Khả năng sử dụng tiếng Anh là một kỹ năng quan trọng và cần thiết trong xã hội hiện nay. Do đó, người học tìm đến những cách học đa dạng khác nhau như học qua sách giáo khoa, học tại trung tâm anh ngữ, tham gia câu lc bộ,… với mong muốn cải thiện trình độ tiếng Anh. Trong bài viết này, tác giả giới thiệu phương pháp học tiếng Anh qua phim ảnh với đối tượng người học chủ yếu là người có band điểm IELTS từ 5.5, sau đó đến lợi ích mang lại, và cuối cùng là hướng dẫn chi tiết các bước học cụ thể.
Phân tích đối tượng người học có band điểm IELTS từ 5.5 trở lên
Ví dụ: The school makes it a requirement for students to take part in extracurricular activities. (dịch: Nhà trường bắt buộc học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa).
→ Đối với ví dụ trên, người học từ band 5.5 trở lên có khả năng hiểu được nghĩa của câu nhưng chỉ một số ít có thể vận dụng ngữ pháp chứa tân ngữ giả “it” như trên (cấu trúc: chủ ngữ + động từ + it + bổ ngữ + động từ nguyên thể/ mệnh đề).
Từ vựng: có vốn từ vựng chủ yếu về đời sống hàng ngày, đủ để giúp người đọc truyền tải ý kiến của mình đến người nghe trong ngữ cảnh thân thuộc như trường học, môi trường, giải trí,… Tuy nhiên, idiomatic expressions (nghĩa là những cụm từ được hình thành từ đời sống hàng ngày và dùng một cách tự nhiên bởi người bản ngữ, được dùng để diễn tả sự việc/ sự vật) chưa được người học vận dụng nhiều. Idiomatic expressions thường không theo quy tắc hay khuôn khổ nào nên việc ghi nhớ chúng phụ thuộc nhiều vào ngữ cảnh sử dụng.
Ví dụ: trong tiếng Việt, cụm từ diễn tả “việc hẹn một ai đó đến buổi hẹn nhưng sau đó thì không xuất hiện” là “leo cây”. Tuy nhiên, cụm từ này không thể dịch theo nghĩa đen thành “climb the trees”, thay vào đó người đọc cần phải biết một cụm từ khác được sử dụng trong ngữ cảnh tương tự trong tiếng Anh. Đó là cụm “stand somebody up” (“She stood him up on their first date” có nghĩa là “Cô ấy cho anh ta leo cây ở buổi hẹn đầu tiên”.)
Khả năng phản xạ khi nghe và nói:
Nghe: người học có thể nắm được nội dung cuộc trò chuyện đến 80% trong đời sống hàng ngày và ngữ cảnh thân thuộc. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với giọng tiếng Anh từ nhiều nước khác ngoài Anh và Mỹ, người học bắt đầu gặp khó khăn do ít cơ hội tiếp xúc với nhiều giọng nói ngoài đời thực.
Nói: phản xạ trả lời câu hỏi chưa nhanh, khi nói mất thời gian để sắp xếp ngữ pháp, từ vựng phù hợp để chuyển từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Do vốn từ vựng về idiomatic expressions chưa đa dạng nên người học gặp khó khăn truyền tải nội dung một cách tự nhiên (dù người nghe vẫn có thể nắm được ý muốn truyền tải).
Các ưu điểm của việc học tiếng Anh qua phim ảnh
Hỗ trợ người học sử dụng tiếng Anh một cách tự nhiên hơn
Ngữ pháp:
Kiến thức về ngữ pháp học được trong sách vở gần như bao quát tất cả những cấu trúc được sử dụng trong phim ảnh. Tuy vậy, những kiến thức đó đóng vai trò về mặt lý thuyết nên người học chưa có cơ hội tiếp xúc với nhiều ngữ cảnh mà cấu trúc ngữ pháp đó có thể được vận dụng, hoặc cách sử dụng ngôn ngữ nào sẽ phù hợp với ngữ cảnh nào hơn. Do vậy, mấu chốt ở đây là ngữ cảnh. Phim ảnh là một trong những cách hiệu quả nhất giúp người học tiếp xúc với ngữ cảnh của tiếng Anh cũng như cách người bản xứ sử dụng tiếng Anh một cách chân thật (authentic).
Ví dụ:
(1) I think John didn’t steal your money. (dịch: Tôi nghĩ John không có trộm tiền của bạn đâu.)
(2) I don’t think he stole your money. (dịch: Tôi không nghĩ là John trộm tiền của bạn đâu.)
→ Hai câu trên với hai cấu trúc ngữ pháp khác nhau đều muốn truyền tải một nội dung là “John không trộm tiền”. Dưới tác động của tiếng Việt (thường mở đầu với “Tôi nghĩ rằng ….”), người học ở band 5.5 trở xuống sẽ có xu hướng sử dụng cách (1) nhiều hơn. Tuy nhiên, trong tiếng Anh, cấu trúc (2) sẽ thường được sử dụng phổ biến hơn (một cách tự nhiên) giúp giảm mức độ chắc chắn về nhận định của người nói. Thông qua việc xem phim ảnh tiếng Anh nhiều, người học có thể từ từ nhận ra điểm khác biệt này và bắt đầu vận dụng trong văn nói.
Từ vựng:
Phim ảnh ngoài việc cung cấp cho người học một vốn từ vựng dồi dào, phong phú, thông dụng nhất sẽ giúp người học ghi chú lại những cách diễn đạt phù hợp với ngữ cảnh (idiomatic expressions).
Ví dụ: She couldn’t make it to the final round of the competition.
→ Chữ “make” khi dịch ra tiếng Việt có nghĩa là “làm, tạo ra một cái gì đó”. Tuy nhiên, trong ví dụ trên, nếu dịch theo nghĩa đen là “Cô ta không thể làm ra nó đến vòng Chung kết của cuộc thi” thì câu không có ý nghĩa. Thông qua phim ảnh, người học có thể đoán ra được nghĩa của cụm “make it” là “thành công, vượt qua được việc gì đó” do đây là một cụm từ được dùng rất thông dụng trong văn nói hàng ngày trong ngữ cảnh diễn đạt như trên. Nếu không biết cụm từ trên, người học vẫn có thể diễn đạt ý trên bằng cách nói như là “She couldn’t take part in/ go to the final round of the competition.” và người nghe vẫn hoàn toàn hiểu được. Tuy nhiên, cách nói trên chỉ truyền tải được nghĩa đen mà lược đi mất yếu tố biểu cảm (expressive meaning) có trong idiomatic expressions.
Là công cụ đồng thời luyện nghe và nói
Luyện nghe: Qua phim ảnh, người học có cơ hội được tiếp xúc với tiếng Anh một cách chủ động và nghe được các cách phát âm, nối âm, nhấn nhá trong câu của nhiều nhân vật đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Qua đó, người học được làm quen với đa dạng giọng nói trong tiếng Anh ngoài Anh-Anh và Anh-Mỹ và cải thiện khả năng nghe của bản thân.
Luyện nói: Với vốn từ vựng với ngữ cảnh thực tế thu được qua phim ảnh, người học có thể bắt đầu vận dụng trong văn nói và diễn đạt được ý kiến bản thân đa dạng và phong phú hơn. Imitation- sự bắt chước lặp lại các câu thoại từ người lớn là chìa khóa giúp trẻ em học ngôn ngữ mẹ đẻ. Tương tự vậy, phim ảnh sẽ đóng vai trò là môi trường, ngữ cảnh và người lớn cũng có thể vận dụng phương pháp đó để luyện nói ngoại ngữ. Ngoài ra, với phương pháp imitation trên thông qua phim ảnh, người học có thể luyện khả năng phát âm thuận tiện do được điều chỉnh tua lại phim để nghe rõ hơn cách phát âm, luyến láy của câu thoại.
Cách học thực tế kết hợp với giải trí
Học qua phim ảnh sẽ giúp cung cấp vốn từ vựng đa dạng, ngữ pháp phong phú và ngữ cảnh thực tế, phụ thuộc vào chủ đề, lĩnh vực sử dụng tiếng Anh mà người học muốn cải thiện. Nếu người học đang muốn nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh trong chủ đề liên quan đến y tế, những bộ phim có chủ đề trên như Grey’s Anatomy, The Resident,… sẽ cung cấp cho họ những tình huống sử dụng tiếng Anh thực tế nhất. Ngoài ra, người học có thể kết hợp giữa học tiếng Anh và giải trí vì bản chất của bộ phim vẫn mang tính chất giải trí.
Hướng dẫn các bước học tiếng Anh qua phim ảnh
Bạn đang muốn cải thiện khả năng sử dụng tiếng Anh trong ngữ cảnh nào?
Bạn thích thể loại phim gì?
Bạn đang muốn cải thiện kỹ năng nào?
Bước 2: Chọn bộ phim phù hợp và nền tảng xem phim
Giả sử người học muốn cải thiện tiếng Anh sử dụng trong đời sống hàng ngày (tương tự với speaking part 1 trong IELTS) thì những bộ phim truyền hình dài tập hài hước, tình cảm của Mỹ sẽ phù hợp. Một vài ví dụ điển hình như: How I met your mother (9 phần), Friends (10 phần), The Big Bang theory (12 phần). Thời lượng mỗi tập khoảng từ 20-22 phút phù hợp cho việc vừa học vừa giải trí. Do đây là những bộ phim truyền hình dài tập nên nội dung thường không quá gay cấn và hồi hộp nên giúp người đọc tránh việc xem nhanh, xem lẹ (binge-watch) để biết kết cục phim và gây xao lãng với mục tiêu chính là xem phim để học.
Nền tảng xem phim: Người học lưu ý xem phim trên nền tảng cung cấp cả phụ đề tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Lý do là khi muốn luyện nói, việc xem được từng chữ trong câu thoại để nhận diện chủ đề ngữ pháp, idiomatic expressions đang sử dụng là quan trọng. Phụ đề tiếng Việt sẽ giúp trong việc hiểu nội dung phim (có nghĩa là giúp kỹ năng nghe), nhưng sẽ không giúp được người học xác định chính xác ngữ pháp, từ vựng đang sử dụng trong tiếng Anh. Gợi ý một nền tảng xem phim có phụ đề tiếng Anh là Netflix (lưu ý: người học sẽ phải trả một khoảng tiền nhỏ để sử dụng nền tảng trên).
Bước 3: Xem phim lần 1, tập trung lắng nghe cuộc hội thoại để nắm được nội dung phim và quan trọng nhất là người học không phụ thuộc vào phụ đề.
Việc không nghe được 100% câu thoại là bình thường, người học chỉ cần nghe được 70%-80% là hoàn toàn có thể nắm được nội dung của vấn đề. Trong quá trình nghe, người đọc có thể tua lại những chỗ mình nghe chưa hiểu và đọc phụ đề hỗ trợ. Do có phụ đề tiếng Anh nên người đọc sẽ dễ dàng ghi nhận những từ vựng và cách diễn đạt mới. Khi gặp những cụm từ vựng hữu ích đó người đọc phải ghi chú lại vào vở để tiện cho việc ôn tập và ghi nhớ. Mục đích của bước 3 chủ yếu tập trung cải thiện kỹ năng nghe và bổ trợ thêm từ vựng mới hỗ trợ.
Bước 4: Xem phim lần 2 với mục đích chính là cải thiện kỹ năng nói (và đồng thời luyện lại khả năng nghe).
Kỹ thuật vận dụng lúc này có tên là Shadowing (nói nhại lại). Người học nghe câu thoại và cố gắng bắt chước, lặp lại cách phát âm, nối âm giữa các chữ, nhấn nhá trong câu. Nếu không nghe được hết câu thoại thì người học có thể đọc phụ đề tiếng Anh hỗ trợ, nhưng cố gắng không lệ thuộc vào phụ đề mà tự tạo phản xạ nói lại ngay sau khi nghe.
Đối với những học viên có khả năng phát âm còn kém, nên thêm một bước nhỏ bằng cách ghi âm lại phần shadowing của mình để ghi lại quá trình học và cải thiện bản thân. Ngoài ra, bản ghi âm đó sẽ giúp học viên tự đánh giá sau đó hoặc nhờ giáo viên tư vấn.
→ Shadowing là một phương pháp luyện nói được sử dụng rộng rãi và hiệu quả.
Tong-Ket
Vân Bích Dương