IELTS 8.5 là một số điểm cực kỳ cao và là một thử thách vô cùng to lớn đối với mọi thí sinh. Số điểm này không chỉ thể hiện khả năng sử dụng tiếng Anh thành thạo của người học mà còn tượng trưng cho sự nỗ lực và cố gắng khổng lồ.
Vậy IELTS 8.5 có giá trị như thế nào, và liệu rằng việc đạt được IELTS 8.5 có thực sự cần thiết? Người học hãy cùng Anh Ngữ Mytour tìm hiểu trong bài viết sau đây.
Key takeaways |
---|
|
IELTS 8.5 đạt được những gì? Có thực sự cần thiết không?
IELTS (International English Language Testing System) là kỳ thi tiếng Anh 4 kỹ năng phổ biến và có uy tín hàng đầu thế giới. Việc đạt được số điểm gần như tuyệt đối 8.5/ 9.0 trong kỳ thi IELTS không chỉ thể hiện khả năng sử dụng tiếng Anh thành thạo của thí sinh mà còn có thể giúp thí sinh có nhiều cơ hội và đặc quyền như:
Miễn tham gia bài thi tiếng Anh trong kỳ thi THPT Quốc Gia.
Được đánh giá rất cao và được ưu tuyên xét tuyển thẳng vào hầu hết các trường đại học hàng đầu trong nước như: đại học Bách Khoa, đại học Công Nghệ Thông Tin, đại học Khoa Học Tự Nhiên, đại học Kinh tế Quốc Dân, đại học Ngoại Thương, đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh,…
Miễn học phần tiếng Anh đối với hầu hết các trường đại học trong nước
Mở ra cơ hội du học tại các trường đại học hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, với một số điểm rất cao như IELTS 8.5, thí sinh còn có cơ hội đạt được những suất học bổng du học vô cùng giá trị .
Mở ra cơ hội cho người học tiếp cận đến nguồn tri thức của thế giới. Khi mà Internet đã trở nên vô cùng phổ biến, với trình độ tiếng Anh thành thạo, người học dễ dàng trao dồi và bổ sung kiến thức của bản thân từ các nguồn học liệu uy tín trên khắp thế giới.
Có cơ hội làm việc và định cư tại các quốc gia có yêu cầu tiếng Anh vô cùng khắt khe như Mỹ, Úc, Canada,…
Mở rộng con đường nghề nghiệp của bản thân. Với IELTS 8.5, người học sẽ ghi điểm vô cùng lớn trong mắt các nhà tuyển dụng bởi vì khả năng thành thạo tiếng Anh cũng như nỗ lực của bản thân. Bên cạnh đó, người học cũng có thể áp dụng khả năng tiếng Anh thành thạo của bản thân vào các lĩnh vực khác như giảng dạy, phiên dịch, biên dịch,…
Các tiêu chí đạt được IELTS 8.5
Có khá nhiều tổ hợp điểm khác nhau để thí sinh có thể đạt được số điểm trung bình từ 8.25 → 8.5. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều thí sinh thường có xu hướng đạt được số điểm cao hơn trong hai kỹ năng Reading (đọc) và Listening (nghe).
Vì thế, để giúp cho người học có được cái nhìn chính xác nhất, Anh Ngữ Mytour sẽ giới thiệu cho người học tiêu chí để đạt được số điểm 8.5 trong bài thi IELTS bằng tổ hợp điểm phổ biến nhất mà nhiều thí sinh đạt được bao gồm 8.5 (Reading), 8.5 (Listening), 8.0 (Speaking) và 8.0 (Writing).
Phần thi Listening (Nghe)
Thí sinh cần đạt từ 37 - 38 câu trả lời đúng trên tổng số 40 câu hỏi để đạt được số điểm 8.5 trong bài thi này.
Phần thi Reading (Đọc)
Đối với bài thi IELTS Reading Academic với số lượng từ vựng học thuật lớn, thí sinh cần đạt từ 37 - 38 câu trả lời đúng trên tổng số 40 câu hỏi để đạt được số điểm 8.5.
Đối với bài thi IELTS Reading General với số lượng từ vựng học thuật ít hơn, thí sinh cần đạt từ 39 câu trả lời đúng trên tổng số 40 câu hỏi để đạt được số điểm 8.5.
Phần thi Speaking (Nói)
Phần thi Speaking sẽ được đánh giá dựa trên 4 tiêu chí Fluency (Độ trôi chảy), Lexical Resource (Từ vựng), Grammatical Range and Accuracy (Ngữ pháp và tính chính xác) và Pronunciation (Phát âm). Điều kiện để đạt được 8.0 của phần thi này dựa trên 4 tiêu chí cụ thể như sau:
Tiêu chí | Điều kiện đạt được 8.0 |
---|---|
Fluency (Độ trôi chảy) | Thí sinh có thể nói một cách trôi chảy và hiếm khi lặp lại hoặc tự sửa lỗi. Các lỗi liên quan đến do dự trong bài nói thường không liên quan đến lý do tìm từ vựng hoặc ngữ pháp. Bên cạnh đó, thí sinh có khả năng phát triển nội dung một cách mạch lạc. |
Lexical Resource (Từ vựng) | Thí sinh có khả năng diễn đạt một cách hiệu quả, sử dụng linh hoạt và chính xác tất cả chủ đề từ vựng. Bên cạnh đó, thí sinh còn có khả năng sử dụng một số từ vựng và thành ngữ hiếm một cách khéo léo, mặc dù đôi khi có thể chưa phù hợp với ngữ cảnh. |
Grammatical Range and Accuracy (Ngữ pháp và tính chính xác) | Thí sinh có thể linh hoạt sử dụng nhiều cấu trúc ngữ pháp phức tạp. Bên cạnh đó, thí sinh có thể tạo nhiều câu không lỗi, hoặc đôi khi mắc phải lỗi ngữ pháp cơ bản nhưng với số lần rất ít. |
Pronunciation (Phát âm) | Thí sinh có thể phát âm chuẩn, dễ hiểu, chuẩn xác cùng với độ tinh tế cao. Đôi khi thí sinh có thể mắc phải một vài lỗi phát âm nhưng không đáng kể và không gây khó hiểu cho người nghe. |
Phần thi Writing (Viết)
Phần thi Writing sẽ bao gồm hai bài viết được tính điểm độc lập với nhau là IELTS Writing Task 1 và IELTS Writing Task 2. Trong đó, điểm của phần thi IELTS Writing Task 1 và 2 sẽ lần lượt chiếm 1/3 và 2/3 trên tổng số điểm của bài thi IELTS Writing.
IELTS Task 1 Writing
Bài thi IELTS Writing Task 1 sẽ được đánh giá dựa trên 4 tiêu chí Task Response (Đáp ứng ưu cầu đề bài), Lexical Resource (Từ vựng), Grammatical Range and Accuracy (Ngữ pháp và tính chính xác) và Coherence and Cohesion (Mạch lạc và gắn kết ). Điều kiện để đạt được 8.0 của phần thi này dựa trên 4 tiêu chí cụ thể như sau:
Tiêu chí | Điều kiện đạt được 8.0 |
---|---|
Task Response (Đáp ứng ưu cầu đề bài) | Thí sinh có thể bao hàm tất cả yêu cầu của đề bài một cách đầy đủ. Bên cạnh đó, thí sinh có thể minh họa, trình bày các luận điểm chính một cách rõ ràng. |
Lexical Resource (Từ vựng) | Thí sinh có thể sử dụng từ vựng một cách linh hoạt, phong phú, bên cạnh đó có thể sử dụng các từ vựng ít phổ biến và từ vựng chuyên một cách khéo léo nhưng đôi khi vẫn chưa chính xác. Thí sinh ít mắc phải các lỗi sai cơ bản về chính tả. |
Grammatical Range and Accuracy (Ngữ pháp và tính chính xác) | Thí sinh có thể sử dụng các điểm ngữ pháp khác nhau và thường ít mắc các lỗi liên quan đến ngữ pháp hoặc lỗi sử dụng ngữ pháp không phù hợp. |
Coherence and Cohesion (Mạch lạc và gắn kết ) | Thí sinh sắp xếp thông tin một cách hợp lý, đồng thời có thể kiểm soát tốt tính mạch lạc của bài viết và chia bài viết thành các đoạn phù hợp. |
IELTS Task 2 Writing
IELTS Writing Task 2 cũng được đánh giá dựa trên 4 tiêu chí tương tự như bài viết IELTS Writing Task 1. Điều kiện để đạt được 8.0 của phần thi này dựa trên 4 tiêu chí cụ thể như sau:
Tiêu chí | Điều kiện đạt được 8.0 |
---|---|
Task Response (Đáp ứng ưu cầu đề bài) | Thí sinh có thể xử lấy đầy đủ tất cả yêu cầu đề bài và có khả năng trình bày một câu trả lời tốt được củng cố và mở rộng đầy đủ bằng các luận điểm, ví dụ,… |
Lexical Resource (Từ vựng) | Thí sinh có khả năng sử dụng từ vựng một cách linh hoạt và thông thạo. Bên cạnh đó, thí sinh có thể sử dụng các từ vựng ít phổ biến và phức tạp nhưng đôi khi không chính xác. Đối với các từ vựng cơ bản, thí sinh hầu như không hoặc ít mắc phải các lỗi sai về chính tả. |
Grammatical Range and Accuracy (Ngữ pháp và tính chính xác) | Thí sinh có thể sử dụng nhiều cấu trúc ngữ pháp khác nhau, và hầu như không mắc lỗi trong các câu của bài viết. Tuy nhiên, đôi khi thí sinh vẫn có thể mắc lỗi sử dụng cấu trúc ngữ pháp không phù hợp. |
Coherence and Cohesion (Mạch lạc và gắn kết ) | Thí sinh sắp xếp thông tin một cách hợp lý, kiểm soát tốt tính mạch lạc của bài viết và có phân đoạn đầy đủ, phù hợp. |
Bao lâu để học IELTS 8.5?
Nếu tính trung bình mỗi ngày người học dành 1 giờ cho việc ôn luyện và học tập tiếng Anh thì theo ước tính người học sẽ phải tốn từ 3 năm → 3,5 năm để đạt được IELTS 8.5. Tuy nhiên, đây chỉ là con số ước tính, thời gian học tập của mỗi người có thể khác nhau phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thiên phú, phương pháp học, ngôn ngữ bản địa.
Kinh nghiệm để đạt IELTS 8.5
Kỹ năng Đọc
1. Trải nghiệm cá nhân và một số gợi ý
Kỹ năng Reading là một trong những kỹ năng mà người học có thể thực đảm bảo cho bản thân một số điểm rất cao thông qua việc luyện tập, phụ thuộc vào tốc độ đọc của người học và khả năng chỉ ra được những thông tin quan trọng từ bài viết.
Một trong những kinh nghiệm làm bài của tác giả đối với phần thi này chính là cố gắng hoàn thành bài thi một cách nhanh nhất có thể, hạn chế dùng lại quá lâu ở các câu hỏi khó mà chỉ đánh dấu lại các câu hỏi này. Sau đó, khi đã hoàn thành tất cả các câu hỏi, làm lại bài thi một lần nữa, và trong lần này dành nhiều thời gian hơn cho các câu hỏi chưa được trả lời.
Tác giả lựa chọn phương pháp làm bài này bởi vì việc dùng lại ở các câu hỏi khó có thể tiêu tốn nhiều thời gian, từ đó tạo nên áp lực và dễ dẫn đến những sai lầm đáng tiếc trong các câu hỏi chưa được trả lời. Hơn thế nữa, bằng việc hoàn thành bài thi một lần rồi sau đó kiểm tra lại phần làm bài một lần nữa sẽ giúp cho thí sinh dễ dàng hiểu được bài viết hơn, từ đó càng thêm chắc chắn với câu trả lời của bản thân.
2. Lời khuyên cho người học trong quá trình học
Cách tốt nhất để rèn luyện khả năng đọc chính là cố gắng đọc và tiêu thụ nội dung bằng Tiếng Anh mỗi ngày. Thói quen đọc tiếng Anh mỗi ngày có thể khó để hình thành, nhưng một khi người học có được khả năng này, người học có thể dễ dàng phát triển không chỉ khả năng tiếng Anh, điểm IELTS mà còn cả kiến thức tổng quan về cuộc sống.
Nếu người học mới bắt đầu làm quen với việc đọc tiếng Anh, người học đừng nên bắt đầu bằng việc đọc những bài báo chuyên ngành, chẳng hạn như BBC, hoặc các cuốn tiểu thuyết quá dài bằng tiếng Anh. Hãy chọn những tài liệu đọc phù hợp, chẳng hạn như truyện tranh hoặc thậm chí là đọc phụ đề bằng tiếng Anh trong quá trình xem phim.
Kỹ năng Nghe
1. Trải nghiệm cá nhân và một số gợi ý
Tương tự như kỹ năng Reading, kỹ năng Listening là một kỹ năng mà người học hoàn toàn có thể đảm bảo cho bản thân một số điểm rất cao thông qua việc luyện tập liên tục và nắm rõ cấu trúc đề thi.
Một trong những kinh nghiệm làm bài của tác giả đối với phần thi này chính là luôn đọc câu hỏi trước khi nghe đoạn hội thoại để có thể nắm được thông tin mà thí sinh cần nghe. Thử thách lớn nhất trong phần thi này chính là đoạn hội thoại chỉ được phát một lần và nếu thí sinh không xác định được thông tin cần nghe trước, thí sinh sẽ dễ dàng bỏ lỡ một hoặc một vài câu hỏi.
Bên cạnh đó, một kinh nghiệm khác trong phần thi này chính là thí sinh phải tập cho bản thân tâm lý giữ bình tĩnh trong trường hợp bỏ lỡ một hoặc một vài câu hỏi. Điều này nghe có vẻ khó khăn, nhưng thí sinh hoàn toàn có thể làm quen thông qua việc luyện tập với các bài kiểm tra thử.
2. Lời khuyên cho người học trong quá trình học
Tương tự trên, cách tốt nhất để có thể làm chủ kỹ năng Listening chính là việc áp dụng nó vào cuộc sống hằng ngày. Người học có thể thử đưa việc nghe tiếng Anh vào trong cuộc sống hằng ngày của bản thân bằng việc xem phim bằng tiếng Anh, nghe nhạc, nghe podcast,… Thông qua những việc này, người học sẽ có thể làm quen với ngữ điệu nói tiếng Anh, đồng thời dần cảm thấy thoải mái với việc nghe tiếng Anh.
Bên cạnh đó, người học có thể áp dụng các phương pháp khác để nhanh chóng cải thiện khả năng nghe của bản thân, chẳng hạn như nghe và chép chính tả,… Tuy nhiên, người học nên tránh lạm dụng những phương pháp này bởi vì chúng sẽ dễ gây ra cảm giác nhàm chán trong quá trình học, từ đó khiến người học dễ dàng bỏ cuộc trong quá trình rèn luyện kỹ năng Listening.
Kỹ năng Nói
1. Trải nghiệm cá nhân và một số gợi ý
Kỹ năng Speaking thường được đánh giá là kỹ năng mà người học khó có thể đạt được điểm cao hơn so với kỹ năng Reading và Listening.
Một trong những kinh nghiệm làm bài của tác giả đối với phần thi này chính là thí sinh đừng nên chuẩn bị nội dung nói trước một cách quá máy móc. Các giám khảo sẽ có thể dễ dàng nhận ra được việc thí sinh đang đọc lại nội dung đã học thuộc từ trước, và điều này sẽ là một điểm trừ rất lớn trong bài nói của thí sinh.
Bên cạnh đó, một trong những lời khuyên quan trọng chính là thí sinh hãy cố gắng nói một cách rõ ràng, bình tĩnh. Điểm số trong phần thi này sẽ không được đánh giá bởi số lượng từ mà thí sinh có thể nói trong phần thi, mà dựa trên chất lượng của chúng, vì vậy nên hãy cố gắng nói rõ ràng và bình tĩnh nhất có thể.
2. Lời khuyên cho người học trong quá trình học
Kỹ năng Speaking có thể là một trong những kỹ năng khó để thành thạo, bởi lẽ nó không chỉ yêu cầu người học cố gắng luyện tập mà nó cũng cần môi trường để phát triển. Kỹ năng này chỉ có thể phát triển thông qua việc nói sai và sửa sai một cách liên tục. Vì vậy, cách tốt nhất để phát triển kỹ năng này là người học hãy kiếm cho mình một người đồng hành để có thể luyện tập mỗi ngày.
Tuy nhiên, nhiều người học thường trong hoàn cảnh khó có thể tìm kiếm được những người đồng hành trong quá trình luyện tập. Trong tình huống này, người học vẫn có thể cải thiện phần nào khả năng nói của bản thân thông qua việc học và thành thạo bảng IPA, đồng thời áp dụng các phương pháp như nói nhại, tập nói trước gương,…
Kỹ năng Viết
1. Trải nghiệm cá nhân và một số gợi ý
Kỹ năng viết cũng là một kỹ năng khó có thể đạt được điểm cao. Vì thế, để đạt được điểm cao trong phần thi này đòi hỏi thí sinh phải dành nhiều thời gian cho việc luyện tập cũng như hiểu rõ cấu trúc của bài thi.
Một trong những kinh nghiệm làm bài của tác giả đối với phần thi này chính là thí sinh nên tập cho bản thân thói quen lên dàn ý cho mỗi bài viết trước khi bắt đầu hoàn thành bài viết. Bằng việc này, thí sinh có thể dễ dàng đảm bảo tính liên kết của bài viết, đồng thời tránh việc bị lụng túng, thiếu ý trong quá trình triển khai bài viết.
Bên cạnh đó, việc phân bổ thời gian cũng vô cùng quan trọng trong phần thi này. Phần thi Writing bao gồm hai bài thi Task 1 và Task 2, trong đó Task 2 sẽ chiếm số điểm cao hơn. Vì vậy, thí sinh nên phân bổ thời gian một cách hợp lý để tránh việc không kịp hoàn thành Task 2, từ đó mất nhiều điểm một cách đáng tiếc.
2. Lời khuyên cho người học trong quá trình học
Kỹ năng Writing cũng là một kỹ năng khó có thể thành thạo, đòi hỏi người học phải luyện tập mỗi ngày. Người học có thể bắt đầu ôn luyện kỹ năng này thông qua việc ghi chú hằng ngày bằng tiếng Anh, hoặc tập viết nhật ký bằng tiếng Anh,…
Bên cạnh đó, để phát triển kỹ năng này, người học cũng phải hiểu rõ được cấu trúc bài thi và phong cách viết văn bằng tiếng Anh. Cách tốt nhất để có thể làm được điều này chính là người học hãy dành thời gian đọc và phân tích các bài viết đạt điểm cao, từ đó học tập từ chính những bài viết này.
Câu hỏi phổ biến
1. IELTS 8.5 có cao không?
IELTS 8.5 là số điểm gần như tuyệt đối trong bài thi IELTS. Vì thế, đây là một số điểm rất cao, thể hiện mức độ sử dụng tiếng Anh vô cùng thành thạo của thí sinh trong cả cuộc sống hằng ngày, trong công việc cũng như trong môi trường học thuật.
2. IELTS 8.5 tương đương với trình độ nào?
Theo IELTS.org, IELTS 8.5 tương đương với trình độ tiếng Anh C2 theo khung CERF (The Common European Framework of Reference for Languages).
3. IELTS 8.5 cần bao nhiêu từ vựng?
IELTS là bài thi đánh giá khả năng sử dụng tiếng Anh của thí sinh một cách toàn diện. Vì thế, điểm thi IELTS không được đánh giá chỉ phụ thuộc vào số lượng từ vựng của thí sinh mà còn dựa trên nhiều yếu tố khác như khả năng phát âm (Pronunciation), trình độ ngữ pháp (Grammar), khả năng giải quyết yêu cầu đề bài (Task Achievement),…
Tuy nhiên, theo quan điểm của một số chuyên gia, với band điểm IELTS 6.5 sẽ cần khoảng 7.000 từ, trong khi band điểm từ 7.0 - 8.0 sẽ yêu cầu không dưới 9.000 từ.
4. IELTS 8.5 có thể được chấp nhận trực tiếp vào trường đại học nào?
Phần lớn các trường đại học dành một phần chỉ tiêu cho việc xét tuyển bằng điểm thi IELTS. Trong phương thức này, điểm IELTS thường chiếm tỷ trọng lớn, kết hợp với một số điểm khác như điểm trung bình năm lớp 12, điểm trung bình 3 năm cấp 3,… để xét tuyển.
Phương thức xét tuyển bằng IELTS có thể có sự khác biệt tùy từng trường. Tuy nhiên, IELTS 8.5 thường được quy đổi thành 10 điểm trong phương thức này, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh xét tuyển vào các trường hàng đầu như: ĐH Bách Khoa, Trường ĐH Ngoại Thương, Trường ĐH Khoa Học Tự Nhiên, ĐH kinh tế Quốc Dân,…