1. Các dạng phổ biến của bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng do virus trong họ Enterovirus gây ra, lây lan nhanh và dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như dị ứng, thủy đậu, chốc lở,... Các dạng lâm sàng phổ biến gồm:
- Dạng nặng: tiến triển nhanh, có nguy cơ biến chứng nghiêm trọng như suy hô hấp, suy tuần hoàn, co giật, hôn mê, và có thể gây tử vong trong vòng 48 giờ nếu không được cấp cứu kịp thời.
Bệnh tay chân miệng thể cấp tính
- Thể cấp tính: bao gồm 4 giai đoạn với các triệu chứng như nổi mụn nước ở tay, chân và miệng, gây mệt mỏi, sốt, buồn nôn,...
- Thể không điển hình: không có dấu hiệu ban rõ ràng, thường chỉ có các triệu chứng thần kinh hoặc loét miệng.
2. Các dấu hiệu nhận biết và phân biệt bệnh tay chân miệng so với thủy đậu
2.1. Nhận biết triệu chứng của Bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng thường gặp (thể cấp tính) có 4 giai đoạn với các dấu hiệu như:
- Giai đoạn ủ bệnh
Đây là giai đoạn không có triệu chứng bên ngoài, diễn ra từ 3 đến 6 ngày sau khi nhiễm virus.
- Giai đoạn khởi phát
Người bị sốt nhẹ, sổ mũi, mệt mỏi, đau họng, tiêu chảy, có thể phát ban ở hàm dưới hoặc cổ. Giai đoạn này thường kéo dài từ 1 đến 2 ngày sau đó nhanh chóng chuyển sang giai đoạn tiếp theo.
- Giai đoạn toàn phát
Thời gian cho giai đoạn này thường từ 3 đến 10 ngày. Người bệnh có thể trải qua:
+ Phát ban toàn thân, ẩn dưới hoặc trên da, có các nốt phồng lớn, hình bầu dục, xuất hiện ở lòng bàn chân, lòng bàn tay, mông, đầu gối.
+ Viêm loét miệng với các mụn nước nhỏ xuất hiện trên lợi, niêm mạc miệng, bên trong lưỡi, má. Những mụn này sẽ nhanh chóng vỡ ra tạo thành vết loét gây đau khi ăn, làm tăng tiết nước bọt.
Nếu phát sinh biến chứng trong giai đoạn này (từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 5), người bệnh thường có các triệu chứng như buồn nôn, sốt, mơ màng, co giật, rối loạn thị giác,...
- Giai đoạn hồi phục
Nếu không có biến chứng như đã nói ở trên, trong khoảng từ 7 đến 10 ngày kể từ khi bắt đầu, người bệnh sẽ hồi phục. Tuy nhiên, nếu có biến chứng với các triệu chứng như sốt cao trên 39 độ C, nôn nhiều, hoa mắt, khó thở, run chân tay,... thì cần đi bệnh viện ngay.
2.2. Phân biệt bệnh tay chân miệng và bệnh thủy đậu
Nhiều người dễ nhầm lẫn nốt tay chân miệng với nốt do bệnh thủy đậu gây ra. Để tránh hiểu lầm, cần chú ý những điểm khác biệt giữa 2 loại bệnh:
Nhiều người nhầm lẫn nốt phỏng do thủy đậu với bệnh tay chân miệng
- Thời điểm dịch bệnh phát sinh:
+ Thủy đậu: thường xảy ra vào mùa đông và xuân
+ Tay chân miệng: phổ biến vào tháng 3 - 5 và tháng 9 - 11.
- Phạm vi độ tuổi mắc bệnh phổ biến:
+ Thủy đậu: thường là trẻ em từ 1 - 14 tuổi, đặc biệt là trẻ từ 2 - 8 tuổi.
+ Bệnh tay chân miệng: chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi.
Nhận biết sớm bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ tại đây.
- Phương thức lây lan của bệnh:
+ Thủy đậu: lây lan qua tiếp xúc trực tiếp, qua không khí từ giọt nước bắn ra khi người bệnh hắt hơi hoặc ho, qua tiếp xúc với chất dịch từ nốt phỏng.
+ Bệnh tay chân miệng: lây lan qua tiếp xúc với dịch tiết từ nốt phỏng, nước bọt, mũi, đường hô hấp của người bệnh; qua tiếp xúc trực tiếp hoặc sử dụng chung vật dụng với người bệnh;
- Đặc điểm của các nốt phát ban:
+ Thủy đậu: các nốt phát ban xuất hiện qua nhiều giai đoạn, bắt đầu thường là ở lưng rồi lan ra đầu, mặt, tay chân và toàn thân; gây ngứa, nhức, đau; nốt ban có màu đỏ, sần, có thể phồng nước hoặc đục nếu bị nhiễm trùng, và có thể xuất hiện vảy mọc xen kẽ nhau.
+ Bệnh tay chân miệng: ban đầu là các nốt đỏ nhỏ sau đó biến thành mụn nước hình bầu dục chủ yếu ở khuỷu tay, lòng bàn chân và bàn tay, mông, đầu gối; các nốt phỏng nước thường không gây đau hoặc ngứa; nếu nốt phỏng nước ở miệng bị loét có thể dẫn đến tăng tiết nước bọt và gặp khó khăn khi ăn.
3. Các cách lây lan của bệnh tay chân miệng
Virus gây bệnh tay chân miệng có khả năng lây lan từ người bệnh sang người khỏe trong giai đoạn ủ bệnh. Thời gian lây nhiễm có thể kéo dài tới vài tuần vì virus vẫn có thể có mặt trong phân và nước bọt của người bệnh. Các cách lây lan bệnh này thường bao gồm:
- Tiếp xúc trực tiếp với người đang mắc bệnh tay chân miệng.
- Tiếp xúc với dịch tiết hoặc nước bọt của người bệnh khi họ nói chuyện, ăn uống chung hoặc khi họ ho, hắt hơi.
- Tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết có trong bọng nước hoặc phân của người bệnh.
- Sử dụng hoặc tiếp xúc với vật dụng mà người bị tay chân miệng đã sử dụng.
Do có nhiều con đường lây lan khác nhau, khó kiểm soát nên bệnh tay chân miệng có thể bùng phát thành dịch. Độ tuổi chủ yếu mắc bệnh là trẻ em dưới 5 tuổi - nhóm đối tượng chưa biết cách tự bảo vệ bản thân, do đó khi đi nhà trẻ, chỉ cần một số trẻ mắc bệnh là dễ dàng lây lan cho những trẻ khác.
4. Những điều cần lưu ý
- Cần đến gặp bác sĩ ngay khi xuất hiện các triệu chứng như khó nuốt, sốt cao, đau họng đến mức không thể nuốt nước được.
Việc khám bác sĩ chuyên khoa giúp xác định chính xác bệnh tay chân miệng
- Việc sử dụng thuốc điều trị tay chân miệng tại nhà cần tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Không nên sử dụng thuốc chứa aspirin để tránh nguy cơ suy thận, suy gan hoặc gây hội chứng Reye.
- Nên rửa miệng bằng nước muối với nồng độ 0,9%, tránh pha quá mặn để trẻ không bị đau.
- Đây là bệnh do virus gây ra nên không cần dùng thuốc kháng sinh. Chỉ khi bị nhiễm khuẩn thứ phát thì mới cần sử dụng kháng sinh, nhưng phải có sự chỉ định từ bác sĩ.
- Khi sử dụng thuốc bôi lên vết thương trên da, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh tự ý sử dụng sai loại thuốc gây nhiễm khuẩn hoặc kích ứng da.
- Không tự ý tiêm dịch khi chưa có sự mất nước nghiêm trọng vì điều này có thể dẫn đến suy hô hấp, phù nề nguy hiểm đến tính mạng. Chỉ nên tiêm dịch khi có sự cho phép của bác sĩ và được theo dõi thường xuyên.
Hiện nay, chẩn đoán bệnh tay chân miệng chủ yếu dựa trên các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, đa phần mọi người dễ nhầm lẫn nên không nhận diện đúng bệnh lý này. Vì vậy, khi nghi ngờ có dấu hiệu của bệnh, cha mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra và chẩn đoán chính xác.