1. Hội chứng đối kháng phospholipid là gì?
Các chuyên gia giải đáp câu hỏi “đối kháng phospholipid là gì” như sau:
Hội chứng đối kháng phospholipid (APS) là một rối loạn tự miễn hệ thống đặc trưng bởi tình trạng huyết khối tĩnh mạch hoặc động mạch và/ hoặc xuất hiện biến cố thai kỳ kèm với sự hiện diện hằng định của đối kháng thể chống phospholipid được tìm thấy qua xét nghiệm tương ứng.
Hội chứng đối kháng phospholipid gia tăng nguy cơ hình thành cục máu đông
Nguyên nhân gây ra bệnh có thể là do rối loạn miễn dịch tự nhiên, tác động phụ của một số loại thuốc và cũng có nhiều trường hợp không thể xác định được nguyên nhân gây bệnh.
Các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh là những người mắc rối loạn miễn dịch tự nhiên, người bị nhiễm trùng, trong gia đình có người mắc bệnh, người sử dụng một số loại thuốc có liên quan đến hội chứng đối kháng phospholipid.
Một số bệnh nhân mắc hội chứng này và không có triệu chứng bất thường. Tuy nhiên, đối kháng thể này vẫn làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông khi người bệnh mang thai, ít vận động trong suốt một thời gian dài, đã từng phẫu thuật, có thói quen hút thuốc lá, có mức cholesterol cao,…
2. Các triệu chứng phổ biến của bệnh
- Khi có cục máu đông ở các động mạch, tĩnh mạch của chân: Người bệnh thường bị sưng đỏ và đau ở vùng này. Ngoài ra, cục máu đông cũng có nguy cơ di chuyển đến phổi và gây ra tắc mạch phổi.
Phụ nữ gặp nhiều vấn đề về thai nghén do APS
- Phụ nữ mắc bệnh APS có thể gặp vấn đề về thai nghén, thai lưu nhiều lần, hoặc một số biến chứng trong thai kỳ như thai chậm phát triển, sinh non, tiền sản giật,...
- Đột quỵ do tắc mạch.
- Huyết khối ở mạch não.
- Mảng xanh dạng lưới, viêm mạch gây tổn thương da.
- Xuất hiện phát ban đỏ.
Bên cạnh những triệu chứng đã nêu, người bệnh cũng có thể gặp phải một số triệu chứng ít nghiêm trọng khác như sau:
- Triệu chứng về hệ thần kinh: Những cơn đau mạn tính (thường là đau đầu). Nếu có một cục máu đông ngăn chặn lưu lượng máu đến não, bệnh nhân có thể gặp phải mất trí nhớ hoặc co giật.
- Người mắc bệnh APS cũng có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến van tim, bệnh lý động mạch vành, bệnh thận,...
- Xuất hiện các trường hợp chảy máu mũi, chảy máu ở nướu,...
3. Hội chứng kháng phospholipid gây ra nguy hiểm như thế nào?
Tùy thuộc vào vị trí của cục máu đông và mức độ tắc nghẽn lưu lượng máu đến các cơ quan trong cơ thể mà có thể gây ra các biến chứng khác nhau, và mức độ nguy hiểm của APS đối với từng bệnh nhân cũng không giống nhau.
Suy thận là một trong những biến chứng của căn bệnh
- Suy thận: Tình trạng tăng đông máu có thể gây ra cục máu đông làm giảm lưu lượng máu đến thận và gây tổn thương thận, trong đó có tình trạng suy thận, đặc biệt nguy hiểm.
- Đột quỵ: Bệnh có thể làm giảm lưu lượng máu đến não và tăng nguy cơ đột quỵ, tê liệt một phần cơ thể và người bệnh mất khả năng nói.
- Tác động đến tim mạch: Khi cục máu đông gây tổn thương van trong tĩnh mạch, máu sẽ chảy về tim và dẫn đến tình trạng sưng mạn tính, gây tổn thương tim nghiêm trọng.
- Gây ra tắc mạch phổi.
- Dẫn đến một số biến chứng trong thai kỳ như tăng nguy cơ sinh non, thai lưu, tiền sản giật,…
4. Phương pháp điều trị và chẩn đoán bệnh
4.1. Phương pháp chẩn đoán bệnh
Các tiêu chuẩn khi thăm khám lâm sàng bao gồm: huyết khối tĩnh mạch hoặc các biến chứng khác trong thời kỳ mang thai.
Còn tồn tại các tiêu chuẩn cận lâm sàng:
- Chất kháng đông LA phải xuất hiện trong huyết tương ít nhất 2 lần xét nghiệm cách nhau tối thiểu 12 tuần.
- Kháng thể kháng cardiolipin IgG và/ hoặc IgM phải dương tính trong ít nhất 2 lần xét nghiệm với khoảng cách tối thiểu 12 tuần, được đo lường bằng phương pháp ELISA chuẩn.
- Kháng thể kháng ß2 glycoprotein IgG và/ hoặc IgM phải dương tính trong ít nhất 2 lần xét nghiệm với khoảng cách tối thiểu 12 tuần, được đo lường bằng phương pháp ELISA chuẩn.
4.2. Phương pháp điều trị bệnh
Các phương pháp điều trị hiện nay bao gồm:
- Heparin trọng lượng phân tử thấp: Liều dự phòng là 30–40 tiêm dưới da mỗi ngày. Liều điều trị là 1 mg/kg: Tiêm dưới da 2 lần/ngày hoặc 1,55 mg/kg tiêm dưới da mỗi ngày.
- Warfarin: Loại thuốc này được sử dụng khi không mang thai, với liều dùng duy trì INR giữa 2.0 và 3.0.
Các thuốc chống tiểu cầu: bao gồm aspirin và clopidogrel.
- Aspirin:
Có hiệu quả trong việc ngăn ngừa huyết khối ở những người bệnh APS chưa từng trải qua huyết khối trước đó, nhưng ít hữu ích trong việc phòng ngừa huyết khối ở những người đã từng trải qua huyết khối. Liều khuyến cáo của aspirin là 81 mg/ngày.
- Clopidogrel:
Có vai trò trong phòng ngừa huyết khối ở những người bệnh APS không dung nạp aspirin. Tuy nhiên, nếu không được khuyến nghị sử dụng aspirin thì không nên sử dụng thuốc này.
Thường xuyên vận động để cải thiện tình trạng sức khỏe
- Một số phương pháp hỗ trợ điều trị khác bao gồm:
+ Thường xuyên tập luyện để có một cơ thể khỏe mạnh, một trái tim khỏe mạnh.
+ Duy trì chế độ ăn uống khoa học: Nên chọn lựa thực phẩm lành mạnh và ăn đa dạng.
+ Loại bỏ thuốc lá, rượu bia để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.
+ Hạn chế sử dụng thuốc tránh thai.
+ Trong trường hợp muốn sử dụng các phương pháp thay thế hormone sau mãn kinh, nên tham khảo ý kiến bác sĩ vì đây là một yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.
+ Thường xuyên kiểm tra sức khỏe, đặc biệt là đối với những người mắc bệnh cao huyết áp, tiểu đường.
+ Phụ nữ mang thai cần tuân thủ lịch hẹn kiểm tra của bác sĩ và thực hiện các xét nghiệm theo dõi cần thiết để giảm nguy cơ biến chứng bệnh.