Lợi nhuận không đủ hấp dẫn?
Trước đây, Sony đã tiến hành đấu thầu để tìm đối tác phát triển và gia công chip xử lý cho PlayStation 6, với sự tham gia của nhiều nhà thầu, bao gồm Intel, AMD, và cả Broadcom. Tuy nhiên, Broadcom không đáp ứng được yêu cầu chi phí của Sony và đã rút lui. Khi Intel không đạt được thỏa thuận về lợi nhuận trên từng con chip với Sony, chỉ còn lại AMD là ứng viên duy nhất. Theo Reuters, vào năm 2022, Intel và Sony đã có nhiều cuộc đàm phán kéo dài nhiều tháng, với sự tham gia của các CEO Kenichiro Yoshida và Pat Gelsinger cùng nhiều giám đốc và kỹ sư cấp cao từ hai công ty.Sau khi bài viết của Reuters được công bố, người phát ngôn của Intel đã đưa ra tuyên bố chính thức: “Chúng tôi hoàn toàn phản đối các định kiến như vậy, nhưng không thể bình luận về các cuộc thảo luận với đối tác tiềm năng vào thời điểm này. Chúng tôi hiện có một nhóm khách hàng ổn định ở cả hai lĩnh vực sản phẩm thương mại và gia công bán dẫn, và chúng tôi đang tập trung vào việc đổi mới sáng tạo để đáp ứng nhu cầu của họ.”Hỗ trợ tương thích ngược
Hiện tại, các chip xử lý trong máy chơi game PS5 của Sony là sản phẩm của AMD, được thiết kế đặc biệt để đạt hiệu suất theo yêu cầu của Sony. Giống như nhiều công ty lớn khác như Google và Amazon, Sony và AMD không có cơ sở sản xuất chip riêng mà phải dựa vào các nhà máy gia công như TSMC. Chip của PS5 sử dụng kiến trúc CPU Zen 2 và GPU RDNA 2 của AMD. Dự kiến, khi Sony ra mắt PS5 Pro vào tháng 11 tới, SoC mã hiệu Viola sẽ được nâng cấp với GPU dựa trên kiến trúc RDNA 3 mới nhất và thêm nhân NPU XDNA 2 để cải thiện khả năng nâng cấp độ phân giải hình ảnh bằng AI.
Trong hơn một thập kỷ qua, các hãng như Sony và Microsoft đã cố gắng phát triển các chip xử lý cho máy console có khả năng tương thích ngược, giúp người dùng có thể chơi các game của thế hệ trước, như PS5 có thể chơi game PS4. Nếu PS6 sử dụng chip xử lý của Intel, Sony có thể gặp khó khăn trong việc duy trì tính năng tương thích ngược với các game của PS4 và PS5 do sự khác biệt về kiến trúc chip. Theo nguồn tin từ Reuters, vấn đề tương thích ngược cũng là một chủ đề quan trọng trong các cuộc đàm phán giữa Intel và Sony vào năm 2022.
Hướng tới khách hàng hàng đầu
Sau khi bị bỏ lại phía sau trong cơn sốt AI tạo sinh – điều đã giúp Nvidia chiếm ưu thế và giúp AMD ghi nhận doanh thu kỷ lục gần đây, Intel đã công bố một báo cáo tài chính quý không thể tệ hơn, gần như chỉ có thể được mô tả bằng từ ‘thảm họa.’ Họ sau đó công bố kế hoạch cắt giảm cả chi phí đầu tư và 15% nhân sự toàn cầu, đồng thời đưa ra chiến lược để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại. Thậm chí, các dự án quan trọng như xây dựng các fab gia công bán dẫn và các khoản đầu tư lớn cho việc phát triển Intel Foundry Services (IFS) nhằm cạnh tranh với TSMC và Samsung Foundry cũng nằm trong kế hoạch kinh doanh của CEO Pat Gelsinger.
Sự từ chức bất ngờ của ông Lip-Bu Tan, một thành viên cấp cao trong ban giám đốc Intel, do bất đồng về định hướng tương lai của tập đoàn, đã càng làm gia tăng khó khăn cho kế hoạch của ông Gelsinger.
Vào đầu tháng này, đã có thông tin rằng Intel đang lên kế hoạch tái cấu trúc và định hướng lại toàn tập đoàn. Các biện pháp này bao gồm việc hoãn tiến độ hoàn thiện xây dựng fab tại Đức và phân tách rõ ràng giữa mảng chip thương mại và mảng gia công bán dẫn.
Kể từ khi Intel công bố tiến trình 18A bắt đầu được sản xuất thương mại, chưa có đối tác chính thức nào được công bố. Hiện tại, các thử nghiệm vẫn chỉ dừng lại ở việc xác định hiệu năng của các con chip mà IFS gia công. Broadcom là một trong những khách hàng tiềm năng của Intel. Nếu Intel ký được hợp đồng với Sony, họ không chỉ có cơ hội kiếm tiền mà còn có thể vận hành các fab của IFS ít nhất trong 5 năm.
Chiến lược của Intel và AMD
Gần đây, hai bài viết nổi bật đã được mình dịch và chia sẻ, gồm phân tích của Jonathan Goldberg, chuyên gia bán dẫn và sáng lập D2D Advisory, và các tuyên bố của Jack Huynh, phó chủ tịch phụ trách điện toán và xử lý đồ họa của AMD, được công bố tại sự kiện IFA 2024.
Hai bài viết này, cùng với thông tin từ Reuters tối qua, có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về chiến lược của Intel và AMD, cả trong thị trường chip tiêu dùng và gia công bán dẫn.
Đầu tiên là nhận định của Goldberg:
“Việc tách biệt mảng sản phẩm thương mại và gia công bán dẫn của Intel là một ý tưởng tồi. Hiện tại, cả hai mảng này đang hoạt động chặt chẽ với nhau. Chỉ khi nào cả hai mảng hoạt động ổn định, mới có thể xem xét lại ý tưởng này. Intel cần tiếp tục theo chiến lược của CEO Pat Gelsinger, dù nó sẽ khó khăn và tốn kém, nhưng không có lựa chọn tốt hơn.”
Điều trớ trêu là vị thế của Intel vào năm 2024 không giống IBM giữa những năm 2000. Chưa có sản phẩm thương mại nào trên tiến trình 20A hay 18A, ngoài các chip CPU Lunar Lake và sắp tới là Arrow Lake cho máy bàn, đều gắn mác Intel. Trong khi đó, tình hình tài chính của Intel không cho phép họ theo đuổi lợi nhuận trước doanh thu.
Ngược lại, AMD đang nhắm tới thị phần mà họ thiếu, thứ mà Intel và Nvidia hiện đang nắm giữ. Nvidia đang kiểm soát 88% thị trường card đồ họa rời cho máy tính cá nhân, trong khi AMD chỉ chiếm gần 12%. Ở thị trường chip xử lý máy tính, Intel chiếm 6%, còn AMD là 33.6%.
Jack Huynh, phó chủ tịch AMD, cho biết mục tiêu chính của AMD hiện tại là thị phần, không phải cạnh tranh hiệu năng chip đồ họa với Nvidia:
“Tôi đang tập trung vào quy mô thị trường. AMD giờ đã khác. Chúng tôi đã thảo luận nhiều về việc chỉ tập trung vào chip tầm trung như trong PlayStation 5 giá 499 USD. Việc chạy đua hiệu năng có quan trọng không? Điều tôi cần là thị phần tăng, vì chỉ có vậy mới thu hút được các nhà phát triển.”
Mục tiêu của tôi là đạt tới 40-50% thị phần gaming càng sớm càng tốt. Tôi muốn 80% thị phần, vì không muốn AMD chỉ là hãng cho người giàu. Chúng tôi muốn xây dựng hệ máy chơi game cho hàng triệu người dùng.'