Trong phần thi IELTS Writing Task 2, thí sinh chỉ có 40 phút để triển khai lập luận và viết bài. Do đó, trong quá trình ôn luyện, thí sinh cần tìm hiểu trước ý tưởng về một số chủ đề quen thuộc, để áp dụng và mở rộng trong phòng thi. Trong bài viết này, người viết sẽ giới thiệu Idea for IELTS Writing topic Consumerism (Chủ nghĩa tiêu dùng) và từ vựng cùng chủ đề.
Tổng quan về chủ đề Consumerism
Theo Czarnecka và các cộng tác viên (2019), Chủ nghĩa tiêu dùng (Consumerism) là một trật tự xã hội - kinh tế khuyến khích việc mua hàng hóa, dịch vụ với số lượng ngày càng tăng. Xu hướng này nổi lên từ cuộc cách mạng công nghiệp của thế kỷ XX, khi sản xuất hàng loạt dẫn đến sản xuất thừa - cung hàng hóa sẽ vượt quá nhu cầu của người tiêu dùng. Do đó, để thao túng việc chi tiêu của người tiêu dùng, các nhà sản xuất “tạo ra” sự lỗi thời một cách có chủ đích (planned obsolescence) và tăng cường quảng bá sản phẩm. Theo từ điển Cambridge, từ “consumerism” được định nghĩa là “tình huống mà mọi người dành quá nhiều sự chú ý cho việc mua sắm và sở hữu đồ đạc”. Như vậy, “consumerism” ám chỉ xu hướng coi trọng của cải, vật chất một cách thái quá, thể hiện qua việc mua sắm hàng hóa không thật sự cần thiết. Về mặt tích cực - tiêu cực của xu hướng này, người viết sẽ đề cập đến trong từng đề cụ thể.
Idea cho đề tài viết IELTS về Chủ nghĩa Tiêu Dùng và từ vựng liên quan
Bài 1
Many people say that we now live in 'consumer societies' where money and possessions are given too much importance. Others believe that ‘consumer culture’ has played a vital role in improving our lives.
Discuss both views and give your opinion.
Phân tích đề bài:
Đề bài đặt ra hai quan điểm trái chiều về chủ nghĩa tiêu dùng: có ý kiến cho rằng xã hội tiêu dùng (consumer societies) đang quá đề cao tiền bạc và của cải, trong khi đó nhiều người lại nghĩ văn hóa tiêu dùng (consumer culture) đang giúp chúng ta cải thiện cuộc sống. Với yêu cầu “Discuss both views and give your opinions”, thí sinh cần thảo luận về cả hai quan điểm trên trước khi đưa ra ý kiến cá nhân (đồng tình với một trong hai quan điểm hoặc giữ quan điểm trung lập).
Giải thích một số thuật ngữ trong đề bài:
Consumer society: một xã hội mà mọi người thường mua hàng hóa mới, đặc biệt là những thứ họ không thật sự cần, và việc sở hữu nhiều thứ được coi trọng.
Consumer culture: một văn hóa coi trọng vật chất được thúc đẩy bởi cơ chế thị trường, trong đó người tiêu dùng có mối quan hệ đặc biệt với hàng hóa và dịch vụ họ sử dụng.
(Lược dịch từ định nghĩa của từ điển Cambridge)
Xây dựng ý tưởng và lập dàn ý:
Với quan điểm thứ nhất, thí sinh có thể nhắc đến một số biểu hiện tiêu cực của xã hội tiêu dùng như sau:
Trong xã hội tiêu dùng, nơi mà việc mua sắm thật nhiều hàng hóa được khuyến khích, con người dễ bị ám ảnh tiêu cực với việc sở hữu của cải vật chất và lãng quên các giá trị tinh thần khác.
Việc liên tục mua sắm hàng hóa mới và bỏ đi những thứ còn sử dụng được dẫn đến sự lãng phí tài nguyên, gia tăng rác thải có hại cho môi trường.
Với quan điểm thứ hai, thí sinh có thể tham khảo một số mặt tích cực của “consumer culture” như sau:
Văn hóa tiêu dùng cho thấy chất lượng đời sống của con người tăng cao, họ có thể mua sắm nhiều thứ mình muốn hơn.
Nhu cầu tiêu dùng tăng cao góp phần thúc đẩy sản xuất, tạo nhiều công việc cho người lao động cũng như phát triển các công ty,... từ đó góp phần giúp nền kinh tế tăng trưởng.
Sau đó, thí sinh có thể lồng ghép quan điểm của mình - đồng tình với ý kiến nào hơn, hay cho rằng cả hai đều có phần đúng.
Để triển khai các ý tưởng trên thành dàn bài hoàn chỉnh hoàn chỉnh, thí sinh có thể áp dụng cấu trúc đoạn văn sau:
Idea: Câu chủ đề nêu ý tưởng về vấn đề cần thảo luận
Explanation: Giải thích nguyên nhân dẫn đến ý tưởng đó, ý tưởng đó bao gồm những yếu tố gì...
Effects: Sau đó bổ sung các hệ quả của các ý được nhắc đến trong phần trước.
Examples: Có thể cân nhắc bổ sung các ví dụ để giải thích cho quan điểm đó.
Thí sinh có thể tham khảo dàn ý chi tiết dưới đây:
Mở bài
Giới thiệu chủ đề về Consumerism và hai quan điểm đặt ra trong đề bài.
Nêu quan điểm cá nhân về chủ đề, hoặc khái quát nội dung phần thân bài
Đoạn thân bài 1
Câu chủ đề: Một xã hội theo chủ nghĩa tiêu dùng có thể làm mất cân bằng các giá trị xã hội và gây hại cho môi trường.
Luận điểm 1: Chủ nghĩa tiêu dùng khuyến khích con người chạy theo vật chất mà quên đi các giá trị tinh thần.
Giải thích
Hệ quả: Có nhiều của cải vật chất nhưng cuộc sống thiếu đi ý nghĩa.
Ví dụ: Một người đam mê công nghệ luôn muốn mua Iphone mới nhất, thế nhưng có thể đến cuối đời họ mới nhận ra đam mê này vô nghĩa.
Luận điểm 2: Chủ nghĩa tiêu dùng gây hại cho môi trường
Giải thích: Việc liên tục mua hàng hóa mới và thải ra môi trường những món đồ cũ sẽ gia tăng rác thải.
Hệ quả: Khối lượng rác thải khó phân hủy trong môi trường sẽ gây ô nhiễm đất.
Ví dụ: Một lượng lớn rác thải nhựa, vải vóc, đồ điện tử… bỏ đi đã làm đất bị nhiễm các chất độc hại. Kết quả là những đất đó không thể sử dụng để trồng cây hay cho các hoạt động dân sinh khác như xây nhà.
Đoạn thân bài 2
Câu chủ đề: Chủ nghĩa tiêu dùng cũng góp phần phát triển kinh tế.
Luận điểm 1: Việc khuyến khích tiêu dùng có thể tạo ra nhiều việc làm, giúp người lao động cải thiện cuộc sống.
Giải thích: Khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao thì sản xuất phát triển, từ đó tạo nhiều công ăn việc làm hơn.
Do doanh thu từ sản xuất lớn hơn, nên mức lương cho người lao động cũng có thể cao hơn.
Hệ quả: Tỷ lệ thất nghiệp giảm, mọi người dễ dàng tìm việc để đảm bảo đời sống cá nhân, đóng góp cho sự phát triển kinh tế.
Luận điểm 2:Gia tăng tiêu dùng cũng thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, tạo đà tăng trưởng kinh tế.
Giải thích:Sự gia tăng tiêu dùng cũng làm các doanh nghiệp có nhiều động lực sản xuất và đổi mới sáng tạo hơn. Họ có thể thu được lợi nhuận và phát triển nhanh hơn.
Hệ quả:Sự phát triển của doanh nghiệp đóng góp vào GDP và góp phần tăng trưởng kinh tế.
Kết bài
Nêu quan điểm cá nhân: Văn hóa tiêu dùng có cả mặt tích cực và tiêu cực.
Bài 2:
Consumer goods have become the most important part of people’s lives.
Do the advantages outweigh the disadvantages?
Phân tích đề bài:
Đề bài đưa ra nhận định rằng hàng hóa tiêu dùng đã trở thành phần quan trọng nhất của cuộc sống con người. Với dạng câu hỏi “Do the advantages outweigh the disadvantages?” thí sinh cần thảo luận cả hai mặt lợi ích, tác hại của vấn đề trước khi kết luận liệu phần lợi ích có vượt trội hơn không.
Sáng tạo ý tưởng và tạo ra kết cấu ý:
Với đề bài này, thí sinh có thể tập trung hơn vào mặt lợi - hại của chủ nghĩa tiêu dùng với đời sống cá nhân, đồng thời chọn lọc các ý tưởng được nhắc đến trong đề 1:
Về mặt tích cực, việc theo đuổi hàng hóa tiêu dùng có thể giúp mọi người có động lực (motivation) làm việc, kiếm tiền lớn hơn. Thông qua công việc, họ vừa đem lại lợi ích cho cộng đồng, vừa có thể chi trả cho cuộc sống thoải mái như ý. Ngoài ra, tương tự như đề bài trước, việc coi trọng hàng hóa cũng tạo động lực cho sản xuất.
Về mặt tiêu cực, quá coi trọng vật chất có thể khiến con người bị nghiện công việc đến nỗi sức khỏe và tinh thần bị ảnh hưởng, thiếu thời gian cho các mối quan hệ… Thậm chí, họ có thể làm những việc bất chính chỉ để có được thứ mình muốn sở hữu.
Áp dụng cấu trúc đoạn văn được nhắc đến ở phần trên, người viết giới thiệu dàn ý tham khảo sau:
Mở bài
Giới thiệu nhận định về vai trò của “consumer goods”.
Nêu khái quát về cấu trúc bài viết: sẽ phân tích lợi ích - tác hại của vấn đề này trước khi kết luận mặt nào vượt trội hơn.
Đoạn thân bài 1
Câu chủ đề: Việc đặt sự sở hữu hàng hóa lên hàng đầu mang lại nhiều lợi ích.
Luận điểm 1:Đam mê sở hữu “consumer goods” giúp con người có động lực làm việc, tạo ra giá trị hơn.
Giải thích:Mọi người sẽ nỗ lực làm việc hơn để có được thứ mình muốn, gia tăng thu nhập cá nhân.
Hệ quả: Họ có thể có cuộc sống thoải mái hài lòng hơn với những thứ mà họ yêu thích, đồng thời tạo nhiều giá trị qua công việc.
Luận điểm 2:Các công ty có nhiều động lực sản xuất và nâng cấp các sản phẩm tiêu dùng hơn.
Giải thích:Khi con người coi trọng hàng tiêu dùng, thì nhu cầu và thị hiếu của họ cũng dần nâng cao. Từ đó, công ty sẽ có động lực để đa dạng hóa và phát triển sản phẩm.
Hệ quả:Sự phát triển của doanh nghiệp và gia tăng tiêu dùng sẽ thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng.
Đoạn thân bài 2
Câu chủ đề: Mặt khác, việc coi trọng vật chất thái quá như vậy có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống.
Luận điểm 1: Việc quá coi trọng sở hữu hàng hóa có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hạnh phúc của mỗi người.
Giải thích: Khi theo đuổi vật chất, con người chỉ tập trung vào công việc mà bỏ quên các giá trị quan trọng khác (như xây dựng các mối quan hệ….).
Hệ quả: Cuộc sống của họ có thể trở nên mất cân bằng, không đạt được hạnh phúc thực sự.
Ví dụ: Những người nghiện công việc - “workaholic” - sẵn sàng hy sinh sức khỏe, mối quan hệ,... để kiếm tiền.
Những người sẵn sàng vi phạm pháp luật và đạo đức để làm giàu.
Luận điểm 2:Việc quá coi trọng hàng hóa tiêu dùng có thể gây hại cho môi trường sống.
(Thí sinh có thể phát triển ý tưởng tương tự như đề 1)
Kết bài
Kết luận: Mặc dù việc coi trọng vật chất cũng có những lợi ích, nhưng đặt nó lên hàng đầu có tác hại nghiêm trọng đến đời sống cá nhân và xã hội (tóm lược lại các luận điểm).
Bài số 3:
Young people today spend too much money and time following fashion trends (clothing, tech). What are the reasons? Is it a positive or negative development?
Phân tích yêu cầu bài tập
Đề bài có phạm vi đối tượng và bình luận rõ ràng hơn so với hai đề trên. Đề bài nhắc đến hiện tượng người trẻ tiêu tốn tiền bạc và thời gian để theo đuổi xu hướng mới nhất về thời trang - công nghệ. Câu hỏi trong đề thuộc dạng “Direct questions”, yêu cầu thí sinh nêu lí do cho xu hướng này, và phân tích hai mặt tích cực - tiêu cực của nó.
Tạo ý tưởng và xây dựng cấu trúc ý
Về lí do của hiện tượng này:
Do xu hướng sản xuất và nâng cấp thường xuyên các sản phẩm thời trang - công nghệ, cộng với các hình thức quảng cáo nhắm đến người trẻ… khiến họ không tiếc tiền cho các xu hướng thời trang
Do nhu cầu khẳng định cá tính thông qua các món đồ hàng hiệu về thời trang và công nghệ ở lứa tuổi này.
Thảo luận mặt tích cực, tiêu cực của xu hướng trước khi đưa ra kết luận:
Khía cạnh tích cực: nhu cầu kiếm tiền để theo đuổi xu hướng có thể thúc đẩy người trẻ tích cực làm việc và sáng tạo hơn.
Khía cạnh tiêu cực: về lâu dài, nếu không có khả năng quản lý tài chính, người trẻ có nguy cơ phá sản. Ngoài ra, việc theo đuổi xu hướng có thể khiến họ bỏ qua những vấn đề quan trọng hơn, như thực sự khẳng định bản sắc qua năng lực cá nhân.
Thí sinh có thể phát triển dàn ý chi tiết dựa vào mô hình dàn ý đã được đề cập ở các đề trước, và tham khảo thêm bài mẫu sau: Người trẻ ngày nay dành quá nhiều tiền và thời gian theo đuổi xu hướng thời trang (quần áo, công nghệ). Nguyên nhân là gì? Đây có phải là một phát triển tích cực hay tiêu cực?
Kết luận
Nguyễn Thị Ngọc Mai