Hòn Phụ Tử là hai khối đá gắn liền trên bệ đá cao 5m so với mặt biển. Hòn Phụ cao khoảng 33,6m và hòn Tử cao khoảng 30m, tượng trưng cho hình ảnh cha con quấn quýt. Nằm tại eo biển Khu du lịch Chùa Hang, xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, Hòn Phụ Tử là biểu tượng của Kiên Giang và được công nhận là danh lam thắng cảnh quốc gia từ năm 1989.
Truyền thuyết về Hòn Phụ Tử
Theo truyền thuyết, ngày xưa vùng biển này có con thuồng luồng hung dữ, thường đánh đắm thuyền để ăn thịt ngư dân. Bên chân ngọn An Hải Sơn, cạnh chùa Hang, có hai cha con làm nghề chài lưới. Người cha quá bất bình, quyết diệt con thú để bảo vệ ngư dân. Sau khi suy tính, ông quyết định hy sinh thân mình, tẩm độc vào người và nằm sát biển dụ con thú. Con thuồng luồng thấy mồi, đến cắn đầu ông, trúng độc chết. Người con tìm cha, thấy xác cha cụt đầu, ôm khóc rồi trúng độc chết theo. Trời nổi giông bão, mưa nhiều ngày, nơi hai cha con nằm mọc lên hai hòn đá, gọi là hòn Phụ Tử.
Hai bên hòn Phụ Tử là hai đảo có hình dáng như con thỏ quỳ và con rùa. Thiên nhiên tạo nên cảnh đẹp tuyệt vời. Ai đến đây chắc chắn không quên được cảnh quan hữu tình này.
Hòn Phụ Tử bị đổ
Khoảng 3 giờ 45 phút ngày 9 tháng 8 năm 2006, phần Phụ của hòn Phụ Tử đột ngột ngã xuống biển. Phần gãy cao 20m, đường kính 20m, khối lượng khoảng 1000 tấn, ngã về hướng đông, còn lại khoảng 13m. Hòn Phụ Tử giờ chỉ còn lại phần hòn Tử.
Chú thích
Liên kết ngoài
- Hòn Phụ Tử: Nên phục dựng hay giữ nguyên?