1. Hội chứng hẹp đường cổ tay là bệnh gì?
1.1. Tổng quan về bệnh lý
Hội chứng hẹp đường cổ tay hay còn được gọi là hội chứng ống cổ tay là một bệnh lý liên quan đến việc dây thần kinh ngoại biên bị chèn ép. Bệnh lý này phát triển khi dây thần kinh bị chèn ép, gây ra tình trạng đau, tê ở tay, và thậm chí viêm.
Người mắc hội chứng hẹp đường cổ tay thường gặp đau và tê ở tay
Theo thống kê từ National Library of Medicine, tỷ lệ người mắc bệnh lý liên quan đến cổ tay mỗi năm ước đạt 50/1000. Đặc biệt trong nhóm nguy cơ cao, tỷ lệ mắc còn lên tới 500/1000.
1.2. Biến chứng
Biến chứng phổ biến nhất ở người mắc hội chứng hẹp đường cổ tay là tình trạng đau nhức, tê bì, mất dần cảm giác ở vùng da tay. Nguy hiểm hơn, bệnh nhân còn bị teo cơ, chức năng vận động suy giảm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, giảm hiệu quả lao động cũng như chất lượng cuộc sống.
1.3. Triệu chứng thường gặp
Rối loạn cảm giác và vận động là triệu chứng đặc trưng ở người mắc hội chứng hẹp đường cổ tay.
- Rối loạn về mặt cảm giác: Phần lớn người bệnh đều cảm thấy tê bì, tê buốt như bị kim châm, da tay bỏng rát. Những dấu hiệu này chủ yếu xuất hiện về đêm nên giấc ngủ bị ảnh hưởng. Khi gấp, ngửa cổ tay, người bệnh cảm thấy như có lực đè, khiến việc vận động khó khăn.
- Rối loạn về mặt vận động: Chỉ thực sự rõ nét ở giai đoạn bệnh trở nặng. Khi đó, dây thần kinh giữa có xu hướng bị rối loạn vận động. Biểu hiện người bệnh gặp phải lúc này là cầm nắm khó.
Khó cầm nắm đồ vật - triệu chứng xuất hiện khi giai đoạn bệnh bắt đầu trở nặng
2. Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hội chứng hẹp đường cổ tay
Hầu hết người bị mắc hội chứng hẹp đường cổ tay đều không thể xác định nguyên nhân cụ thể gây bệnh. Triệu chứng bệnh có thể giảm khi bệnh nhân dùng thuốc uống hoặc thuốc tiêm.
Ngoài ra, bệnh lý này xuất hiện có thể do nguyên nhân ngoại sinh hoặc nội sinh. Trong đó:
- Nhóm nguyên nhân ngoại sinh: Chấn thương tác động từ bên ngoài khiến dây thần kinh giữa ống tay bị chèn ép. Bên cạnh đó, các khối u, nang hoạt dịch hay bệnh thủy đậu cũng là nguyên nhân tác động vào dây thần kinh giữa.
- Nhóm nguyên nhân nội sinh: Tình trạng ứ dịch trong thời kỳ mang thai, bệnh gout, suy tuyến giáp, khớp dạng thấp,... đều là tác nhân làm tăng nguy cơ mắc hội chứng hẹp đường cổ tay.
Chấn thương bên ngoài tác động vào cổ tay dễ khiến dây thần kinh giữa bị chèn ép
3. Các biện pháp chẩn đoán hội chứng hẹp đường cổ tay
3.1. Thăm hỏi triệu chứng kết hợp kiểm tra trực tiếp
Trước tiên, bác sĩ cần tiến hành khám lâm sàng. Lúc này, bác sĩ sẽ thăm hỏi triệu chứng kết hợp kiểm tra trực tiếp thông qua một vài nghiệm pháp đặc biệt. Chẳng hạn như:
- Nghiệm pháp Tinel: Bác sĩ sử dụng búa phản xạ chuyên dụng gõ vào vị trí ống cổ tay (tay bệnh nhân trong tư thế duỗi thẳng). Nếu bệnh nhân bị đau hoặc tê giật ở ngón tay cái, ngón tay giữa, ngón tay trỏ và 1/2 ngón nhẫn thì có nghĩa nghiệm pháp dương tính.
- Nghiệm pháp Durkan: Bác sĩ dùng ngón tay cái ấn vào giữa nếp nhăn của cổ tay bệnh nhân. Nếu nghiệm pháp dương tính, bệnh nhân sẽ cảm thấy tê bì, xuất hiện cơn đau tăng dần theo hệ thống dây thần kinh giữa.
- Nghiệm pháp Phanel: Bệnh nhân cần gập cổ tay tối đa (90 độ) trong khoảng 1 phút. Nếu nghiệm pháp dương tính, người bệnh thường cảm thấy tê bì hoặc xuất hiện cơn đau tại khu vực dây thần kinh giữa.
3.2. Đo điện cơ và siêu âm
Bên cạnh thăm hỏi triệu chứng kết hợp nghiệm pháp, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh đo điện cơ và siêu âm để khẳng định kết quả.
- Đo điện cơ: Chỉ định khi người bệnh có thể đã bước sang giai đoạn nặng, chức năng vận động của tay suy giảm.
- Siêu âm: Xác định nguyên nhân gây bệnh. Chẳng hạn như khối u, tình trạng viêm tràn dịch, dây thần kinh bị chèn ép.
4. Một số biện pháp điều trị hội chứng hẹp đường cổ tay phổ biến
4.1. Dùng thuốc kết hợp tập vận động
Phương pháp điều trị này chủ yếu được chỉ định khi hội chứng mới chỉ trong giai đoạn đầu. Lúc này, bác sĩ chỉ định cho người bệnh dùng một số loại thuốc chống viêm, Corticoid bổ sung theo đường uống. Song song với đó, người bệnh cần tập vận động theo hướng dẫn.
Người bệnh dùng thuốc kết hợp vận động
4.2. Nẹp cổ tay
Người bệnh chủ yếu nẹp cổ tay vào ban đêm, duy trì thực hiện đều đặn hàng ngày. Theo nghiên cứu, phương pháp này giúp giảm bớt triệu chứng sau khoảng 4 tuần áp dụng.
4.3. Phẫu thuật
Phẫu thuật chỉ định trong trường hợp tình trạng bệnh đã chuyển nặng. Bệnh nhân lúc này xuất hiện triệu chứng về rối loạn cảm giác, cơ bị teo, các biện pháp điều trị khác không còn hiệu quả.
5. Cách phòng tránh hội chứng hẹp đường cổ tay
Duy trì thói quen vận động tay vừa sức, nghỉ ngơi điều độ là một vài biện pháp đơn giản giúp bạn phòng tránh hội chứng ống cổ tay.
- Cho tay nghỉ giải lao thường xuyên: Cứ sau khoảng 15 đến 30 phút hoạt động liên tục, bạn bạn hãy xoa bóp cổ tay (thực hiện trong 10 đến 30 giây). Tác dụng chính của việc làm này là giúp cổ tay thư giãn, hạn chế tình trạng dây thần kinh bị chèn ép.
- Duy trì tư thế ngồi khoa học: Bạn cần ngồi đúng tư thế. Bởi tư thế ngồi sai dễ khiến hệ thống dây thần kinh ở vùng cổ bị ảnh hưởng, tác động đến dây thần kinh ở bàn tay.
Tiến hành xoa bóp cổ tay giúp lưu thông mạch máu, thư giãn sau khi duy trì tư thế làm việc một thời gian
Trường hợp đang làm việc trong môi trường văn phòng, sử dụng máy tính liên tục, bạn nên lựa chọn chuột và bàn phím phù hợp, sao cho tay có thể thao tác thoải mái nhất. Như vậy, tay sẽ ít bị đau, hạn chế phần nào tình trạng dây thần kinh bị chèn ép.