Đọc lại văn bản Prô-mê-tê bị xiềng trong sách Giáo khoa Ngữ văn 11, tập một (trang 152 – 154) và trả lời các câu hỏi:
Câu 1
Câu 1 (trang 28, sách Bài tập Ngữ Văn 11, tập một):
Lời thoại của Prô-mê-tê trong văn bản có thể được chia thành bao nhiêu phần? Xác định nội dung từng phần.
Phương pháp giải:
Đọc kĩ lại đoạn văn bản để xác định cấu trúc và xác định nội dung từng phần.
Lời giải chi tiết:
- Lời thoại của Prô-mê-tê có thể chia thành hai phần.
+ Phần đầu (từ”Quả thực với ta, chỉ nhắc tới đã là chua xót!” đến “Hắn sử dụng để đền ơn ta thuở trước!”): Prô-mê-tê kể lại việc mình từng giúp thần Dớt như thế nào khi thần Dớt nổi loạn chống lại Crô-nốt nhằm chiếm quyền thống trị tối cao.
+ Phần hai (đoạn còn lại): Prô-mê-tê cho biết vì cố gắng giúp con người thoát khỏi sự đối xử bất công của thần Dớt mà ông bị trừng phạt khắc nghiệt.
Câu 2
Câu 2 (trang 29, sách Bài tập Ngữ Văn 11, tập một):
Trong phần đầu của lời thoại, Prô-mê-tê thể hiện ý chí chống lại quan điểm nào, của ai? Nhân vật đã làm gì để thể hiện ý chí đó?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ lại đoạn văn phần đầu của lời thoại đưa ra quan điểm đó và người đưa ra quan điểm đó. Đưa ra hành động của nhân vật.
Lời giải chi tiết:
Quan điểm bị Prô-mê-tê quyết liệt chống lại là thứ quan điểm đề cao sức mạnh của bạo quyền, chỉ biết thực thi “bạo lực giản đơn” thay cho việc dùng trí khôn và mưu chước. Prô-mê-tê đã “lựa những câu khuyên khôn khéo chân tình” để thuyết phục Dớt, đã kéo mẹ mình là Tê-mít vào cuộc nhằm gây lòng tin ở Dớt, đã nương theo hành xử của vị chúa tể mới này để điều chỉnh một cách hiệu quả phương pháp bạo lực mà Dớt đã sử dụng.
Câu 3
Câu 3 (trang 29, sách Bài tập Ngữ Văn 11, tập một):
Trong phần sau của lời thoại, Prô-mê-tê thể hiện ý chí chống lại quan điểm nào, của ai? Nhân vật đã làm gì để thể hiện ý chí đó?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ lại đoạn trích thuộc phần sau của lời thoại, đưa ra quan điểm đó và người đưa ra quan điểm đó. Đưa ra hành động của nhân vật.
Lời giải chi tiết:
Trong phần sau của lời thoại, Prô-mê-tê thể hiện ý chí chống lại quan điểm coi thường con người, biến con người thành vật hiến tế trong trò chơi quyền lực tàn bạo. Quan điểm này có thể được nhận biết qua cách hành xử tàn bạo, vô nhân của Dớt: “không đếm xỉa đến người bần hèn”, thậm chí còn “toan huỷ diệt giống người”. Trước hành xử đó, Prô-mê-tê đã dũng cảm đứng lên chống lại, chấp nhận “chịu đựng dưới gánh nặng của oan trái” của các hình phạt, miễn là bảo vệ được lý tưởng đấu tranh cho con người, cho một cuộc sống văn minh, không bị tình trạng hỗn mang chi phối.
Câu 4
Câu 4 (trang 29, sách Bài tập Ngữ Văn 11, tập một):
Vì sao có thể xem những quan điểm đối lập với ý chí của Prô-mê-tê là biểu hiện cụ thể của sự tất yếu?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ lại cả đoạn trích để giải thích được lí do.
Lời giải chi tiết:
Trong Prô-mê-tê bị xiềng của Ét-sin, Prô-mê-tê là một nhân vật bi kịch. Vì vậy, mọi trở lực ngăn cản hành động tự do của nhân vật đều được nhìn nhận là biểu hiện cụ thể của sự tất yếu.
Câu 5
Câu 5 (trang 29, sách Bài tập Ngữ Văn 11, tập một):
Phân tích ý nghĩa sự lựa chọn hành động của Prô-mê-tê.
Phương pháp giải:
Đọc kĩ lại đoạn trích để phân tích ý nghĩa sự lựa chọn hành động của nhân vật chính.
Lời giải chi tiết:
Qua hành động của Prô-mê-tê, chúng ta có cái nhìn mới về con người của ông. Dù cho ông chọn lựa như vậy sẽ khiến ông phải trả giá đắt nhưng ông vẫn quyết tâm thực hiện. Quyết tâm này cho thấy sự tự do về ý chí của ông. Ông sẵn lòng bỏ qua thực tế rằng thân thể nhân vật bị xiềng chặt trên đỉnh núi Cô-ca-dơ để làm điều mình muốn.
Câu 6
Câu 6 (trang 29, sách Bài tập Ngữ Văn 11, tập một):
Nhân vật Prô-mê-tê đã thể hiện thái độ thế nào đối với hoàn cảnh bi đát của mình?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ lại đoạn trích để chỉ ra thái độ của nhân vật với hoàn cảnh bi đát.
Lời giải chi tiết:
Prô-mê-tê bất bình, chua xót với hoàn cảnh bi đát của mình. Điều đó được thể hiện qua các từ ngữ: “hình phạt đau thương”, “oan trái”, “thê thảm xót xa,... Nhưng cao hơn, Prô-mê-tê đã thể hiện thái độ phủ định dứt khoát đối với kẻ đã trừng phạt ông khi cho rằng “ông chủ của muôn thần” đã lấy oán trả ân, đã bộc lộ sự nghi kị phi lí và có hành động bạo ngược. Với câu “Cảnh tượng này nhục cho Dớt biết bao nhiêu!”, Prô-mê-tê đã thể hiện được tư thế ngạo nghễ của mình trước nghịch cảnh. Có thể nói, tuy bị xiềng nhưng Prô-mê-tê thực chất là người tự do, người chiến thắng.