Huawei đang tạo ra một loạt cơ sở sản xuất chip 'bí mật' trên khắp Trung Quốc để tránh lệnh trừng phạt của Mỹ.
Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn, Huawei đã mua lại ít nhất hai nhà máy hiện có và sẽ xây dựng thêm ba nhà máy nữa, đồng thời cho biết gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã chuyển sang sản xuất chip từ năm ngoái và đang nhận được khoản tài trợ nhà nước ước tính khoảng 30 tỷ USD từ chính phủ để góp phần vào sự phát triển của công ty.
Bộ Thương mại Mỹ đã thêm Huawei vào danh sách kiểm soát xuất khẩu vào năm 2019 do lo ngại về an ninh. Công ty Trung Quốc cũng đã phủ nhận những mối đe doạ về an ninh mà Mỹ cáo buộc.
Kể từ khi chính phủ Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen, công ty công nghệ Trung Quốc đã gặp khó khăn trong việc mua chip.
Theo một báo cáo trên Bloomberg, để 'lách luật' mà Mỹ đưa ra, Huawei buộc phải xây dựng và điều hành các cơ sở dưới tên của các công ty khác. Đó là một 'mạng lưới sản xuất ngầm' tồn tại để giúp Huawei kinh doanh và khẳng định mình là một công ty sản xuất chip tiên tiến ở Trung Quốc.
Đây không phải là lần đầu tiên Huawei tìm mọi cách để tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ đưa ra. Đầu năm nay, Huawei đã thay thế 13.000 bộ phận và thiết kế lại 4.000 bảng mạch cho các sản phẩm của hãng. Tập đoàn cũng đang phát triển hệ điều hành (HarmonyOS), hệ thống dữ liệu, ngôn ngữ lập trình (Cangjie) và trình biên dịch để có thể tự cung cấp. Tuy nhiên, công ty vẫn cần linh kiện để sản xuất và Seagate đã bị phạt 300 triệu USD vào tháng 4 vì bán hàng triệu ổ cứng cho Huawei.
Do bị áp đặt các lệnh cấm, lợi nhuận kinh doanh năm 2022 của Huawei đã giảm đáng kể so với năm trước đó. Năm 2022, tập đoàn này ghi nhận mức lợi nhuận ròng 5,2 tỷ USD, giảm 68,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, trong quý 1 năm 2023, Huawei đã đạt doanh thu 42,96 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước với tỷ suất lợi nhuận ròng đạt 15%.