Từ vựng là thành phần chủ chốt cấu thành nên các câu văn trong bất kì một ngôn ngữ nào không chỉ trong tiếng Anh. Vì thế, việc học từ vựng có một tầm quan trọng đáng kể đối với người học một ngôn ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng. Một trong những phương pháp để học từ vựng tiếng Anh hiệu quả là hình thành các mối liên kết với từ vựng.
Bài viết này sẽ làm rõ về phương pháp học từ vựng trên nhằm giúp người học cải thiện việc học từ vựng tiếng Anh. Đồng thời, để nhận biết các cụm từ “ăn điểm” dùng trong giap tiếp bạn đọc có thể tìm hiểu thêm cuốn Understanding Vocab for IELTS Speaking và Writing được đăng bán trực tiếp tại store.Mytour.vn.
Cơ chế hoạt động của bộ nhớ
Não con người chứa hàng tỷ các tế bào thần kinh được nối kết với nhau thành một mạng lưới chằng chịt. Mỗi tế bào thần kinh có thể được kết nối với hàng ngàn đến hàng triệu các tế bào thần kinh khác. Các tế bào này không ngừng kết nối và ngắt kết nối với nhau trong quá trình sinh hoạt cũng như học tập, làm việc của con người. Hơn nữa, các tế bào thần kinh cùng với liên kết giữa chúng cũng có thể được tạo ra hay mất đi theo thời gian. Việc ghi nhớ thông tin phụ thuộc vào số lượng các tế bào thần kinh cũng như các kết nối giữa chúng. Càng có nhiều thông tin (kết nối) xung quanh gắn kết với thông tin được ghi nhớ, thông tin ấy sẽ dễ dàng được nhớ lại hơn.
Nếu như việc lặp đi lặp lại thông tin nhiều lần giúp tăng cường độ mạnh của các kết nối giữa các tế bào thần kinh, từ đó tăng cường khả năng ghi nhớ thì việc tạo thêm các mối liên kết với thông tin cũng có vai trò và ý nghĩa quan trọng không kém đối với việc ghi nhớ. Để sử dụng một thông tin đã được ghi nhớ trước đó, não người cần phải vận hành và xử lí qua các mạng lưới tế bào thần kinh để tiếp cận với thông tin được lưu trữ trong bộ nhớ. Như vậy, mạng lưới càng dày đặc, não càng dễ truy xuất thông tin được lưu trữ hơn từ đó giúp con người dễ dàng nhớ lại thông tin hơn.
Xây dựng các mối liên kết với từ vựng
Liên kết giữa từng từ
Người học có thể lợi dụng các điểm tương đồng giữa các từ với nhau để nhóm các từ có liên quan, từ đó dễ dàng nhớ chúng theo một nhóm. Các đặc điểm tương đồng của các từ thường là (nghĩa, chính tả,…). Ngoài ra, khả năng ghi nhớ một từ vựng mới sẽ càng được tăng cường hơn nếu người học liên kết nó với một từ vựng khác đã học và nắm chắc trong một thời gian dài.
Liên kết giữa các từ có cùng nghĩa
Người học có thể nhóm các từ đồng nghĩa với nhau để dễ dàng ghi nhớ nghĩa của chúng. Người học cần tra cứu và so sánh nghĩa của các từ mới với nhau sử dụng từ điển Anh-Anh thay vì từ điển Anh-Việt để tối ưu hóa việc ghi nhớ. Hơn nữa, hiệu quả ghi nhớ sẽ càng tốt hơn khi người học liên kết các từ đồng nghĩa mới học với một từ đã biết có ý nghĩa tương tự hoặc bao trùm.
Ví dụ: Các từ induce, inflict, prompt, engender, render có nghĩa tương đồng với cause (gây ra, khiến cho), make (khiến cho, làm cho).
Phương pháp liên kết các từ đồng nghĩa với nhau cho phép người học ghi nhớ nhanh chóng nhiều từ trong 1 thời gian ngắn. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có mặt hạn chế do thuộc tính của các từ đồng nghĩa. Trên thực tế, không có từ đồng nghĩa nào có nghĩa giống với nhau hoàn toàn và có thể thay thế nhau trong mọi trường hợp. Không chỉ có những sự khác biệt nhỏ về nghĩa, các từ đồng nghĩa còn có thể khác nhau về các thành phần ngữ pháp hay tình huống sử dụng. Vì vậy, nếu người học chỉ đơn thuần liên kết các từ dựa trên ý nghĩa tương đồng thì rất dễ mắc lỗi lạm dụng từ đồng nghĩa dẫn đến các lỗi diễn đạt bất tự nhiên hay các lỗi ngữ pháp.
Ví dụ:
Từ “inflict” thường được diễn đạt trong tình huống “gây ra tổn thương, thiệt hại lên ai hay sự vật, sự việc gì” và vì vậy, chỉ có thể thay thế với “cause” (gây ra) ở các tình huống này. Hơn nữa, “inflict” sử dụng giới từ đi kèm là “on” khác với “cause” thường đi kèm với giới từ “to”:
High gas prices cause harm to people and the economy. (Giá xăng cao gây hại cho người và nền kinh tế.)
High gas prices inflict harm on people and the economy.
Slippery roads can cause accidents. (Đường trơn có thể gây tai nạn.)
Slippery roads can inflict accidents. (X) (Diễn đạt bất tự nhiên, inflict thường không được sử dụng cho danh từ accidents)
Như vậy, phương pháp nhóm từ vựng theo nghĩa tương đồng có thể giúp người học dễ dàng ghi nhớ từ vựng mới dựa vào một từ đã học, từ đó nhanh chóng mở rộng vốn từ. Tuy nhiên, người học cần phải tìm hiểu kỹ về nghĩa, ngữ pháp cũng như tình huống mà từ mới được sử dụng để tránh các lỗi diễn đạt hay lỗi ngữ pháp.
Liên kết từ dựa vào sự tương đồng trong cách viết
Một số từ trong tiếng Anh có chính tả gần giống nhau, bất kể chúng có thể thuộc cùng một họ từ vựng (Word Family) hay không. Người học có thể lợi dụng điểm tương đồng này để nhóm các từ lại với nhau và ghi nhớ.
Ví dụ: từ engender, render, generate có cả chính tả và nghĩa tương tự nhau.
Phương pháp liên kết dựa vào chính tả cũng có nhược điểm tương tự như phương pháp liên kết từ đồng nghĩa. Nó đòi hỏi người học tìm hiểu kỹ cách sử dụng, cấu trúc ngữ pháp của một từ để tránh mắc lỗi diễn đạt và ngữ pháp. Thông thường, phương pháp liên kết dựa trên chính tả của các từ cần được phối hợp với các phương pháp khác để cho hiệu quả tốt nhất.
Ví dụ: engender và gender (giới tính) có chính tả khá giống nhau.
Người đọc có thể liên kết cả hai từ này bằng một câu chuyện sau (phương pháp liên kết bằng câu chuyện): “Khi hai giới tính (gender) được tạo điều kiện (enable), họ sẽ sinh sản, tạo ra một điều gì đó (engender)”
Liên kết từ dựa vào sự tương đồng trong cách phát âm
Một số từ tiếng Anh có phát âm tương đồng nhau hoặc tương đồng với phát âm của một từ trong tiếng Việt. Người học có thể lợi dụng đặc điểm này để nhóm các từ với nhau và ghi nhớ.
Ví dụ: fee (phí) . Nghĩa tiếng Việt của từ “fee” tương đồng với phát âm của từ tiếng Anh.
Như vậy, các phương pháp liên kết giữa từ với từ (từ đồng nghĩa, chính tả hay âm) thường chỉ đóng vai trò là tiền đề để người học nhanh chóng nhóm các từ có liên quan và ghi nhớ. Phương pháp này cần được kết hợp với một phương pháp khác hoạt động dựa trên sự sáng tạo và trí tưởng tượng của người học: Phương pháp liên kết hình ảnh tưởng tượng.
Phương pháp liên kết thông qua hình ảnh tưởng tượng
Mỗi từ vựng, dù ở ngôn ngữ nào, cũng đều gợi lên trong tâm trí người sử dụng một hình ảnh nào đó. Các hình ảnh được khơi lên ở một từ có thể khác nhau ở mỗi người phụ thuộc vào ấn tượng của người đó với thế giới xung quanh.
Nếu như phương pháp liên kết giữa từ với từ tập trung vào các đặc điểm tương đồng giữa các từ với nhau như nghĩa, chính tả hay phát âm, phương pháp liên kết hình ảnh cho phép người học hình thành liên kết giữa một từ với một hình ảnh mà người học tưởng tượng trong tâm trí, từ đó dễ dàng nhớ được “sâu” hơn từ vựng. Khi người học tiếp xúc với các tình huống mà có sự vật, hiện tượng có tính chất tương đồng với hình ảnh tưởng tượng, người học có thể dễ dàng nhớ lại được từ vựng đã được kết nối với hình ảnh.
Ví dụ:
Skyscraper (n) nhà cao tầng. Người học có thể tưởng tượng hình ảnh tòa nhà Landmark 81 hiện đại, cao chọc trời (sky).
Intricate: tính từ miêu tả một vật có cấu trúc gồm nhiều chi tiết kết nối với nhau một cách cầu kì, phức tạp. Người nói có thể liên kết tính chất này cho các sự vật xung quanh như: đồng hồ đeo tay Thụy Sĩ, hoa văn trên trần của một kiến trúc cổ điển Châu Âu hay hoa văn cầu kì trên một bộ đầm. Từ đó, khi người học nhìn thấy các sự vật có tính chất tương tự, từ “intricate” sẽ dễ dàng được nhớ lại hơn so với khi người học chỉ biết nghĩa của nó.
Để từ vựng được gắn kết tốt hơn với hình ảnh tưởng tượng, hình ảnh tưởng tượng nên có các tính chất sau:
Tính cường điệu hóa
Hình ảnh các đặc biệt, nổi trội một cách khác thường thì càng dễ để ghi nhớ. Vì vậy, với mỗi từ vựng mới, cố gắng kết nối nó với một hình ảnh được cường điệu hóa một cách càng đặc biệt, khác thường càng tốt. Chẳng hạn, nếu muốn ghi nhớ “car” – “ô tô”, người học có thể hình dung một chiếc ô tô thật sang trọng, nổi bật.
Tính chuyển động
Người học có thể cảm thấy dễ dàng hơn khi hình thành liên kết giữa từ vựng với một hình ảnh mang tính chuyển động. Chiếc ô tô ở ví dụ trên sẽ dễ nhớ hơn đối với người học nếu nó được hình dung đang lao đi thật nhanh trên đường cao tốc
Tính liên tưởng sáng tạo
Người học có thể tạo nên một hình ảnh liên tưởng để sự vật tưởng tượng trở nên kì lạ, nổi bật. Ví dụ: từ “spoke” (danh từ có nghĩa là nan hoa bánh xe, đồng thời là dạng quá khứ của động từ speak – nói). Người học có thể liên tưởng đến một cái nan hoa bánh xe biết nói
Tính liên kết cảm xúc
Người học sẽ dễ nhớ một từ hơn khi từ ấy có liên quan đến một sự vật, sự việc có kết nối cảm xúc mạnh mẽ với bản thân. Ví dụ: với các tính từ “kind, helpful, dedicated” (tốt bụng, hay giúp đỡ, tận tụy” người học có thể kết nối với hình ảnh người mẹ của mình cũng mang tính chất tương tự.
My mom is a kind and dedicated woman. (Mẹ tôi là một người phụ nữ tận tụy và tốt bụng)
Phương pháp liên kết từ với một câu truyện
Ngoài hai phương pháp liên kết kể trên, người học có thể tưởng tượng, sáng tạo nên một câu chuyện với từ vựng mới cần ghi nhớ. Để tạo nên một câu chuyện có liên quan đến từ vựng, người học trước hết cần nắm rõ nghĩa của từ vựng. Phương pháp này có thể được áp dụng cho một từ mà trong đó các thành phần của từ (tiền tố, hậu tố) mang một ý nghĩa nào đó hoặc nhiều từ với nhau nếu các từ này có liên quan với nhau về nghĩa, chính tả hay phát âm – liên kết từ với từ.
Ví dụ:
Để nhớ từ “far-fetched” – (tính từ) khó tin, người học có thể tạo ra một câu chuyện dựa trên ý nghĩa của từng thành phần trong từ này: far (xa) và fetch (đi lấy một vật gì ở một nơi nào đó). Câu chuyện có thể là “Your story is far-fetched (unbelievable). You must have fetched from a very far place” (Câu chuyện của bạn thật khó tin. Bạn ắt phải lấy nó từ một nơi rất xa). Như vậy, mỗi khi người học muốn diễn đạt một chuyện khó tin, anh ấy có thể nghĩ đến một điều được lấy từ một nơi rất xa xôi nên trở nên khó tin.
Để nhớ các nghĩa khác nhau của từ “tear” (danh từ – nước mắt; động từ – xé toạc). Người học có thể tưởng tượng một câu chuyện “ai đó đã xé tờ tiền của tôi nên giờ nước mắt tôi không ngừng rơi” (Someone tears my money apart, so tears can’t stop falling down my face now).