IWC thông báo rằng, vật liệu gốm mới này được gọi là Ceralume, và chiếc đồng hồ thử nghiệm duy nhất, Pilot's Watch Chronograph 41, đã tạo ra sự đột phá trong việc chế tác vỏ đồng hồ cơ. Mặc dù vật liệu cơ bản vẫn là ZrO2, nhưng quy trình sản xuất đã được cải thiện. Các kỹ sư của IWC đã kết hợp ZrO2 với bột Super-Luminova, một loại chất liệu dạ quang thường được sử dụng để làm sáng các chỉ số trên mặt đồng hồ trong bóng tối. Việc này đã tạo ra một vỏ đồng đều sáng và đẹp mắt. Mặt khác, vẫn giữ nguyên được độ cứng, độ bền và tính thẩm mỹ của vật liệu gốm ZrO2.
Trong quá trình sản xuất, một vấn đề phát sinh là kích thước của hạt Super-Luminova lớn hơn rất nhiều so với kích thước của hạt ZrO2 trước khi nung thành vỏ đồng hồ gốm. Để giải quyết vấn đề này, IWC đã sử dụng phương pháp nghiền bi động năng cao để làm cho cả hai loại hạt này có kích thước đồng đều, trước khi nung chúng thành vỏ đồng hồ.
Bên trong chiếc IWC Pilot's Chronograph 41 này không có gì khác biệt so với phiên bản trước, ra mắt lần đầu vào năm 2021. Vẫn sử dụng bộ máy cơ lên cót tự động IWC caliber 69385 phát triển trong nhà, với 6 kim và 2 lịch, kim giây ở vị trí phụ ở góc 6 giờ, tần suất hoạt động ở 4Hz, và trữ cót liên tục trong 46 giờ. Kích thước của chiếc đồng hồ không thay đổi nhiều so với phiên bản trước, với vỏ thép, đường kính 41mm, độ dày 14.5mm, và độ dài lug-to-lug 50mm.
Theo IWC, chất liệu này đã được thử nghiệm trong điều kiện ánh sáng yếu và có khả năng tỏa sáng liên tục trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là Super-Luminova cần phải hấp thụ photon từ nguồn sáng bên ngoài để tỏa sáng, và càng tiếp xúc với ánh sáng cường độ cao, thì Super-Luminova sẽ tỏa sáng mạnh và lâu hơn.. Tuy nhiên, IWC không đề cập đến thời gian mà chiếc đồng hồ, bao gồm cả dây đeo và vỏ gốm, cần 'sạc' để có thể tỏa sáng liên tục trong 24 giờ.
Trước đó, đã có một chiếc đồng hồ sử dụng vỏ dạ quang, đó là BR-X5 Green Lum của Bell & Ross. Tuy nhiên, thiết kế case của nó phức tạp hơn, với khung titanium Grade 2 được xử lý DLC, trong khi phần dạ quang là sợi thủy tinh tổng hợp thay vì gốm.
Hiện tại, phiên bản IWC Pilot's Chronograph 41 Ceralume Concept mới chỉ có một chiếc duy nhất đang được Lewis Hamilton sử dụng, chưa có kế hoạch sản xuất hàng loạt. IWC đã thông báo rằng, chất liệu Ceralume sẽ là nền tảng cho các sản phẩm trong tương lai, nhưng thời điểm cụ thể vẫn chưa được công bố chính thức.
Thương hiệu Thụy Sỹ này cũng nổi tiếng với những lần đầu tiên họ đưa ra các ý tưởng và giải pháp mới về vật liệu chế tạo đồng hồ. Năm 1986, IWC đã tung ra chiếc đồng hồ đầu tiên với case làm từ gốm ZrO2 màu đen, chiếc Da Vinci Perpetual Calendar Chronograph. Và chỉ một năm trước đó, IWC đã giới thiệu một mặt số đồng hồ có khả năng tỏa sáng toàn bộ, phối hợp với đội không quân Mỹ Strike Fighter Squadron 41, tạo ra chiếc Pilot's Watch Automatic 41 Black Aces sáng rực trong bóng tối, không chỉ là kim và cọc.
Theo Hodinkee