Theo Thông tư số 08- TT- BYT ban hành ngày 23/08/2004 của Bộ Y tế, thực phẩm chức năng được định nghĩa như sau: 'Thực phẩm chức năng là sản phẩm được sử dụng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng bổ sung dinh dưỡng, giúp cơ thể thư giãn, tăng cường sức đề kháng và giảm nguy cơ mắc bệnh.'
Hiện nay trên thị trường có không ít đơn vị sử dụng thực phẩm chức năng để quảng cáo như thuốc chữa bệnh với những tác dụng kỳ diệu. Nhưng nhớ rằng thực phẩm chức năng không thể thay thế thuốc chữa bệnh. Để chăm sóc sức khỏe một cách phù hợp, hãy phân biệt rõ sự khác biệt giữa thuốc và thực phẩm chức năng.
Tổng quan về thuốc và thực phẩm chức năng
Theo quy định trong Luật Dược, 'Thuốc (Medicine)' được hiểu là sản phẩm chứa dược chất hoặc dược liệu, dùng cho con người với mục đích phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị, giảm triệu chứng bệnh, và điều chỉnh chức năng sinh lý của cơ thể. Thuốc bao gồm các loại như thuốc hóa dược, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, vắc-xin và sinh phẩm.
Ở Việt Nam, quyền cấp phép và lưu hành thuốc được Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) quy định dựa trên số đăng ký (SĐK) của thuốc.
Tổng quan về thuốc và thực phẩm chức năng
Thực phẩm chức năng là những sản phẩm dùng để bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày, cung cấp dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ cải thiện chức năng của các bộ phận trong cơ thể, và giảm nguy cơ mắc bệnh. Có ba loại thực phẩm chức năng.
- Thực phẩm bổ sung: Đây là các sản phẩm bổ sung vi chất, vitamin, khoáng chất và các thành phần khác có lợi cho sức khỏe. Chúng giúp bổ sung những chất cần thiết mà chế độ ăn thường không đáp ứng đủ.
- Thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Được chế biến từ các loại vitamin, khoáng chất và một số hoạt chất sinh học tự nhiên. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe thường có dạng viên nang, viên hoàn, viên nén, cao, cốm, bột, lỏng và các dạng khác. Chúng hỗ trợ cung cấp các dưỡng chất quan trọng cho cơ thể và duy trì sức khỏe tổng quát.
- Thực phẩm dinh dưỡng y học (thực phẩm dinh dưỡng dùng cho mục đích y tế đặc biệt): Loại thực phẩm này được sử dụng bằng đường miệng hoặc thông qua ống thông, nhằm điều chỉnh chế độ ăn của người bệnh và chỉ được sử dụng dưới sự giám sát của nhân viên y tế. Chúng thường được sử dụng trong điều trị và quản lý bệnh lý cụ thể.
Thực phẩm chức năng không có tác dụng chữa bệnh và không được coi là thuốc.
Dù thuốc và thực phẩm chức năng đều nhằm mục đích chăm sóc sức khỏe, nhưng quy định và tiêu chuẩn kiểm soát của chúng khác nhau. Với thuốc, có sự can thiệp và kiểm soát chặt chẽ từ cơ quan quản lý dược phẩm để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong việc điều trị bệnh.
Phân biệt thuốc và thực phẩm chức năng
Cách nhận biết thuốc và thực phẩm chức năng
Phương pháp nhận biết các loại thuốc
Để xác định một sản phẩm có phải là thuốc hay không, bạn cần chú ý đến số đăng ký (SĐK) được in trên bao bì sản phẩm.
Ví dụ với SĐK: V…- 1500- 18, bạn có thể hiểu như sau:
-
V…: là ký hiệu giúp bạn nhận biết đây là sản phẩm thuốc. Trong đó VN là ký hiệu dành cho thuốc nhập khẩu; VS, VD, V,... là thuốc sản xuất trong nước
-
1500: là số thứ tự do Cục quản lý dược cấp
-
18: năm cấp số đăng ký (ở đây là năm 2018)
Bên cạnh đó, còn mẫu số đăng ký: GC-XXXX-XX là số đăng ký cho thuốc gia công.
Phương pháp nhận biết thực phẩm chức năng
Số đăng ký in trên bao bì TPCN là số công bố tiêu chuẩn (SCBTC) được xác định theo mẫu như sau: Số được cấp/năm cấp/YT-CNTC (hoặc YT- CNTC) và kèm theo dòng chữ: Thực phẩm dinh dưỡng hoặc Thực phẩm chức năng hoặc Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
Trong đó: YT-CNTC là ký hiệu đại diện số đăng ký sản phẩm được cấp bởi Bộ Y tế (Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm). YT- CNTC là ký hiệu đại diện cho số đăng ký sản phẩm được cấp bởi Sở Y tế.
Hy vọng qua những thông tin chia sẻ trong bài viết hôm nay, bạn đã có thêm hiểu biết về thuốc và thực phẩm chức năng, từ đó dễ dàng phân biệt được giữa chúng và có lựa chọn phù hợp nhất trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của mình.