Nhãn hiệu và bằng sáng chế của Aito sẽ được bán với giá 343 triệu USD.
Huawei Technologies đang chuyển nhượng nhãn hiệu xe điện Aito cho đối tác sản xuất ô tô Trung Quốc Seres để tập trung vào vai trò nhà cung cấp hệ thống cho xe hơi thay vì là đối thủ cạnh tranh.
Seres, công ty cùng phát triển thương hiệu với Huawei, cam kết chi 2,5 tỷ nhân dân tệ (343 triệu USD) để mua lại nhãn hiệu và bằng sáng chế của Aito. Giao dịch dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2024, theo hồ sơ của nhà sản xuất ô tô niêm yết tại Thượng Hải. Seres khẳng định thỏa thuận này sẽ không ảnh hưởng đến sự hợp tác giữa hai bên.
“Huawei sẽ chuyển giao nhãn hiệu Aito cho Seres và trong thời gian chờ đợi, tiếp tục hỗ trợ Seres trong sản xuất và phân phối ô tô Aito”, Huawei cho biết trong một tuyên bố và nhấn mạnh rằng công ty sẽ không sản xuất xe hơi.
Việc chuyển nhượng thương hiệu diễn ra khi Huawei đặt mục tiêu rút lui khỏi lĩnh vực sản xuất xe hơi và tăng cường vai trò nhà cung cấp và điều hành nền tảng trong ngành công nghiệp xe điện.
Trước đó, Aito đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của Huawei vào năm 2021, khi gã khổng lồ công nghệ bị Mỹ trừng phạt, tìm kiếm nguồn doanh thu mới. Trước khi cùng ra mắt Aito, Seres là một công ty con của Chongqing Sokon Industry Group, được niêm yết tại Thượng Hải và là một cái tên ít được biết đến trong ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc.
Vị thế của Huawei đã giúp Aito trở thành một trong những thương hiệu xe điện phát triển nhanh nhất tại Trung Quốc. Đầu năm 2023, một số cửa hàng bán lẻ đã tiếp thị sản phẩm dưới tên Huawei Aito, gây ra nghi ngờ về dự án sản xuất xe hơi tự động của Huawei.
Tháng 11, Huawei thông báo kế hoạch hợp tác với Changan Automobile, một nhà sản xuất ô tô lớn do nhà nước sở hữu, có trụ sở tại Trùng Khánh, Tây Nam Trung Quốc, tập trung vào các hệ thống và linh kiện xe thông minh. Huawei mời Seres tham gia vào dự án hợp tác mới này và đã có những cuộc đàm phán tích cực.
Theo các chuyên gia, việc hợp tác giữa Changan và Huawei đánh dấu một bước tiến mới trong lĩnh vực xe điện. Hiện tại, tất cả các hoạt động của họ đều đang được theo dõi để xác định tính hiệu quả của mô hình kinh doanh xe điện này trong dài hạn.
“Chiến lược của Huawei là đưa công nghệ mạnh mẽ của mình vào càng nhiều công ty khác nhau để khi thị trường hợp nhất, họ sẽ có một nền tảng kết nối với những công ty tồn tại trong ngành xe điện”, giám đốc Kollar của Intralink cho biết.
Động thái mới nhất của Huawei xảy ra trong bối cảnh thị trường xe điện Trung Quốc đang trở nên cạnh tranh gay gắt. Các thương hiệu đang nỗ lực giành chiến thắng trong cuộc đua giảm giá khi thị trường xuất hiện ngày càng nhiều dòng xe đẹp và tiên tiến. Ba hãng sản xuất xe điện cao cấp hàng đầu của Trung Quốc, Li Auto, Xpeng và Nio, đã ghi nhận doanh số tăng trưởng nhanh trong tháng 6 nhờ vào các chương trình giảm giá và ưu đãi. Seres báo cáo doanh số bán ra là 44.126 xe trong tháng 6, tăng so với mức 34.130 xe của tháng trước.
Theo Reuters, việc phát triển xe thông minh là hướng đi mà Huawei đang theo đuổi, một phần vì các vi mạch trong xe không phải là công nghệ hiện đại như trong smartphone và không bị cấm vận bởi Mỹ. Tiềm năng của thị trường xe hơi khổng lồ của Trung Quốc cũng là một điểm mạnh.
“Chúng tôi không thể cạnh tranh với giá cực kỳ thấp. Thay vào đó, chúng tôi chỉ có thể cạnh tranh bằng giá trị, thông minh, sang trọng, tiện nghi, an toàn, thoải mái và trải nghiệm người dùng”, Yu Chengdong, chủ tịch bộ phận xe hơi thông minh của Huawei, nhấn mạnh, ngụ ý rằng các đối thủ như BYD, chỉ đua nhau giá rẻ chứ không phải chất lượng.
Theo CNN, các giám đốc điều hành hàng đầu trong ngành xe điện thường xuyên chia sẻ các bài đăng trên mạng xã hội về nhiều chủ đề, bao gồm công nghệ và quảng cáo. Tuy nhiên, hiếm khi ai đề cập trực tiếp đến đối thủ như ông Yu Chengdong.
Thay vì tiếp cận khách hàng thông qua một mạng lưới đại lý rộng khắp, các mẫu xe của Huawei chủ yếu được bán qua trang web và cửa hàng. Điều này ngụ ý rằng cơ sở khách hàng tiềm năng cơ bản là danh sách khách hàng hiện có của họ.
Ngoài ra, thay vì đầu tư tự phát triển xe điện như nhiều startup khác, Huawei chọn đối tác để sản xuất phần cứng và tập trung vào lĩnh vực mà họ vững mạnh nhất: phần mềm. Sau khi phát triển hệ thống điều khiển và hỗ trợ tài xế, Huawei chỉ cần đặt nhãn thương hiệu và tung ra thị trường sản phẩm.
“Trong thời đại xe điện thông minh ngày càng phổ biến, cạnh tranh trong lĩnh vực này sẽ trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Tôi tin rằng, trên dài hạn, các hãng xe hợp tác chặt chẽ với Huawei có thể tồn tại và trở thành những công ty hiếm hoi có thể tồn tại”, giám đốc Richard Yu, người đứng đầu bộ phận xe điện của Huawei, nhấn mạnh.
Theo: SCMP, CNN