Giày cao gót có thể là người bạn thân thiết nhất của phụ nữ - chúng giúp bạn trông cao hơn, thon gọn hơn và tự tin hơn. Tuy nhiên, bước đi trên đôi giày cao gót có thể khá khó khăn, đặc biệt nếu bạn không quen với việc này. Bạn không nên lo lắng, chỉ cần một chút luyện tập, bạn sẽ có thể trở nên bước đi mạnh dạn trên đôi giày cao gót của mình. Chỉ cần thực hiện theo những lời khuyên hữu ích sau đây, bạn sẽ có thể nhanh chóng trở nên tự tin khi bước đi trên đôi giày cao khoảng 12 cm như người mẫu trên sàn catwalk!
Các bước
Cải thiện kỹ năng
Bước từng bước nhỏ. Bước đi trên đôi giày cao gót không giống như tập đi khi bạn còn nhỏ, vì vậy, bạn cần phải thực hiện một vài điều khác trước đôi chút: Bước những bước nhỏ, chậm, nhớ không nên khuỵu gối hơn bình thường. Bạn sẽ nhận thấy rằng giày cao gót có xu hướng khiến bạn sải chân ngắn hơn đôi chút. Giày càng cao, sải chân bạn bước đi càng ngắn. Không nên cố gắng đối phó với nguyên tắc này bằng cách bước những bước dài - bạn chỉ nên bước những bước nhỏ, thanh tao vì hành động này sẽ giúp bước đi của bạn trở nên tự nhiên hơn và giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn.
Bước đi từ gót chân đến mũi chân. Mục tiêu ở đây là bước đi càng tự nhiên càng tốt. Khi đi giày đế bệt, bạn sẽ không muốn bước đi bằng gan bàn chân hoặc đặt toàn bộ chân xuống sàn nhà cùng một lúc đúng không? Vì vậy, bạn cũng không nên thực hiện hành động này khi đi giày cao gót. Đặt gót chân xuống sàn nhà trước, tiếp theo là đến ngón chân. Sau đó, một khi trọng lượng của bạn đã dồn trên gan bàn chân, nâng trọng lượng cơ thể như thể bạn đang bước đi trên mũi chân, và đẩy chân về trước để chuẩn bị cho bước đi tiếp theo.
Cải thiện dáng điệu. Dáng điệu tốt ảnh hưởng trực tiếp đến bước đi trên giày cao gót. Nếu bạn thõng vai và lê chân khi bước đi, bạn đã làm hỏng mục đích của việc đi giày cao gót - mục tiêu ở đây là bạn phải trông thoải mái và tự tin! Để có thể sở hữu dáng điệu hoàn hảo, bạn cần: Tưởng tượng rằng có một sợi dây tàng hình giữ cho đầu của bạn luôn thẳng - đầu của bạn phải thẳng hàng với sống lưng và cằm của bạn phải song song với sàn nhà. Tránh nhìn xuống đất khi bước đi trên giày cao gót! Đẩy vai về phía sau và hạ vai xuống và thả lỏng hai tay hai bên người. Đung đưa cánh tay đôi chút để giữ thăng bằng khi bước đi. Tập trung cơ bụng, hóp bụng vào một chút. Cách này sẽ giúp bạn có thể đứng thẳng lưng hơn đồng thời giúp bạn trông thon thả hơn. Khuỵu gối đôi chút, bạn không nên giữ đầu gối cứng đờ khi đi giày cao gót. Đặt hai chân gần nhau và hướng mũi chân về phía trước.
Tưởng tượng như bạn đang bước đi trên một đường thẳng. Người mẫu catwalk thường đặt một bàn chân trước bàn chân còn lại để tạo thêm sự lắc lư cho phần hông. Nhiều phụ nữ sử dụng giày cao gót để trông quyến rũ hơn, vì thế, đung đưa hông một chút theo từng bước đi là một ý hay. Cách tốt nhất để đạt được điều này là tưởng tượng rằng bạn đang bước đi trên một đường thẳng, hoặc một sợi dây căng. Một bàn chân cần phải đặt trước bàn chân còn lại, mũi chân hướng về phía trước. Cách bước đi này đòi hỏi bạn cần phải luyện tập đôi chút trước khi có thể trở nên thành thạo, nhưng kết quả sẽ rất đáng với công sức của bạn. Bạn có thể xem qua một vài video của người mẫu catwalk để tham khảo cách họ bước đi, sau đó, cố gắng bắt chước họ. Bạn cần nhớ rằng người mẫu catwalk thường có xu hướng cường điệu hóa bước đi của họ, vì vậy, trong cuộc sống đời thường, bạn không cần phải thực hiện quá mức như vậy.
Luyện tập bằng cách mang giày cao gót trong nhà. Mang giày cao gót trong nhà trước khi tiến hành sử dụng chúng ngoài phố. Phương pháp này không chỉ giúp bạn làm quen với chúng, mà còn giúp làm mòn đế giày khiến chúng trở nên đỡ trơn trượt hơn. Hãy nhớ luyện tập mọi hành động bạn thường làm khi bước đi chẳng hạn như: bước đi, ngừng lại, xoay người và quay lại.
Làm quen với đôi giày. Nếu bạn không tập làm quen với đôi giày cao gót trước khi mang chúng, chân bạn sẽ bị phồng rộp. Tập làm quen với đôi giày là điều quan trọng vì chúng giúp làm mềm giày và giúp bạn điều chỉnh đôi giày theo hình dạng bàn chân của bạn. Bạn chỉ cần mang giày trong nhà là đủ để tập làm quen với chúng, ngoài ra bạn cũng có thể thử qua phương pháp sau: Sử dụng giày cao gót để bước đi trên các bề mặt khác nhau: Bạn sẽ cần phải bước đi trên sàn gạch, thảm hoặc sàn gỗ trơn trượt tại một thời điểm nào đó, vì vậy, hãy luyện tập để có thể làm chủ trong mọi tình huống. Khiêu vũ: Nếu bạn dự định mang giày cao gót đến vũ trường hoặc đến một buổi tiệc nào đó mà bạn biết chắc rằng bạn sẽ nhảy nhót, bạn có thể tập nhảy tại nhà cho đến khi bạn cảm thấy thoải mái khi sử dụng giày cao gót để khiêu vũ. Bước xuống cầu thang. Đây là một kỹ năng mà bạn chắc chắn sẽ phải thành thạo, vì cầu thang là nơi thường xảy ra nhiều tai nạn khi đi giày cao gót nhất. Đặt toàn bộ bàn chân lên cầu thang khi bạn bước xuống, nhưng chỉ đặt gan bàn chân xuống khi bạn bước lên. Nhớ bám chặt thành cầu thang để đề phòng.
Mang giày cao gót khi đi ra ngoài. Đi giày cao gót trong nhà hoàn toàn khác biệt với ngoài phố. Không có miếng đệm êm ái của chiếc thảm, hoặc của bề mặt nhẵn, ngay cả bề mặt sơn lót hoặc gỗ trên sàn nhà, bước đi trên giày cao gót sẽ khó khăn hơn gấp 10 lần. Thậm chí một vết lõm nhỏ trên lớp nhựa đường hoặc khe nứt trên vỉa hè cũng có thể gây khó khăn cho bạn, vì vậy, bạn nên luyện tập bước đi bên ngoài ngôi nhà của bạn một vài lần, tuyệt đối cẩn thận để tránh gặp phải bề mặt nhấp nhô. Một nơi phù hợp để luyện tập sau khi bạn đã thành thạo việc đi giày cao gót trong nhà đó là mang giày khi đi siêu thị. Hãy sử dụng xe đẩy hàng hóa để giữ thăng bằng!
Luyện tập cách đứng trên giày cao gót. Bạn không chỉ cần phải học cách bước đi trên giày cao gót mà bạn cũng cần phải biết cách để đứng trên chúng. Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng nhiều phụ nữ không biết phải đặt chân như thế nào khi tạo dáng để chụp ảnh hoặc khi họ đứng trò chuyện với người khác trong một sự kiện nào đó. Đây là lý do tại sao sở hữu một đôi giày thoải mái lại là điều khá quan trọng, vì bạn sẽ không muốn dành toàn bộ thời gian của mình để di chuyển trọng lượng cơ thể một cách không thoải mái từ chân này sang chân kia. Để có thể đứng trên giày cao gót đúng cách, hãy đứng theo kiểu gót chân của chân này chạm vào lòng bàn chân của chân kia, và tạo thành một góc chếch giữa hai chân. Dồn trọng lượng cơ thể lên ngón chân của chân sau, và khi bàn chân đó trở nên mỏi, bạn có thể đổi chân sao và dồn trọng lượng sang chân kia.
Duy trì Sự thoải mái của Đôi chân
Sử dụng đệm giày và đế lót giày. Thêm đệm giày vào nơi có nhiều áp lực và/hoặc ma sát. Có khá nhiều loại đệm giày được làm theo kiểu dáng khác nhau và từ các chất liệu khác nhau mà bạn có thể đặt vào bên trong giày để tạo sự thoải mái cho bàn chân, và ngăn ngừa viêm tấy quanh kẽ ngón chân cái cũng như phồng rộp chân. Nếu đôi giày của bạn rộng hơn bàn chân một chút và chúng thường bị tuột khỏi gót chân của bạn, đế lót giày có thể khiến đôi giày của bạn nhỏ hơn một nửa số trong khi vẫn duy trì được mức độ thoải mái cho bàn chân. Bạn có thể thoải mái sử dụng các loại vật dụng cải tiến này - không có lý do gì để bạn phải chịu đựng sự khó chịu khi mang giày cả!
Cho phép đôi chân được nghỉ ngơi. Khi mang giày cao gót, lời khuyên tốt nhất dành cho bạn để ngăn ngừa tình trạng đau chân đó là ngồi xuống bất kỳ khi nào có thể! Cách này sẽ giúp đôi chân bạn có thời gian nghỉ ngơi và ngăn chặn sự hình thành của bất kỳ cơn đau hoặc cơn khó chịu nào, giúp cho đôi chân của bạn luôn thoải mái. Hãy nhớ bắt chéo chân, ngồi thẳng lưng và duỗi thẳng đôi chân của bạn từ vị trí eo. Đây cũng là cơ hội tuyệt vời để bạn khoe đôi giày sành điệu của bạn! Cố gắng đừng cởi giày nếu có thể, bàn chân của bạn sẽ sưng lên và bạn sẽ cảm thấy rằng đôi giày trở nên cứng hơn và gây đau đớn nhiều hơn khi bạn mang giày vào.
Mang giày cao gót có dây đai (strappy shoes), hoặc có phần đế dày (platformed shoes). Loại giày có dây đai cài chặt quanh bàn chân và mắt cá chân sẽ thoải mái hơn vì chúng giúp chân bạn không bị trượt khỏi giày quá nhiều, từ đó làm giảm ma sát và giảm đau đớn cho bạn. Giày cao gót có phần đế dày sẽ giúp bạn tăng thêm chiều cao, mà không gây khó chịu hoặc cảm giác như bạn đang đứng trên mũi chân mình. Với loại giày này, bàn chân của bạn sẽ trở nên song song với mặt đất - khiến chúng trở thành lựa chọn phù hợp cho những buổi tối trên sàn nhảy!
Không nên sử dụng giày cao gót quá thường xuyên. Giày cao gót trông khá sành điệu, nhưng chúng sẽ đem lại hiệu quả cao hơn và đem lại cho bạn thêm nhiều tiếng 'ồ!' hơn khi bạn dành riêng chúng cho dịp đặc biệt. Nếu bạn mang giày cao gót quá thường xuyên, vết phồng rộp, nốt viêm tấy ở kẽ ngón chân cái sẽ dễ dàng hình thành hơn và bạn cũng sẽ tăng thêm áp lực lên vùng lưng dưới của bạn. Bàn chân của bạn (và các bộ phận khác trên cơ thể) cần thời gian để có thể hồi phục. Nếu bạn cần phải mang giày cao gót mỗi ngày, ít nhất hãy cố gắng thay đổi bằng nhiều đôi giày khác nhau, với chiều cao khác nhau. Cách này sẽ giúp ngăn ngừa sự tập trung áp lực hoặc ma sát tại một vị trí cụ thể và giữ cho đôi bàn chân của bạn luôn thoải mái.
Lựa chọn Đôi giày Phù hợp
Mua sắm một cách khôn ngoan. Không phải đôi giày cao gót nào cũng được chế tạo giống nhau và khả nhau bước đi trên giày cao gót tùy thuộc vào việc lựa chọn đôi giày phù hợp. Luôn nhớ đi mua giày vào cuối ngày, khi đôi chân của bạn đã hơi 'nở to' hơn một chút sau một ngày bước đi và khi chúng đang có kích thước to nhất. Chọn đôi giày phù hợp với hình dáng của bàn chân - nhớ chắc chắn rằng đôi giày bạn chọn phải rộng hơn bàn chân của bạn. Bạn cần phải mang thử cả hai chiếc giày và bước đi thử tại cửa hàng - nếu chúng không đem lại sự thoải mái cho bạn ngay lập tức, chúng chắc chắn sẽ không bao giờ có thể khiến bàn chân của bạn thoải mái.
Bắt đầu từ những đôi giày không quá cao và từ từ tăng cường độ cao. Nếu bạn không quen với việc đi giày cao gót, lựa chọn đôi giày cao khoảng 10 cm sẽ không phải là ý hay - tốt hơn hết là bạn nên từ từ tăng cường độ cao khi bạn đã quen với cảm giác đi giày cao gót. Có rất nhiều loại giày mà bạn có thể lựa chọn, nhiều độ cao, độ dày, và hình dáng khác nhau. Huấn luyện bàn chân của bạn bằng cách sử dụng loại giày cao gót thấp nhất cho phép mắt cá chân xây dựng sự chắc khỏe cần thiết để bạn có thể bước đi an toàn và duyên dáng trên đôi giày cao gót.
Chọn đúng cỡ giày. Chọn đúng cỡ giày là yếu tố cần thiết khi đi mua giày. Bạn cần nhớ rằng các hiệu giày khác nhau thường có kích cỡ khác nhau, vì vậy, cỡ giày của bạn có thể là cỡ số 7 tại một cửa hàng nào đó, nhưng lại là số 8 tại một nơi khác. Vì lý do này, bạn phải nhớ luôn luôn mang thử giày trước khi mua. Khi không biết chắc chắn, bạn có thể chọn mua loại giày to hơn cỡ chân của bạn một chút thay vì nhỏ hơn. Bạn luôn có thể khiến cho một đôi giày rộng trở nên vừa vặn hơn bằng cách chèn thêm đế lót giày và đệm giày, nhưng bạn không thể biến một đôi giày chật thành một đôi giày rộng. Giày có kích cỡ quá nhỏ sẽ gây khó chịu vô cùng cho bàn chân của bạn và bạn sẽ phải hối tiếc vì đã mua chúng.
Lời khuyên
Người nào có chân càng to thì người đó có thể mang giày càng cao một cách thoải mái. Vì vậy, đừng nghĩ rằng bạn nhất định phải sử dụng giày cao gót giống như người mẫu; nhiều người có bàn chân to để có thể trở nên phù hợp với vóc dáng cao lớn của họ! Nếu bạn sử dụng loại giày hở mũi (open toe shoes), bạn có thể thêm đệm giày quanh khu vực ngón chân cái tiếp xúc với bàn chân của bạn. Cách này sẽ giúp cho bàn chân của bạn không bị trượt ra ngoài. Đây là phương pháp khá hữu ích nếu bạn có bàn chân/ngón chân nhỏ hoặc thon. Chọn mua giày chất lượng cao. Đôi giày có giá khoảng 2,000,000 đồng trở lên sẽ bền hơn và tốt cho bàn chân của bạn hơn, nhưng giá càng cao thì sẽ càng tốt hơn - hãy chọn mua đôi giày tốt nhất mà bạn có thể mua, và luôn ghi nhớ nguyên tắc cơ bản sau: đế giày càng cao thì giá sẽ càng mắc vì đôi giày sẽ phải được thiết kế chắc chắn hơn - bạn có thể tiết kiệm đối với loại giày đế bệt nếu cần thiết, nhưng không bao giờ được keo kiệt với giày cao gót vì chúng sẽ chỉ đem lại rắc rối cho bạn. Nếu bạn chỉ có thể mua duy nhất một đôi giày chất lượng cao, hãy mua giày cao gót, vì đối với loại giày này, chất lượng thật sự quan trọng, và nó đem lại sự khác biệt to lớn... và bạn cần nhớ rằng, một đôi giày chất lượng không cần phải là đôi giày 'hàng hiệu' - bạn sẽ muốn chọn mua giày được làm từ các nhà sản xuất giày chuyên nghiệp, chứ không phải là từ các công ty quần áo và/hoặc mỹ phẩm! Nhãn hiệu giày nổi tiếng thường chế tạo đôi giày với gót cứng cáp hơn, da cao cấp hơn, và nhiều đệm giày hơn và chỉ đơn giản là đôi giày được làm từ chất lượng cao hơn. Mang giày cao gót càng thường xuyên càng tốt. Hành động này sẽ giúp bàn chân và mắt cá chân của bạn làm quen với giày, và giúp bạn giữ thăng bằng. Bạn càng sử dụng giày nhiều bao nhiêu thì bàn chân bạn sẽ cảm thấy tốt hơn bất nhiêu. Lời khuyên tốt nhất đó là: hãy bước đi với sự tự tin. Nếu bạn sử dụng giày cao gót có dây đai, bạn không nên mang chúng quá thường xuyên vì sợi dây đai quanh gót chân của bạn sẽ bị mòn và đứt! Cố gắng đừng dồn trọng lượng cơ thể vào phần gan bàn chân vì hành động này sẽ khiến bạn mất thăng bằng. Hãy tin tưởng ở đôi giày của mình và dồn trọng lượng vào phần gót giày, bạn càng ít tin tưởng vào đôi giày của bạn bao nhiêu thì bạn lại càng dễ vấp ngã bấy nhiêu. Không nên bắt đầu với đôi giày có đế cao nhất. Hãy bắt đầu từ đôi giày đế thấp và từ từ nâng dần cấp độ. Cẩn thận luyện tập việc đi cầu thang với chiếc giày cao gót của mình. Bám chặt tay vào tay vịn cầu thang để tránh bị ngã. Luyện tập đi giày cao gót trên các loại sàn nhà hoặc mặt đất khác nhau cũng khá hữu ích. Tránh đi trên thảm hoặc đất đá vì đôi giày của bạn có thể bị lọt trong chúng. Thẳng lưng và bước đi với hông của mình.
Cảnh báo
Thông thường, lái xe ô tô khi mang giày cao gót không phải là một ý hay, đặc biệt với loại xe có hộp số xe tiêu chuẩn. Hãy mang giày đế bệt hoặc giày thể thao khi lái xe. Tránh sử dụng dép xỏ ngón, vì chúng có thể bị kẹt dưới phanh xe. Bước đi cẩn thận. Thủy tinh, đá cuội, và mắt lưới hoặc gỗ vân là kẻ thù của bạn. Thậm chí một vết nứt trên vỉa hè cũng có thể khiến bạn bị ngã nếu gót giày của bạn mắc kẹt trong chúng. Cẩn thận với bước đi của mình và đừng bao giờ nghĩ đến việc đi bộ nhanh hoặc chạy bộ với giày cao gót. Cho dù đôi giày của bạn có đẹp đến cỡ nào, không nên sử dụng chúng mọi lúc mọi nơi. Mang giày cao gót quá thường xuyên có thể dẫn đến đau chân và đau lưng mãn tính.