1. GS Hoàng Xuân Sính
Hoàng Xuân Sính (sinh ngày 5 tháng 9 năm 1933) là một nữ chính khách, nhà quản lý giáo dục, nhà toán học, giáo sư và nhà giáo Nhân dân người Việt Nam. Bà là nữ giáo sư toán học đầu tiên của Việt Nam.
Bà là người làng Cót, Từ Liêm, Hà Nội (nay thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy). Năm 1951, sau khi tốt nghiệp bằng tú tài 1 tại Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), ban sinh ngữ, tiếng Anh và tiếng Pháp, Hoàng Xuân Sính được cậu ruột đón sang Pháp học tiếp chương trình phổ thông, rồi lên đại học, chuyên ngành toán học. Tốt nghiệp Đại học Toulouse (Pháp), bà tiếp tục học để thi agrégation (kì thi tuyển dụng công chức giáo dục của Pháp). Sau đó bà về nước dạy tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Bà làm nghiên cứu sinh trong nước dưới sự hướng dẫn của nhà toán học nổi tiếng người Pháp Alexander Grothendieck. Luận án Tiến sĩ Toán học của bà có nhan đề 'Các Gr-phạm trù' được bảo vệ tại Đại học Paris 7 vào năm 1975. Trước khi sang Paris bảo vệ luận án, bà đã trình bày kết quả nghiên cứu của mình tại Đại hội Toán học Việt Nam năm 1971 ở Hà Nội và Đại hội Toán học thế giới năm 1974 được tổ chức ở Vancouver (Canada).
Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ tại Paris, bà trở về Việt Nam, bắt đầu công việc giảng dạy toán học và biên soạn sách giáo khoa đại học cũng như phổ thông. Bà từng là chủ nhiệm bộ môn Đại số kiêm trưởng khoa Toán-Tin học tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Bà là một trong những người sáng lập ra trường Đại học Thăng Long - Đại học Tư thục đầu tiên của Việt Nam, thành lập ngày 15/12/1988. Hiện nay, bà đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị của trường. Bà là thành viên Hội đồng xét tặng Giải thưởng khoa học Kovalevskaya ở Việt Nam. Nhiều lần bà được giao trọng trách là Trưởng Đoàn học sinh Việt Nam đi dự Olympic Toán Quốc tế. Bà từng là Phó Chủ tịch Đoàn chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VI (2004), Ủy viên Hội đồng chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Ủy viên Hội đồng Giáo dục Quốc gia, Ủy viên Hồi đồng biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam.
Bà được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 1996. Bà được chính phủ Pháp (Gouvernement de la République française) trao tặng 'Huân chương Cành cọ Hàn lâm' vào năm 2003 vì những đóng góp to lớn của cá nhân bà cho công cuộc phát triển và hợp tác nghiên cứu khoa học giữa hai quốc gia Pháp-Việt.


2. GS Tạ Thị Hoài An
Tạ Thị Hoài An, sinh ngày 24/10/1972 tại huyện Nam Đàn, Nghệ An. Bà là người phụ nữ thứ ba đạt chuẩn giáo sư Toán học ở Việt Nam trong gần 70 năm qua. Bà An tốt nghiệp đại học năm 1993, Thạc sĩ năm 1997 và Tiến sĩ năm 2001 tại Trường Đại học Vinh. Bà nhận bằng Tiến sĩ khoa học ngành toán năm 2015 tại Đại học Clermont Ferrand 2 Blaise Pascal, Cộng hòa Pháp.
Từ năm 1995-2001 bà Tạ Thị Hoài An là giảng viên Trường Đại học Vinh. Từ tháng 9/2001 đến tháng 8/2004 bà học sau tiến sĩ tại Viện Toán học, Viện hàn lâm Khoa học Đài Loan.
Từ tháng 9/2004 đến tháng 3/2005, bà An trở về làm việc tại Trường đại học Vinh. Từ tháng 3/2025 đến 3/2013, bà làm nghiên cứu viên tại Viện toán học - Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Từ tháng 4/2014 đến nay bà là nghiên cứu viên cao cấp tại Viện toán học.
Bà Tạ Thị Hoài An được bổ nhiệm chức danh Phó giáo sư vào năm 2009. Các hướng nghiên cứu chủ yếu của bà An gồm: Bài toán về sự xác định duy nhất của các hàm; lý thuyết Nevanlinna và ứng dụng; tính suy biến của ánh xạ giải tích; các bài toán về xấp xỉ Diophant. Đến nay, nhà nghiên cứu này đã công bố 33 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế uy tín.


3. GS Lê Thị Thanh Nhàn
Lê Thị Thanh Nhàn (sinh 23 tháng 3 năm 1970) là Vụ Trưởng Vụ tổ chức cán bộ - Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học thuộc ĐH Thái Nguyên, nữ giáo sư toán học thứ hai được phong ở Việt Nam. Bà nghiên cứu chủ yếu về Đại số giao hoán và Hình học đại số.
Lê Thị Thanh Nhàn ra đời ở Thừa Thiên Huế, nhưng lớn lên ở tỉnh Thái Nguyên, là con thứ một trong gia đình nghèo với năm đứa con, mẹ là giáo viên, còn cha là một quân nhân đã qua đời khi bà còn nhỏ. Với ước mơ trở thành giáo viên, bà đã theo học khoa toán đại học tại Việt Bắc, Thái Nguyên từ 1986 đến 1990. Sau khi nhận bằng cử nhân toán, bà được trường tuyển dụng làm giảng viên toán. Từ năm 1993, bà hoàn thành thạc sĩ và tiến sĩ toán tại Viện Toán học Hà Nội vào năm 2001.
Năm 2005, bà được bổ nhiệm làm phó giáo sư, trở thành nữ toán học trẻ nhất ở Việt Nam với tước hiệu đó. Bà còn là thành viên trẻ của Trung tâm Vật lý Lý thuyết Quốc tế ở Ý từ 2002 đến 2007, và là thành viên thực thụ từ 2009 đến 2014. Năm 2009, bà được giao nhiệm vụ Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học thuộc ĐH Thái Nguyên.
Năm 2011, bà là một trong hai người nhận giải thưởng Kovalevskaya, một giải thưởng hàng năm vinh danh phụ nữ trong lĩnh vực khoa học ở Việt Nam. Giải thưởng này được đặt theo tên của nữ toán học Nga Sofia Kovalevskaya và được lập năm 1985 bởi nhà toán học Neal Koblitz và vợ ông, Ann Hibner Koblitz, dựa trên lợi nhuận từ cuốn sách của Ann Koblitz về tiểu sử của Kovalevskaya. Năm 2015, bà được đặc lên hàm giáo sư, trở thành nữ giáo sư toán học thứ hai được đặc lên ở Việt Nam sau GS Hoàng Xuân Sính. Từ tháng 5/2015 đến 2020, bà là Bí thư Đảng ủy của Trường Đại học Khoa học-Đại học Thái Nguyên. Từ tháng 6/2016 đến 2021, bà giữ chức Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học-Đại học Thái Nguyên. Năm 2019, bà được bổ nhiệm làm Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Giáo dục và Đào tạo (Việt Nam).

