Trong quá trình thực hiện bài thi IELTS Speaking, thí sinh sẽ không tránh khỏi những thời điểm cảm thấy lúng túng không biết cách trả lời một số câu hỏi được đặt ra. Bài viết dưới đây sẽ giải thích các lý do và gợi ý cho thí sinh các cách trả lời IELTS Speaking khi không biết.
Key Takeaways |
---|
Các lý do không biết trả lời & giải pháp
Mẫu câu ứng dụng khi không biết trả lời Khi không biết câu trả lời trực tiếp
Khi cần thêm thời gian suy nghĩ
Khi không có nhiều kiến thức về chủ đề
Khi không hiểu câu hỏi
|
Các nguyên nhân không biết trả lời & giải pháp
Thiếu từ vựng
Giải thích
Thông thường, lý do thiếu từ vựng thường đến từ việc người học không có phương pháp học từ vựng hiệu quả. Cụ thể như việc thí sinh chỉ tập trung học nghĩa tiếng Việt của từng từ riêng lẻ mà không đặt trong ngữ cảnh, tìm hiểu các collocations liên quan. Ngoài ra nguyên nhân còn đến việc thiếu sự luyện tập thường xuyên. “Luyện tập” mà tác giả nhắc đến là việc sự sử dụng từ vựng đó một cách linh hoạt, chính xác để trả lời các câu hỏi ở đa dạng các chủ đề, không phải đơn thuần chỉ chép hay nhẩm lại liên tục từ vựng riêng lẻ.
Biểu hiện
Một số biểu hiện thường gặp khi thí sinh gặp vấn đề thiếu từ vựng là ấp úng, dừng lại nhiều lần để suy nghĩ, tìm kiếm từ ngữ phù hợp, hay lạm dụng từ nối và các fillers trong lúc suy nghĩ từ làm câu trả lời khó hiểu và thiếu tự nhiên. Với những chủ đề không phổ biến, gần như thí sinh sẽ chỉ dùng được những từ ngữ đơn giản, không thể trình bày được rõ ràng quan điểm cá nhân. Ngoài ra, trong trường hợp này, thí sinh thường chỉ trả lời ngắn gọn, tránh những câu trả lời dài và phức tạp, hay thậm chí là bỏ dở câu trả lời.
Giải pháp
Trong quá trình ôn luyện, thí sinh nên học từ vựng theo các chủ đề thường gặp trong bài thi IELTS. Việc học từ nên đi kèm với việc học các collocations hay họ từ, học từ trong một ví dụ cụ thể để hiểu được cách dùng từ trong câu. Ngoài ra, thí sinh cần thử thách mình bằng cách sử dụng các từ mới học để trả lời các câu hỏi Speaking cụ thể.
Trong phòng thi, nếu gặp tình trạng quên tù, người học nên cố gắng paraphrase từ vựng đó, ví dụ thay vì nói "tôi thích ăn trái cây", có thể nói "Tôi rất thích ăn những thứ như táo, cam, dưa hấu”. Trong ví dụ này, người nói đã sử dụng những từ như “táo, cam, dưa hấu” để gợi nhắc đến từ “trái cây”.
Khuyết khiếm kiến thức về vấn đề
Giải thích
IELTS Speaking có thể đề cập đến rất nhiều chủ đề khác nhau, từ các chủ đề cá nhân như gia đình, sở thích, cho đến các chủ đề xã hội, văn hóa, khoa học, công nghệ. Với phạm vi chủ đề rộng như vậy, không phải thí sinh nào cũng có kiến thức về tất cả các lĩnh vực này. Ngoài ra, nhiều thí sinh không chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi thi, chỉ tập trung vào một số chủ đề cụ thể mà quên mất rằng các chủ đề trong kì thi là rất đa dạng.
Biểu hiện
Trong trường hợp này, thí sinh trả lời câu hỏi một cách qua loa, cung cấp những thông tin rất sơ sài, thiếu chi tiết cùng với các từ ngữ chung chung. Khi không biết cách trả lời, thí sinh sẽ cố gắng né tránh câu hỏi bằng cách chuyển sang chủ đề khác hoặc yêu cầu người phỏng vấn đổi chủ đề. Ngoài ra, do thiếu kiến thức, thí sinh sẽ lặp lại một số ý tưởng hoặc từ ngữ nhiều lần, vòng vo để kéo dài thời gian trả lời.
Giải pháp
Trong quá trình ôn luyện, thí sinh nên dành thời gian nghiên cứu kỹ các chủ đề thường xuất hiện trong bài thi IELTS Speaking.
Trong phòng thi, khi gặp khó khăn, thí sinh có thể xác nhận luôn với giám khảo rằng mình không có quá nhiều kiến thức về chủ đề này, và cố gắng trình bày những hiểu biết đơn giản của mình về vấn đề. Ngoài ra, thí sinh có thể yêu cầu giám khảo làm rõ hoặc đưa ra câu hỏi lại. Điều này không chỉ giúp thí sinh hiểu rõ hơn về câu hỏi, mà còn tạo thêm thời gian để suy nghĩ.
Tham khảo: IELTS Speaking Part 1: Topics, Question And Answers
Áp lực tâm lý
Giải thích
Bài thi IELTS Speaking là phần thi trực tiếp với người phỏng vấn, thí sinh phải nói liên tục trong 11-14 phút. Điều này gây ra nhiều áp lực hơn so với các hình thức thi giấy ở trường. Ngoài ra còn một số lý do cá nhân như về tầm quan trọng của bài thi, khả năng nói của từng thí sinh, chưa có trải nghiệm tham gia kì thi trước đó,...
Biểu hiện
Thông thường khi gặp vấn đề này, thí sinh có thể nhìn lo lắng, sợ hãi, giọng run rẩy, hay thậm chí không nói được thành câu khi trả lời câu hỏi. Do bị áp lực, thí sinh có thể trả lời ngắn gọn, thiếu mạch lạc hoặc không trả lời hết câu hỏi. Hay áp lực cũng có thể làm thí sinh quên mất những kiến thức, từ vựng mà thí sinh đã chuẩn bị.
Giải pháp
Trong quá trình ôn luyện, thí sinh cần nắm vững các chủ đề thường được hỏi, luyện tập trả lời các câu hỏi mẫu, rèn luyện kỹ năng giao tiếp. Nếu có cơ hội, trước khi thi chính thức, thí sinh nên tham gia các buổi thi thử để trải nghiệm không khí phòng thi thực tế, giúp bản thân tự tin hơn khi thi thật. Ngoài ra, Thí sinh nên tập trung vào từng câu hỏi, không nghĩ về kết quả thi mà chỉ tập trung vào việc trả lời tốt nhất.
Tham khảo: Thi thử IELTS online & trên giấy 4 kỹ năng
Thiếu kỹ năng trình bày
Giải thích
Lý do thường xuất phát từ việc thí sinh thiếu kiến thức về cấu trúc ngữ pháp, dẫn đến việc gặp khó khăn trong việc sắp xếp câu từ một cách logic và chính xác. Ngoài ra, một lý do phổ biến là do thí sinh không có nhiều cơ hội giao tiếp bằng tiếng Anh, dẫn đến việc thiếu sự tự tin và khả năng diễn đạt. Nếu thí sinh chưa thực sự làm quen với định dạng và yêu cầu của bài thi IELTS Speaking, thí sinh cũng sẽ gặp khó khăn trong việc trình bày ý tưởng.
Biểu hiện
Thí sinh thường xuyên phải dừng lại, do dự, tìm từ trong khi trả lời. Bên cạnh đó, ý tưởng của thí sinh cũ cũng không được trình bày một cách logic, mạch lạc. Cách diễn đạt của thí sinh cũng không tự nhiên, mang tính học thuật hoặc lập lại mẫu sẵn có. Hay thậm chí thí sinh sẽ chỉ sử dụng các câu đơn ngắn, đơn giản, thiếu sự liên kết trong câu
Giải pháp
Thí sinh cần nắm vững các cấu trúc ngữ pháp cơ bản và phức tạp hơn để có thể diễn đạt ý tưởng một cách logic và chính xác. Thực hành diễn đạt các câu với nhiều loại cấu trúc khác nhau. Thí sinh cần có nhiều cơ hội thực hành giao tiếp bằng tiếng Anh, chẳng hạn như nói chuyện với người bản ngữ, tham gia các câu lạc bộ tiếng Anh. Điều này sẽ giúp tăng sự tự tin và khả năng diễn đạt tự nhiên.
Không hiểu được câu hỏi
Giải thích
Nếu trình độ tiếng Anh của thí sinh chưa đạt chuẩn (thiếu từ vựng, ngữ pháp, hay phát âm sai), thí sinh sẽ gặp khó khăn trong việc hiểu các câu hỏi, đặc biệt là những câu hỏi với từ vựng hoặc cấu trúc ngữ pháp phức tạp. Ngoài ra, nếu chưa được làm quen với định dạng và yêu cầu của bài thi IELTS Speaking, thí sinh có thể không hiểu đúng ý nghĩa của câu hỏi.
Biểu hiện
Nếu không hiểu câu hỏi, thí sinh thường im lặng một lúc, biểu hiện lúng túng, không tự tin và bắt đầu trả lời một chủ đề khác không liên quan đến câu hỏi.
Giải pháp
Thí sinh có thể yêu cầu người phỏng vấn lặp lại câu hỏi. Việc này sẽ giúp thí sinh hiểu rõ hơn về nội dung và yêu cầu của câu hỏi, đồng thời có thêm thời gian để suy nghĩ.
Phương án khi không biết trả lời
Khi không biết câu trả lời ngay lập tức
"I don't have personal experience with that, but from what I understand,..."
Tôi không có trải nghiệm cá nhân về điều đó, nhưng từ những gì tôi hiểu thì,...
"I don't have a detailed answer for you on that, but I would guess that..."
Tôi không có câu trả lời chi tiết về điều đó, nhưng tôi đoán rằng...
"I'm afraid I don't have much specific knowledge about that topic, however..."
Tôi e rằng tôi không có nhiều hiểu biết cụ thể về chủ đề đó, tuy nhiên...
Khi cần thêm thời gian để suy nghĩ
"Hmm, give me just a bit to reflect on that"
Hmm, hãy để tôi suy ngẫm về điều đó một chút.
"That's a great question, I need to think about it for a second."
Đây là một câu hỏi hay, tôi cần suy nghĩ về nó trong một giây.
"That's an interesting question, let me think about it for a moment."
Đây là một câu hỏi thú vị, hãy để tôi suy nghĩ về nó một lát.
Khi không có nhiều kiến thức về đề tài
"That's not a subject I'm too familiar with, unfortunately."
Đây không phải là một chủ đề mà tôi quá quen thuộc, thật đáng tiếc.
"I'm afraid I don't have much expertise when it comes to that."
Tôi e rằng tôi không có nhiều chuyên môn khi nói đến vấn đề đó.
"Hmm, that's not really an area I know much about, to be honest."
Hmm, đó không phải là lĩnh vực mà tôi biết nhiều, thành thật mà nói.
Khi không hiểu câu hỏi
"I'm not sure I fully understand the question, could you clarify it for me?"
Tôi không chắc là mình hiểu câu hỏi đầy đủ, anh/chị có thể làm rõ nó cho tôi được không?
"Hmm, I'm not quite following. Could you clarify the question?"
Uh, tôi không rõ lắm. Anh/chị có thể làm rõ câu hỏi được không?
'Xin lỗi, bạn có thể nói lại cho mình không?'
Xin lỗi, bạn có thể diễn đạt lại câu hỏi cho mình được không?