1. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ từ 1 đến 3 tuổi
Giai đoạn từ 1 đến 3 tuổi là thời điểm bé phát triển nhanh chóng về cả thể chất và trí tuệ. Nếu được bổ sung dinh dưỡng đầy đủ và chăm sóc tốt, trẻ sẽ ít ốm vặt và giảm nguy cơ bệnh tật.
Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ giúp trẻ phát triển toàn diện
Tuy nhiên, ở giai đoạn này, hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn thiện, vì vậy khả năng tiêu hóa và hấp thụ vẫn còn nhiều hạn chế. Nếu mẹ mắc sai lầm trong việc nuôi dưỡng, trẻ sẽ có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng. Các chuyên gia khuyến cáo, mẹ nên cho trẻ bú sữa mẹ từ 18 - 24 tháng và đảm bảo cung cấp đủ năng lượng, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất trong khẩu phần ăn của bé.
Năng lượng
Trẻ cần năng lượng để duy trì các hoạt động thể chất hàng ngày. Trẻ nhỏ thường xuyên vận động, vui chơi nên tiêu hao nhiều năng lượng hơn. Nhu cầu năng lượng của trẻ trong giai đoạn này là 100 - 110 calo/kg cân nặng, tức là trẻ nặng từ 9 đến 13 kg cần cung cấp 900 - 1.300 calo mỗi ngày.
Mẹ có thể bổ sung năng lượng cho trẻ qua các món ăn như bột, cháo, chất đạm, chất béo, sữa,...
Trẻ cần được cung cấp đầy đủ chất đạm
Protein
Chất đạm là yếu tố không thể thiếu cho tất cả mọi người và càng quan trọng hơn đối với sự phát triển của trẻ. Mẹ nên chọn các loại đạm từ nguồn động vật vì chúng có giá trị dinh dưỡng cao, đủ axit amin và chứa nhiều vi lượng như sắt, kẽm, vitamin: thịt, cá, tôm, sữa, trứng,...
Mẹ có thể kết hợp đạm động vật với đạm thực vật từ đậu, vừng, lạc,... để giúp trẻ hấp thụ và sử dụng chất đạm cân đối. Nếu thiếu đạm, trẻ sẽ bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển và kém thông minh. Tuy nhiên, mẹ cũng không nên lạm dụng chất đạm vì quá nhiều sẽ gây áp lực lên gan và thận của trẻ, tăng nguy cơ mắc bệnh.
Chất béo
Chất béo là một loại lipid rất quan trọng cho cơ thể. Chúng có thể được tìm thấy ở cả nguồn gốc thực vật và động vật.
Chất béo động vật: bao gồm mỡ từ các loài động vật (lợn, cá,...) và dầu cá, cũng như các sản phẩm từ sữa như bơ, phô mai.
Hạt óc chó là nguồn cung cấp chất béo cho trẻ
Chất béo thực vật: Có thể tìm thấy chất béo trong các loại đậu như đậu nành, đậu phộng, các loại hạt (mè, hướng dương, óc chó, hạnh nhân,...) và trong quả như dừa, bơ, ca cao,...
Chất béo có vai trò cung cấp và dự trữ năng lượng, tham gia vào cấu trúc và hoạt động của tế bào, điều hòa hoạt động cơ thể, hấp thu và vận chuyển các loại vitamin tan trong dầu, mỡ.
Đối với trẻ từ 1 - 3 tuổi: Chất béo chiếm 40% tổng nhu cầu năng lượng. Đây là giai đoạn trẻ cần được cung cấp đủ chất béo để tránh nguy cơ suy dinh dưỡng, do trẻ có thể giảm lượng sữa mẹ nhưng chưa ăn được nhiều thức ăn như trẻ lớn hơn, trong khi nhu cầu chất béo tăng cao.
Các khoáng chất
Chất khoáng đóng vai trò tạo xương, răng, máu và hỗ trợ chức năng sinh lý cơ thể. Canxi và photpho là hai khoáng chất cần thiết, mẹ nên bổ sung cho trẻ khoảng 500 - 600mg mỗi ngày. Canxi có nhiều trong sữa, tôm, cua, ốc,...; photpho có nhiều trong lương thực, ngũ cốc.
Tuy nhiên, phụ huynh cần lưu ý rằng vitamin D đóng vai trò hỗ trợ chuyển hóa canxi và photpho trong cơ thể. Do đó, ngoài việc bổ sung photpho và canxi, mẹ cũng cần bổ sung vitamin D cho trẻ qua lòng đỏ trứng, thịt, gan và cho trẻ tắm nắng buổi sáng (trước 8 giờ) mỗi ngày khoảng 15 - 20 phút.
Chất sắt: Đây là yếu tố quan trọng trong quá trình tạo máu. Trẻ từ 1 đến 3 tuổi cần 7 - 8 mg sắt mỗi ngày. Sắt có nhiều trong thịt đỏ, tim, gan, các loại đậu và rau có màu xanh đậm. Để trẻ hấp thụ sắt tốt hơn, mẹ nên bổ sung thêm vitamin C.
Kẽm có nhiều trong hải sản, sò huyết, trai, hến, thịt,… Đây là vi chất dinh dưỡng quan trọng cho tăng trưởng và tiêu hóa. Thiếu kẽm có thể khiến trẻ bị còi cọc, gặp vấn đề về hô hấp, rối loạn giấc ngủ,…
Cho trẻ ăn nhiều rau củ để bổ sung vitamin
Vitamin
Vitamin rất quan trọng đối với trẻ từ 1 đến 3 tuổi. Các loại vitamin A, D, C vô cùng cần thiết cho sự phát triển xương, răng, quá trình tạo máu và tăng cường sức đề kháng. Mẹ nên cho trẻ ăn nhiều rau củ quả để bổ sung vitamin đầy đủ.
Một số lưu ý về chế độ ăn cho trẻ từ 1 đến 3 tuổi
Khi chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ từ 1 đến 3 tuổi, mẹ cần chú ý những điều sau:
-
Nên chế biến thức ăn từ mềm đến cứng, cho trẻ ăn từ ít đến nhiều để trẻ quen dần.
-
Nếu trẻ đã mọc răng hàm, mẹ không nên xay thức ăn quá nhuyễn mà chỉ nên băm nhỏ để trẻ tập nhai, giúp phát triển cơ nhai và hệ tiêu hóa.
-
Sau khi cai sữa, mẹ không nên cho trẻ ăn chung với người lớn quá sớm mà cần có chế độ ăn riêng để bảo vệ hệ tiêu hóa của trẻ, đặc biệt là hạn chế muối.
-
Thay đổi cách chế biến để bé cảm thấy ngon miệng hơn.
-
Hạn chế cho bé ăn đồ ngọt.
-
Đảm bảo trẻ uống đủ nước mỗi ngày.