1. Thuốc Loãng Xương Tác Dụng Kép
Loãng xương là tình trạng xương trở nên yếu và dễ gãy, xương mỏng dần và mật độ chất trong xương ngày càng thưa dần, điều này khiến xương giòn hơn, dễ tổn thương và làm tăng nguy cơ gãy xương. Từ năm 1995, các thuốc đầu tiên được sử dụng để điều trị tình trạng này bị giới hạn ở tác dụng chống mài mòn xương, chậm quá trình mất xương. Năm 2002, các thuốc làm tăng quá trình đồng hóa trở nên phổ biến với tác dụng chính là tăng sự hình thành xương bằng cách kích thích các tế bào tạo xương. Tuy nhiên, sự kích thích được tìm thấy ở các loại thuốc đồng hóa này cũng làm tăng khả năng tái hấp thu xương, làm giảm một số tác dụng củng cố của chúng.
Được FDA chấp thuận vào tháng 4 năm 2019, một loại thuốc mới đang khắc phục được nhược điểm này. Đó là romosozumab (Biệt dược Evenity phát triển bởi AMGEN) được chỉ định đường tiêm cho bệnh nhân hai lần mỗi tháng, kéo dài trong một năm. Tiến bộ mới trong điều trị loãng xương đang cung cấp hiệu quả không chỉ với xương, mà cả về tinh thần của bệnh nhân và nhân viên y tế.
2. Tafamidis – Giải Pháp Mới Cho Bệnh Lắng Đọng Transthyretin Amyloid Cơ Tim
Bệnh lý lắng đọng Transthyretin amyloid cơ tim (ATTR-CM) là một tình trạng hiếm gặp, tiến triển, khó chẩn đoán, có khả năng gây tử vong cao và trước đây chưa được điều trị thành công. Thông thường lắng đọng Transthyretin amyloid cơ tim chỉ được chẩn đoán sau khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng và tuổi thọ trung bình ở bệnh nhân khoảng 2 đến 3,5 năm bởi điều trị trước kia chỉ dừng lại ở cấy ghép tim. một thuốc mới – tafamidis (Biệt Dược Vyndaquel phát triển bởi Pfizer) – giúp ổn định Transthyretin làm chậm sự hình thành Amyloid, góp phần làm giảm lắng đọng amyloid ở cơ tim cho thấy giảm đáng kể nguy cơ tử vong
Tháng 5 năm 2019 đánh dấu sự chấp thuận của FDA đối với tafamidis, loại thuốc đầu tiên được sử dụng để điều trị tình trạng ngày càng được quan tâm này. Kết quả thử nghiệm lâm sàng pha 3 cho thấy tafamidis giúp làm giảm 30% nguy cơ tử vong ở những bệnh nhân nhận sử dụng liệu pháp đột phá này.
3. Mở Rộng Áp Dụng Kỹ Thuật Xâm Lấn Tối Thiểu Trong Can Thiệp Sửa Van Hai Lá Qua Đường Ống Thông (Mitraclip)
Bệnh lý hở van hai lá tương đối phổ biến với ước tính tỷ lệ 1 trong khoảng 10 người trên 75 tuổi. Trước đây, để điều trị bệnh lý này, y học chỉ có thể dùng phương pháp phẫu thuật tim hở với rủi ro cao hơn, và thời gian phục hồi kéo dài nhiều tháng trời.
Vào tháng 3 năm 2019, FDA đã mở rộng sự chấp thuận của kỹ thuật xâm lấn tối thiểu này trên nhóm bệnh nhân hở van hai lá thứ phát hoặc hở van hai lá do phì đại thất trái. Việc mở rộng chỉ định trên những bệnh nhân hở van hai lá không có dấu hiệu suy giảm triệu chứng sau khi trải qua các phương pháp điều trị khác đã cung cấp một lựa chọn điều trị mới quan trọng cho bác sĩ và bệnh nhân bằng cách loại bỏ sự sợ hãi và rào cản liên quan đến phẫu thuật tim, giảm nguy cơ điều trị.
4. Kích Thích Tủy Sống Chu Kỳ Đóng Trong Điều Trị Đau Mạn Tính
Đau mạn tính là một tình trạng tồi tệ của những cơn đau tái đi tái lại nhiều lần và thời gian đau kéo dài trên 3 tháng. Người bệnh bị đau mạn tính dẫn đến những rối loạn về tâm lý như lo âu, trầm cảm, thay đổi tính tình gây ảnh hưởng tới hoạt động xã hội hàng ngày.
Kích thích tủy sống chu kỳ đóng cho phép thiết bị cấp ghép tương tác tốt hơn với tủy sống, có thể giao tiếp trong thời gian thực với các tế bào thần kinh tủy sống. Đây là lần đầu tiên có hệ thống có thể đo lường phản ứng của dây thần kinh để kích thích và điều chỉnh mọi xung điện theo hoạt động thực. Kích thích tủy sống chu kỳ đóng hiện đã được chỉ định điều trị ở các nước châu Âu và mang đến sự giải thoát cho bệnh nhân đau mạn tính ở khắp mọi nơi
5. Trị Liệu Cho Dị Ứng Đậu Phộng
Đậu phộng là một trong tác nhân phổ biến gây dị ứng nghiêm trọng với các triệu chứng có thể đe dọa tính mạng như sốc phản vệ. Hiện nay, dị ứng với đậu phộng đang gia tăng ở trẻ em. Mới đây, việc phát triển một sản phẩm miễn dịch đường uống mới để dần dần xây dựng khả năng tiếp xúc với đậu phộng đã mang lại cơ hội cho các bệnh nhân chống lại sự tấn công của dị ứng đậu phộng.
9 năm 2019, một hội đồng chuyên gia của FDA đã khuyến nghị phê duyệt một liệu pháp đầu tiên cho tình trạng dị ứng đậu phộng. Đó là dạng bào chế viên nang với số lượng rất nhỏ protein đậu phộng. Theo thời gian, liều được tăng lên và đứa trẻ xây dựng một khả năng tiếp xúc với đậu phộng.
6. Kháng Sinh Bao Phủ Tại Chỗ Ngăn Ngừa Nhiễm Trùng Các Thiết Bị Cấy Ghép Hỗ Trợ Tim
Trên toàn thế giới, khoảng 1,5 triệu bệnh nhân được thực hiện các phẫu thuật cấy ghép thiết bị điện tử hỗ trợ tim này mỗi năm. Nhiễm trùng là một biến chứng nguy hiểm trong quá trình cấy ghép các thiết bị này. ho đến nay, sử dụng thuốc kháng sinh đường uống ngay trước khi làm thủ thuật là cách tốt nhất và duy nhất được chứng minh để ngăn ngừa nhiễm trùng. Mặc dù vậy, nhiễm trùng vẫn tiếp tục xảy ra.
Sự phát triển gần đây của một sản phẩm kháng sinh bao phủ tại chỗ giúp đảm bảo phóng thích chậm hai loại thuốc chống nhiễm trùng tại vị trí cấy ghép trong bảy ngày sau khi phẫu thuật.Việc phóng thích thuốc chậm trong suốt một tuần sẽ giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng. Ghi nhận ban đầu của thử nghiệm này được công bố vào tháng 3 năm 2019 cho thấy hiệu quả giảm 40% các trường hợp nhiễm trùng lớn, mang đến sự an toàn hơn cho các thủ tục cấy ghép thiết bị hỗ trợ tim cho bệnh nhân.
7. Công Nghệ Sinh Học Trong Phẫu Thuật Chỉnh Hình
Công nghệ sinh học – bao gồm các thành phần tế bào, thành phần máu, yếu tố tăng trưởng và các chất tự nhiên khác – có sức mạnh thay thế hoặc khai thác sức mạnh của chính cơ thể và thúc đẩy quá trình hồi phục và giảm viêm trong điều trị. Những yếu tố này đang thay đỏi công nghệ phẫu thuật chỉnh hình, cho phép cải thiện nhanh chóng kết quả điều trị.
Kỹ thuật công nghệ sinh học mới này sử dụng một miếng xốp được tiêm các yếu tố sinh học tự thân kết hợp với máu của chính bệnh nhân để kích thích chữa lành dây chằng chéo trước, tức là bảo tồn mô chứng không phải cắt bỏ nó. Công nghệ sinh học đem đến tiềm năng lớn trong việc cung cấp cho mọi bệnh nhân phẫu thuật chỉnh hình một sự phục hồi nhanh chóng hơn, tự nhiên hơn, hiệu quả hơn.
8. Thuốc Ức Chế PARP – Điều Trị Duy Trì Trong Ung Thư Buồng Trứng
Ung thư buồng trứng là khối u ác tính có xuất phát từ một hoặc cả hai buồng trứng. Các tế bào ung thư là các tế bào bất thường chúng phát triển không theo sự kiểm soát của cơ thể và không tuân theo nhu cầu của cơ thể. Và các tế bào ung thư này có thể xâm lấn và phá hủy các mô, cơ quan xung quanh. Không chỉ vậy chúng có thể di căn tới các cơ quan ở xa trong cơ thể và gây ung thư thứ phát tại cơ quan đó.
PARP (Poly ADP ribose polymerase) là một enzym đóng vai trò sửa chữa sai hỏng DNA và ngăn chặn quá trình tự hủy của tế bào trong cơ thể, hay nói cách khác PARP là một loại protein mà khối u lệ thuộc vào để tự sửa chữa khuyết tật. Khi cơ thể bị ung thư, các tế bào tiếp quản cả chức năng này của PARP và lợi dụng nó để giúp cho khối u phát triển. Ức chế hoạt động của PARP nhằm ngăn chặn sửa chữa các sai hỏng DNA, tăng cường sự chết tế bào đã sớm trở thành một liệu pháp hứa hẹn trong điều trị ung thư và đã được đưa vào thử nghiệm lâm sàng.
9. Acid Bempedoic Giúp Giảm Cholesterol Ở Bệnh Nhân Không Dung Nạp Statin
Cholesterol là một chất béo steroid màu vàng nhạt, được vận chuyển trong huyết tương và có ở màng tế bào của các mô trong cơ thể. Cholesterol cao là tình trạng hàm lượng cholesterol trong máu cao hơn mức bình thường. Khi nồng độ cholesterol cao hơn bình thường, cơ thể sẽ bị lắng đọng chất béo LDL trong các mạch máu. Các chất lắng đọng này có thể làm cản trở sự vận chuyển của máu qua động mạch. Do đó, tim không nhận đủ máu giàu oxy và có thể gây ra các cơn đau tim. Lưu lượng máu đến não giảm cũng có thể gây ra đột quỵ.
Acid Bempedoic hoạt động bằng cách ngăn chặn một loại enzyme chính, được cơ thể sử dụng để tạo ra cholesterol, đặc biệt nó không tích lũy trong cơ, làm giảm khả năng đau cơ. Nếu được FDA chấp thuận, axit Bempedoic có thể là một điều trị bổ sung hiệu quả và phù hợp hơn trong mục tiêu giảm cholesterol cho bệnh nhân.