Trước khi bắt đầu đọc bài này, hãy dành chút thời gian để nhận ra những dấu hiệu sau đây xem chúng có thường xuyên xuất hiện trong đầu bạn hàng ngày không.
- Luôn tự nghi ngờ bản thân không đủ tốt, tin rằng mọi thành tựu đều là may mắn. Bạn luôn sợ rằng một ngày nào đó sẽ bị lộ ra.
- Không tin vào giá trị của những gì mình làm, coi lời khen là đánh bóng, không thực sự xứng đáng.
- Không tự tin vào khả năng bản thân, luôn lo sợ rằng mình đang ở vị trí cao hơn so với năng lực thực tế.
- Mọi thành công của bạn thường được đánh giá là do những yếu tố bên ngoài như may mắn, sự giúp đỡ từ người khác, hoặc sự thách thức từ môi trường.
- Khi được giao một công việc mới, bạn luôn lo lắng rằng mình không đủ kiến thức hoặc kỹ năng để hoàn thành nhiệm vụ đó.
- Bạn thường tự trách mình và cảm thấy buồn phiền về những lỗi nhỏ trong công việc của mình.
- Bạn cảm thấy nhạy cảm với mọi ý kiến phản hồi, thậm chí khi chúng là xây dựng. Sau khi nghe nhận xét đó, bạn tự đánh giá thấp bản thân và nghĩ rằng mình chưa đạt được kỳ vọng của người khác, dù công việc của bạn có thể đã hoàn thành tốt.
1. Khám phá Hội chứng Kẻ Giả Mạo
Thuật ngữ “Imposter Syndrome” - Hội chứng kẻ giả mạo đã được giới thiệu vào năm 1970 bởi những nhà tâm lý học Suzanna Imes và Pauline Rose Clance.
Hội chứng này khiến con người luôn mang trong mình cảm giác bất an, lo sợ vì họ không thấy bản thân đủ tài năng cho công việc mà họ đang làm, luôn nghi ngờ rằng một ngày nào đó mọi người sẽ phát hiện ra sự “yếu kém” của họ. Hội chứng kẻ giả mạo là trải nghiệm cảm giác như một “kẻ giả mạo” - bạn cảm thấy như thể bất cứ lúc nào bạn sẽ bị phát hiện là một kẻ lừa đảo - như thể bạn không xứng đáng với vị trí mà bạn đang có mà chỉ đơn giản là do may mắn mà ra.
Khi mới được biết đến, hội chứng kẻ giả mạo ban đầu chỉ áp dụng cho phụ nữ có thành tích cao trong xã hội. Nhưng sau này, nhiều người công nhận rằng hội chứng này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, không phụ thuộc vào địa vị xã hội, nền tảng công việc, hoặc trình độ kỹ năng của họ. Ngay cả Albert Einstein cũng từng nhận định rằng những khám phá của mình không đáng nhận nhiều sự chú ý như vậy.
Với một số người, hội chứng kẻ giả mạo được xem như động lực để họ không ngừng nỗ lực hoàn thiện và phát triển. Nhưng đối với phần lớn, họ sống trong cảm giác bất an, lo lắng thường xuyên. Họ luôn chuẩn bị quá mức cần thiết cho một công việc sắp diễn ra hoặc làm việc chăm chỉ đến kiệt sức để đảm bảo rằng không ai sẽ phát hiện ra họ là “kẻ lừa đảo”. Điều này tạo thành một vòng luẩn quẩn, khiến bạn luôn nghĩ rằng kết quả đạt được là do đổ hết tâm sức vào để bù đắp cho năng lực “thiếu hụt” của mình, và từ đó, bạn làm việc không ngừng nghỉ thay vì tận dụng năng lực có sẵn của mình.
2. Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, gây ra hội chứng kẻ giả mạo. Điều này khiến hội chứng có thể xuất hiện ở bất kỳ ai thuộc mọi tầng lớp xã hội, mọi độ tuổi và giới tính.
a. Sự nuôi dạy từ gia đình khi còn nhỏ
Gia đình là môi trường đầu tiên mà mỗi người tiếp xúc khi mới sinh ra, vì vậy nó có ảnh hưởng rất lớn và lâu dài tới cuộc đời sau này của con người. Cách nuôi dạy con trẻ có phần kiểm soát hoặc bảo vệ quá mức dễ dàng dẫn tới hội chứng kẻ giả mạo từ khi còn nhỏ. Ví dụ, khi được bố mẹ nuông chiều, bảo bọc hết mức, được xuất thân trong một gia đình khá giả, cha mẹ có sẵn chỗ đứng trong xã hội, đứa trẻ sẽ được coi là “ngậm thìa vàng”, không cần làm gì cũng có thể thành công. Điều này khiến họ lớn lên trong cảm giác tất cả những gì họ có được là do gia đình mang lại chứ không phải do nỗ lực của bản thân, bất kể họ có cố gắng và nỗ lực đến đâu.
b. Sự thay đổi trong môi trường sống và làm việc
Ví dụ, bạn vừa đỗ vào một trường đại học danh tiếng trong khi trước đây bạn chỉ học ở một ngôi trường cấp ba bình thường ở quê nhà. Trong khi nhiều người luôn khen ngợi bạn là một người tài giỏi, biết “vượt khó, học tốt”, bạn lại chỉ nghĩ rằng mình phải may mắn mới đạt được kết quả tốt như vậy, trong khi tất cả những người bạn xung quanh đều đến từ các “trường chuyên, lớp chọn” danh tiếng.
Áp lực trong một công việc, một môi trường mới kết hợp với việc chưa có nhiều kinh nghiệm học tập, làm việc với vị trí này trước đây có thể khiến bạn dễ dàng cảm thấy mình không thuộc về nơi này, và rằng chỗ đứng hiện tại của bạn chỉ là tạm thời vì một ngày nào đó, mọi người sẽ phát hiện ra năng lực của bạn không phù hợp ở đây và bạn sẽ buộc phải rời đi.
c. Tính cách
Một số đặc điểm tính cách ở con người cũng góp phần khiến hội chứng kẻ giả mạo xuất hiện, như việc sống theo chủ nghĩa hoàn hảo. Bạn luôn cố gắng đạt được sự hoàn hảo tuyệt đối trong mọi công việc, bất kể sai sót nào dù là nhỏ nhất cũng khiến bạn cảm thấy thất vọng và mất đi niềm tin vào bản thân.
3. Đối phó với hội chứng kẻ giả mạo
Có thể nói, cách hiệu quả nhất để đối phó với hội chứng này là việc chia sẻ. Nhiều người thường tự chịu đựng cảm giác lo âu, thất vọng về bản thân khi nhận được đánh giá về khả năng, năng lực của mình, vì thế họ dễ rơi vào vòng luẩn quẩn tự đánh giá thấp năng lực của mình. Việc chia sẻ và nói ra những băn khoăn này sẽ giúp người khác - những người có cái nhìn khách quan hơn về bạn - nhận ra vấn đề bạn đang gặp phải và giúp bạn có được cách đánh giá đúng đắn nhất về bản thân. Bên cạnh đó, nếu bạn quen ai gặp phải hội chứng kẻ giả mạo, hãy dành cho họ những lời khen chân thành và thật tâm để họ thật sự tin tưởng vào lời nói của bạn và nhìn nhận lại bản thân một cách đúng đắn nhất.
Kết luận cuộc hội thoại
Dù bạn có cảm thấy như mình không đủ tài năng, hãy nhớ rằng sự thành công của bạn đã được xác định bởi những cố gắng mà bạn đã bỏ ra. Hãy biến nỗi tự ti đó thành nguồn động viên, nhìn nhận giá trị thực sự của những gì bạn đã đạt được. Đồng ý rằng may mắn có thể giúp ích trong hành trình của bạn, nhưng nó không phải là yếu tố quyết định. Hãy tưởng tượng một ai đó dựa vào may mắn mà không có sự cố gắng và kiên nhẫn, liệu họ có đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc không?
Đừng giữ nỗi sợ trong lòng, hãy tìm người đáng tin cậy nhất để chia sẻ, để họ có thể lắng nghe và giúp bạn nhận ra giá trị của chính mình.
Tác Giả: Nguyễn Hải Chi