Laptop (máy tính cá nhân) khi sử dụng thường xuyên và lâu ngày bị bám bẩn. Vì vậy, việc vệ sinh laptop là khá cần thiết để đảm bảo thiết bị của bạn hoạt động mượt mà và đảm bảo hiệu suất. Tuy nhiên, khi vệ sinh thiết bị tại nhà, bạn cũng cần chú ý đến một số nguyên tắc nhất định và biết được nên vệ sinh bộ phận nào trước, bộ phận nào sau. Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Dấu hiệu của một chiếc laptop cần được vệ sinh
Laptop là thiết bị công nghệ gắn bó mật thiết với công việc của hầu hết dân văn phòng. Do tần suất sử dụng thường xuyên hoặc môi trường làm việc khói bụi, ngoài trời mà laptop có thể bị bám bẩn. Khi ấy, bạn có thể thấy bụi mịn tích tụ trong khe cắm, rãnh bàn phím, camera hay góc màn hình. Việc này có thể dẫn đến liệt hoặc nhảy bàn phím, máy tắt đột ngột. Quạt gió của máy sẽ phát ra âm thanh lớn hơn. Bên cạnh đó, mức nhiệt tỏa ra từ chiếc laptop cũng cao hơn bình thường.
Nếu gặp ít nhất một trong những dấu hiệu trên, thì đã đến lúc bạn cần “dọn dẹp” cho thiết bị của mình đấy nhé!
Tác dụng của việc vệ sinh laptop thường xuyên
Việc vệ sinh thường xuyên (hoặc định kỳ) có thể giúp ích rất nhiều cho chiếc máy tính xách tay của bạn:
- Loại bỏ bụi bẩn giúp máy tính đẹp hơn.
- Tối ưu hiệu suất hoạt động của quạt gió, giảm tiếng ồn, tránh tình trạng quá nhiệt, đơ, nóng máy.
- Giảm nguy cơ bị hỏng phần cứng: chip VGA, chipset hay các linh kiện khác.
- Giúp các cổng kết nối (USB, Type-C, VGA, HDMI,…) nhanh nhạy hơn.
- Giúp thiết bị chạy nhanh, mát hơn, giảm tình trạng đơ, lag của phần mềm.
Nhờ tất cả những lợi ích trên, tuổi thọ máy tính sẽ được tăng lên đáng kể. Tốc độ làm việc của laptop cũng sẽ nhanh hơn.
Các dụng cụ cơ bản để vệ sinh laptop
Đôi khi, do vấn đề của giá thành hoặc cản trở đi lại, bạn có thể không mang laptop đi vệ sinh tại các cửa hàng chuyên dụng được. Do đó, việc tự vệ sinh tại nhà là cần thiết. Trước khi bắt đầu làm sạch máy tính, bạn cần chuẩn bị một số dụng cụ cơ bản sau đây:
- Bộ dụng cụ tháo lắp laptop bao gồm: tua vít, nhíp, đầu ốc vít (cần lưu ý kích cỡ phù hợp với các ốc vít trên vỏ máy và linh kiện bên trong).
- Dung dịch vệ sinh, tẩy rửa: dùng loại chuyên dụng cho máy tính (bạn có thể dùng cồn hoặc dung dịch lau kính để thay thế).
- Cọ mềm: dùng để quét các ngóc ngách trên máy, có thể kết hợp thêm với tăm bông.
- Vải mềm hoặc bông: dùng để lau các vị trí dễ xước.
- Ống nén thổi khí: dùng để thỏi bụi mịn trong các kẽ bàn phím.
- Một số dụng cụ khác có thể có hoặc không: máy hút bụi laptop, keo tản nhiệt (dùng để bít các khe hở giữa bề mặt các linh kiện).
Các lưu ý trước khi tự vệ sinh laptop tại nhà
Trước khi tiến hành vệ sinh thiết bị tại nhà, bạn nên chú ý một số điều sau đây để đảm bảo an toàn:
- Tuyệt đối không tiến hành vệ sinh khi máy đang mở.
- Tiến hành tắt máy, tháo pin trong tình trạng khô ráo trước khi vệ sinh.
- Không dùng các loại gel tẩy rửa, bôi trơn.
- Đọc thật kỹ các hướng dẫn vệ sinh.
- Sau khi vệ sinh, chờ tối thiểu 20 phút để máy hoàn toàn khô ráo trước khi lắp pin và mở máy lại.
Nếu đã đọc kỹ các lưu ý và chuẩn bị xong dụng cụ, hãy bắt đầu tiến hành ngay theo các bước dưới đây nhé!
Hướng dẫn vệ sinh laptop, máy tính chi tiết nhất
Để vệ sinh máy tính, laptop, bạn cần bắt đầu từ vỏ máy – tức phần bên ngoài như như màn hình, bàn phím, cổng kết nối, … sau đó tới các bộ phận bên trong. Hướng dẫn cụ thể:
Bước 1: Vệ sinh vỏ máy và bề mặt bên ngoài máy tính
Đối với vỏ ngoài laptop, bạn chỉ cần sử dụng khăn bông khô, mềm lau nhẹ toàn bộ bề mặt. Có thể kết hợp xịt thêm một ít dung dịch vệ sinh để tẩy những vết bẩn đã bám lâu ngày và chùi mạnh tay hơn. Đơn giản như vậy thôi cũng giúp vỏ laptop của bạn trở nên sáng bóng.
Một bộ phận khác cần chú ý khi vệ sinh laptop là khe tản nhiệt. Bạn có thể dùng chổi, cọ để quét bụi ở các khe này. Sau đó, sử dụng tăm bông để làm sạch sâu giữa các khe hở, đảm bảo loại bỏ hoàn toàn bụi bẩn. Cuối cùng, dùng bông tẩm dung dịch lau lại một lần nữa là hoàn thành.
Một lưu ý nhỏ là không để khăn của bạn quá ướt, vì điều này có thể ảnh hưởng đến các linh kiện máy tính. Mức độ ẩm của khăn nên phù hợp với chất liệu vỏ máy như magie, nhôm, carbon, nhựa, titan,…
Bước 2: Vệ sinh màn hình máy tính
Màn hình chiếm diện tích lớn trong laptop và là một trong những phần dễ hư hỏng nhất của thiết bị. Bạn cần cẩn thận khi vệ sinh màn hình để tránh trầy xước, nhiễm ẩm và hư hỏng bản lề.
Đầu tiên, sử dụng khăn vi sợi tổng hợp (hay còn gọi là vải Microfiber) hoặc khăn có bề mặt sợi mềm mịn. Xịt dung dịch vệ sinh và lau nhẹ nhàng toàn bộ màn hình, các cạnh viền và camera. Đối với các góc màn hình, có thể dùng chổi để quét bụi hoặc đẩy bụi ra ngoài. Sau đó, dùng khăn khô để lau sạch lại.
Tương tự với vệ sinh vỏ máy, cần tránh xịt quá nhiều dung dịch làm ướt màn hình. Đặc biệt, không xịt dung dịch trực tiếp lên màn hình. Trong quá trình làm việc, giữ một tay sau màn hình để giữ vững và tránh va đập mạnh.
Bước 3: Vệ sinh bàn phím máy tính
Vệ sinh bàn phím đúng cách không quá phức tạp nhưng cũng không đơn giản. Đây là bộ phận có thể bám nhiều bụi bẩn, mảnh vụn thức ăn trong kẽ phím. Nếu chỉ lau sơ bên ngoài thì khó có thể sạch sẽ hoàn toàn.
Nếu có máy hút bụi mini chuyên dụng, bạn có thể sử dụng để rà toàn bộ bàn phím. Nếu không có máy hút bụi, bạn có thể dùng ống thổi khí. Đối với ống thổi khí, nghiêng máy khoảng 90 độ để thổi sạch bụi ra ngoài, cẩn thận không để bụi thổi vào bên trong.
Một số dụng cụ khác hỗ trợ vệ sinh laptop là chổi và cọ khô để quét bụi. Chổi và cọ khô cần có sợi lông mềm và mảnh. Bạn nên lật ngược bàn phím để làm sạch chất bẩn rơi xuống dưới, sau đó sử dụng tăm bông để làm sạch các kẽ phím.
Đối với bàn phím laptop, khi vệ sinh hãy nhẹ nhàng và tuyệt đối không để bàn phím ẩm. Nếu bàn phím ẩm, hãy nhanh chóng lau khô và sử dụng máy sấy với nhiệt độ nhỏ và khoảng cách xa.
Bước 4: Vệ sinh các cổng kết nối trên máy tính
Trên laptop có nhiều cổng kết nối như HDMI, USB-A, USB-C, VGA,… Bạn có thể dùng cọ để quét sâu bên trong hoặc máy thổi khí để thổi bụi ra ngoài. Sau đó, dùng khăn sạch hoặc tăm bông lau khô bên ngoài.
Tương tự như với bàn phím, bạn cần tuyệt đối tránh chất lỏng dính vào các cổng kết nối laptop. Chỉ một chút nước cũng có thể gây hư hỏng các chân giao tiếp hoặc các vi mạch.
Bước 5: Tháo máy tính và vệ sinh các linh kiện bên trong máy tính
Tháo lắp máy tính và vệ sinh các linh kiện bên trong như quạt gió, khe pin, RAM,... là bước phức tạp nhất khi vệ sinh laptop tại nhà. Bắt đầu bằng cách tháo ốc vít ở mặt sau để mở nắp laptop, sau đó tháo các bộ phận và dây cáp bên trong theo thứ tự từ ngoài vào trong hoặc từ trên xuống dưới, bao gồm: dây quạt, dây wifi, dây nguồn, dây màn hình.
Vệ sinh quạt gió
Với quạt gió, bạn có thể dùng máy hút bụi mini hoặc chổi quét bụi. Nếu có thể, tháo rời đáy quạt để vệ sinh dễ hơn và tra dầu bôi trơn cho quạt.
Làm sạch thanh RAM laptop
Thanh RAM laptop dễ bị oxy hóa và ăn mòn theo thời gian, giảm hiệu quả tiếp điện. Bạn có thể dùng gôm trắng chà nhẹ xung quanh và dùng chổi mini quét sạch các mảnh vụn gôm còn lại.
Vệ sinh bản lề laptop
Bản lề kết nối màn hình và thân máy, khi bị rỉ sét sẽ khó gập mở, còn ốc vít lỏng có thể làm màn hình không cố định. Để vệ sinh, dùng máy hút bụi hoặc ống thổi khí, sau đó quét nhẹ bằng cọ mềm.
Làm sạch bề mặt chipset và tra keo tản nhiệt cho laptop
Bước này rất quan trọng để giúp laptop tản nhiệt tốt hơn. Khi thấy lớp keo giữa các linh kiện bị khô hoặc bong, bạn cần tra keo tản nhiệt mới. Keo tản nhiệt giúp giảm nhiệt cho CPU và giảm tiếng ồn khi máy hoạt động.
Trước hết, dùng khăn giấy hoặc tăm bông tẩm dung dịch vệ sinh laptop để lau sạch phần keo trên bề mặt chip và mặt sau phiến tản nhiệt. Sau đó, tra 1-2 giọt keo tản nhiệt mới, không cần quá nhiều.
Sau khi vệ sinh xong các linh kiện bên trong, hãy lắp lại laptop như ban đầu. Vặn vít lần lượt mỗi góc một chút để tránh mất cân bằng vị trí linh kiện. Không nên lắp chặt hẳn một góc rồi mới chuyển qua góc khác.
Kết luận
Trên đây là toàn bộ hướng dẫn vệ sinh laptop tại nhà. Nếu bạn không tự tin, chỉ nên tháo nắp để quét bụi mặt trong của vỏ, không nên tháo linh kiện và dây cáp. Bạn cũng có thể đưa laptop đến các trung tâm hoặc cửa hàng để kiểm tra và vệ sinh định kì. Chúc bạn thành công, giúp laptop tăng tuổi thọ và hiệu suất làm việc!