph M. Williams về nguồn gốc của ngôn ngữ Anh với 10,000 từ trong bối cảnh kinh doanh cho thấy 15% số từ vựng được mượn từ tiếng Latin. Sự chênh lệch giữa con số 28.24% của Finkenstaedt và Wolff với 15% của Williams cho ta thấy được rất nhiều từ của tiếng Latin được sử dụng trong lĩnh vực nghiên cứu và khoa học.
Xét đến khía cạnh ngôn ngữ học – hình thái học, tiếng Anh bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tiếng Latin. Một ví dụ có thể kể đến là từ removable. Từ removable trên được cấu tạo từ 3 thành tố nhỏ, bao gồm gốc từ, tiền tố và hậu tố, các gốc từ, tiền tố hay hậu tố này thường được mượn từ tiếng Latin.
Như vậy, từ removable mang nghĩa có thể di chuyển được (với vật/ người đã tồn tại từ trước). Gốc từ ở đây là từ Mov, được lấy từ động từ tiếng Latin là moveo, movere, movi và motum, mang nghĩa di chuyển.
Từ mượn của tiếng Anh cũng có thể là các phụ tố (affixes). Phụ tố là các thành phần phụ thuộc vào gốc từ, cần được đi với gốc từ để mang nghĩa hoàn chỉnh. Các phụ tố này có thể đặt ở trước của gốc từ và được gọi là tiền tố (prefix) hoặc ở sau gốc từ và được gọi là hậu tố (suffix). Các phụ tố được mượn nhiều của tiếng Latin và Hy Lạp thường là các phụ tố chỉ số lượng. Ví dụ, từ multitask tiếng Anh mang nghĩa làm nhiều việc. Tiền tố multi trong từ multitask có nguồn gốc từ tiếng Latin, chính là tính từ multus với ý nghĩa nhiều. Như vậy, khi một từ trong tiếng Anh có tiền tố multi, từ đó thường mang nghĩa nhiều.
Ví dụ, từ multiform – nhiều hình dạng; multiverse – nhiều vũ trụ, từ uniform mang nghĩa đồng phục. Tiền tố uni- mang nghĩa một hay tương đồng. Nó được lấy từ chữ Latin unus với ý nghĩa một hoặc đơn lẻ. Như vậy, các từ trong tiếng Anh mà có tiền tố uni- thường mang ý nghĩa một. Ví dụ như từ uniform – đồng phục, unisex – một loại thời trang phù hợp cho cả 2 giới tính.
Bên cạnh đó, ta còn có từ bilingual mang nghĩa biết 2 ngôn ngữ, và từ trilingual mang nghĩa biết 3 ngôn ngữ. Tiền tố bi- và tri- trong hai từ này mang nghĩa hai và ba, chính là chữ bis và tres trong tiếng Latin. Như vậy, các từ có tiền tố là bi- hay tri- trong tiếng Anh thường có nghĩa là hai hoặc ba. Ví dụ, từ bisexual – mang 2 giới tính, bicycle (bi + cycle) – xe đạp (có 2 bánh xe), tripod – gậy đúng 3 chân (thường dùng để giữ máy ảnh). Bên cạnh đó, còn có rất nhiều các tiền tố miêu tả số khác mà tiếng Anh mượn của tiếng Latin.
Như vậy, việc học các phụ tố và gốc từ bắt nguồn từ tiếng Latin sẽ giúp người học biết thêm nhiều từ vựng hơn, bởi rất nhiều từ thường nối với nhau theo một trật tự nhất định. Người đọc hoàn toàn có thể đoán được nghĩa của từ mới chỉ dựa vào nghĩa của các gốc từ và phụ từ. Ví dụ với một số tiền tố gốc Latin như sau:
Qua ví dụ trên, có thể thấy rõ tầm quan trọng của việc hiểu nghĩa tiền tố. Cả 2 từ Malevolent và Benevolent đều là từ vựng ở cấp độ C1 – C2. Hơn nữa, chỉ một sự thay đổi nhỏ ở tiền tố có thể biến đổi sâu sắc nghĩa từ, khiến chúng mang ý nghĩa trái ngược nhau. Rõ ràng, việc nhận biết ý nghĩa của tiền tố hay hậu tố trong một từ sẽ không chỉ giúp người học học từ nhanh hơn mà còn là một lợi thế lớn khi làm bài đọc có nhiều các từ vựng khó.
Bên cạnh tiếng Anh, tiếng Latin còn có sự liên hệ mật thiết với nhiều ngôn ngữ khác. Ví dụ điển hình là tiếng Tây Ban Nha hay tiếng Ý, với những điểm tương đồng với tiếng Latin, đặc biệt trong yếu tố cú pháp và ngữ pháp. Việc học tiếng Latin không chỉ giúp hiểu sâu sắc hơn về tiếng Anh hay lịch sử phát triển của tiếng Anh mà còn đem lại vốn từ vựng phong phú, làm nền tảng để học các ngôn ngữ khác như tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha hay tiếng Pháp. Đó là một phần lý do vì sao ở Mĩ hay Anh, nhiều người có thể nói được cả tiếng Pháp hay tiếng Tây Ban Nha một cách mượt mà.
Điểm khác biệt
Bên cạnh đó, tiếng Anh và tiếng Latin cũng có nhiều sự khác biệt, nhất là về ngữ pháp. Xét đến ngữ pháp, tiếng Anh thường đi theo trật tự S-V-O (chủ ngữ – động từ – tân ngữ). Trong một số trường hợp, động từ được đảo lên trước trong câu đảo ngữ, nhưng nhìn chung đều phải tuân theo nguyên tắc ngữ pháp chặt chẽ.
Ví dụ:
Tiếng Latin, mặt khác, ngữ pháp đa dạng hơn nhiều so với tiếng Anh, do vậy cũng phức tạp và khó nhớ hơn. Trong tiếng Latin, thứ tự sắp xếp của các thành phần trong một câu hiếm khi là S-V-O. Thay vào đó, câu thường được sắp xếp theo hai thứ tự, hoặc là S-O-V (chủ ngữ – tân ngữ – động từ), hoặc là O-V-S (tân ngữ – động từ – chủ ngữ).
Ví dụ:
Với đó, piscis mang ý nghĩa cá (fish), vir mang nghĩa anh ta/ người đàn ông (he), trong khi consumit có ý nghĩa ăn (eats).
Do đó, một cá nhân có ý định học tiếng Latin cần phân biệt rõ ràng nguyên tắc ngữ pháp của hai ngôn ngữ, tránh tình trạng nhầm lẫn hai nguyên tắc và ảnh hưởng đến ngôn ngữ còn lại.
Tạ Phương Thảo