Khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất là Châu Á-Thái Bình Dương với khoảng 41.000 tài khoản bị tấn công.
Hơn 101.000 tài khoản của người dùng chatbot phổ biến được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo, ChatGPT, đã bị phần mềm độc hại đánh cắp thông tin trong năm qua. Dữ liệu bị đánh cắp hiện đang được đăng tải trên nhiều trang web đen.
Theo báo cáo gần đây từ công ty tình báo mạng Group-IB, hơn 100.000 thông tin người dùng sử dụng ChatGPT đã bị tin tặc đăng tải trên thị trường web đen. Đỉnh điểm là vào tháng 5 năm 2023, khi tin tặc đe dọa sẽ đăng 26.800 cặp thông tin xác thực mới của ChatGPT.
Khu vực chịu tổn thất nhiều nhất là Châu Á-Thái Bình Dương với gần 41.000 tài khoản bị tấn công, từ tháng 6 năm 2022 đến tháng 5 năm 2023. Châu Âu có gần 17.000 tài khoản và Bắc Mỹ xếp thứ năm với 4.700 tài khoản.
Tin tặc sử dụng phần mềm độc hại được thiết kế để nhắm mục tiêu và thu thập dữ liệu tài khoản từ các ứng dụng khác nhau, bao gồm email, trình duyệt web, dịch vụ game và ví tiền ảo.
Thông tin tài khoản và dữ liệu bị đánh cắp được chuyển vào kho lưu trữ được gọi là nhật ký, sau đó được gửi trở lại máy chủ của tin tặc để khai thác thêm.
Theo dữ liệu của Group-IB, số lượng nhật ký ChatGPT bị đánh cắp đã tăng đều đặn theo thời gian, với gần 80% tất cả nhật ký đến từ mã độc Raccoon, tiếp theo là Vidar (13%) và Redline (7%).
Việc xâm phạm tài khoản ChatGPT, tài khoản email, dữ liệu thẻ tín dụng và thông tin ví tiền điện tử cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của các công cụ do trí tuệ nhân tạo cung cấp cho cá nhân và doanh nghiệp.
Nếu bạn nhập dữ liệu nhạy cảm trên ChatGPT, hãy cân nhắc tắt tính năng lưu trò chuyện trong menu cài đặt của nền tảng hoặc xóa lịch sử cuộc trò chuyện trước đó theo cách thủ công ngay sau khi bạn sử dụng xong công cụ.