Kẹo hồ lô truyền thống | |
Loại | Kẹo |
---|---|
Xuất xứ | Trung Quốc |
Vùng hoặc bang | Trung Quốc |
Thành phần chính | Trái cây, đường siro; đôi khi có chocolate, hay mè |
|
Kẹo hồ lô | |||
Phồn thể | 糖葫蘆 | ||
---|---|---|---|
Giản thể | 糖葫芦 | ||
Nghĩa đen | hồ lô đường | ||
| |||
bīngtánghúlu | |||
Phồn thể | 冰糖葫蘆 | ||
Giản thể | 冰糖葫芦 | ||
Nghĩa đen | hồ lô làm kẹo | ||
|
Kẹo hồ lô (giản thể: 糖葫芦, phồn thể: 糖葫蘆, Hán Việt: Đường Hồ lô, pinyin: tánghúlu hay 冰糖葫芦 - Băng Đường Hồ lô, bính âm: bīngtánghúlu,), là một loại kẹo với nguyên liệu chính là trái cây được phủ một lớp đường gắn trên xiên tre dài khoảng 20 cm. Đây là một món ăn Trung Quốc truyền thống có nguồn gốc từ miền Bắc Trung Quốc, nhưng hiện nay nó có mặt ở hầu hết các thành phố ở Trung Quốc như Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải.
Theo truyền thống, trái cây được sử dụng là trái táo gai, nhưng trong thời gian gần đây các người làm kẹo cũng đã sử dụng nhiều loại trái cây khác nhau như cà chua bi, quýt, dâu tây, việt quất, dứa, kiwi, chuối, mận hoặc nho. Kẹo hồ lô thường có lớp đường phủ bên ngoài dạng xi rô, nhưng cũng có các loại kẹo hồ lô với lớp vỏ sôcôla, hoặc mè rắc.
Với người dân Trung Quốc nói chung và người dân Bắc Kinh nói riêng, tuổi thơ của họ gắn liền với vị ngọt của những xiên kẹo hồ lô. Tiếng rao với tiếng xe đạp lóc cóc trên những ngõ nhỏ thâm trầm của Bắc Kinh trong màn sương sớm vẫn còn quẩn quanh vương vất, những xiên kẹo đỏ rung rinh theo sau nhịp guồng xe đã trở thành vẻ đẹp không thể lẫn vào đâu của thành phố này.
Nguồn gốc
Kẹo hồ lô xuất hiện từ thời nhà Tống (960 – 1279). Lúc đó, một phi tần được sủng ái bởi hoàng đế Tống Quang Tông (1147 – 1200) mắc phải căn bệnh nặng. Các thái y không thể giúp gì được. Sau đó, một thầy thuốc dân gian được phép chữa trị.
Phương thuốc chữa trị mà ông đưa ra rất đơn giản nhưng kỳ lạ và độc đáo. Ông bọc những quả táo gai trong nước đường đun nóng, cho Vương phi ăn từ 5 đến 10 viên trước mỗi bữa ăn và nói rằng bệnh tình của Vương phi sẽ hồi phục sau 2 tuần. Phương thuốc này đã có hiệu quả mà không ai ngờ tới, kể cả nhà vua, quan lại và các thái y trong triều.
Phương thuốc này nhanh chóng được lan truyền rộng rãi trong dân gian với cái tên kẹo hồ lô. Nó trở thành một món ăn tốt cho sức khỏe. Ban đầu, kẹo hồ lô chỉ gồm 2 quả táo gai, một trái nhỏ ở trên và một trái to ở dưới giống như những trái bầu hồ lô.
Dù ngày nay hầu hết những viên kẹo có từ tám đến mười viên một lần, người Trung Quốc vẫn giữ nguyên cái tên truyền thống kẹo hồ lô của mình.
Phương pháp làm
Nguyên liệu
- Mận (Có thể dùng các loại trái cây khác)
- 200 ml nước
- 200 gram đường phèn
- Đậu phộng hoặc hạt điều rang giã nhỏ
Dụng cụ
- Xiên tre, nồi lớn
Chế biến
- Mận sau khi rửa sạch, ngâm với nước muối và để khô
- Cẩn thận dùng đầu dao nhỏ để khoét hạt ra từng trái mận. Nếu không, bạn có thể cắt mỗi trái làm hai theo chiều ngang để lấy hạt cũng được
- Xiên từng trái mận vào que tre khoảng 4 đến 5 trái
- Bắc nồi lên bếp đun sôi nước và đường phèn. Ban đầu nước đường sẽ xuất hiện những bọt lớn, sau đó sẽ cạn dần và siro sẽ đặc lại, lúc đó nhúng từng que tre mận vào nồi hoặc dùng cọ để thoa nước đường lên trái mận.
- Rắc một ít đậu phộng hoặc mè rang lên que kẹo để làm cho nó hấp dẫn hơn
Kẹo hồ lô trong nghệ thuật
Kẹo hồ lô cũng xuất hiện nhiều trong các tác phẩm nghệ thuật của người Trung Quốc. Có một nhạc sĩ đã sáng tác bài hát về những viên kẹo hồ lô ngọt ngào. Có một bộ phim truyền hình dài tập có tên là Kẹo hồ lô do nữ diễn viên nổi tiếng Từ Cầm Ca Oa đóng vai chính. Sự xuất hiện của kẹo hồ lô trong nhiều bộ phim cổ trang Trung Quốc càng nâng cao vị thế đặc biệt của nó trong văn hóa truyền thống của người Trung Hoa. Những du khách nước ngoài đến Trung Quốc cũng muốn thử món kẹo đẹp đẽ này với một cảm giác thích thú đặc biệt.