1. Khái niệm của bài văn tường thuật về một hoạt động xã hội
Bài văn tường thuật về một hoạt động xã hội thuộc loại văn bản tự sự. Trong bài văn đó, người viết kể lại các sự việc của hoạt động xã hội mà mình đã tham gia, có kết hợp với yếu tố miêu tả, biểu cảm hoặc cả hai yếu tố này để tăng sự sinh động cho bài viết.
Chuyến thăm bệnh nhi tại Bệnh viện Ung bướu
Tôi thường nghi ngờ: liệu phép màu có tồn tại trên đời không? Nếu thực sự có phép màu, tại sao cuộc sống vẫn còn biết bao nhiêu mảnh đời bất hạnh? Và tôi đã tìm thấy câu trả lời về sự tồn tại của phép màu trong chuyến thăm bệnh nhi ung thư nhân ngày hội “Ước mơ của Thúy”.
Ngày hội “Ước mơ của Thúy” là một sự kiện thường niên do Thành Đoàn tổ chức nhằm giúp đỡ và mang lại niềm vui cho các bệnh nhân ung thư. Để hưởng ứng tinh thần ấy, trường cấp hai của tôi đã tổ chức chuyến thăm bệnh nhi tại Bệnh viện Ung bướu.
Bảy giờ sáng, chúng tôi xuất phát, nửa tiếng sau đã có mặt tại địa điểm. Bệnh viện Ung bướu có một khuôn viên rộng lớn với các dãy nhà được bố trí thành các khoa bệnh chuyên biệt. Nhóm của tôi được phân công đến thăm một phòng của Khoa Nhi, ở đó có tám em đang điều trị. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi bước vào căn phòng là những bức tranh đầy sắc màu treo trên tường. Có bức vẽ cảnh một cô giáo đứng trên bục giảng, có bức vẽ một phi hành gia đang bay ra ngoài vũ trụ, tất cả đều thể hiện ước mơ của các em. Những bức tranh ấy cho thấy các em vẫn luôn kiên cường, lạc quan dù bệnh tật giác nặng. Trước mắt tôi là những em nhỏ khoảng năm, sáu tuổi, dưới lớp quần áo là những thân gầy yếu vì căn bệnh quái ác. Cảnh tượng ấy khiến cho bất kỳ ai trong chúng tôi đều cảm thấy xoát xa. Chúng tôi cùng chơi với các em. Chúng tôi hỏi: “Các em mong muốn điều gì nhất?”.
Có em khẽ đáp: “Em muốn có một chú gấu bông làm bạn, như vậy em sẽ không còn sợ hãi nữa”.
Em khác biệt khi nói: “Em muốn được đi học…”
Trái tim tôi như co bóp lại, bởi những điều tưởng như đơn giản với bao người thì với các em lại trở nên xa xôi đến thế…
Khoảng chín giờ, nhóm tôi họp mặt với cả đoàn để gặp lại tất cả bệnh nhi. Trong không gian ấy, chúng tôi và các em ngồi thành vòng tròn, cùng ca hát, vui đùa. Giây phút đó, niềm vui như kéo dài bất tận khiến lòng người càng thêm ấm áp. Chúng tôi tặng quà cho các em. Những món quà đơn giản như bộ quần áo, một cuốn sách, một món đồ chơi, đó là tấm lòng của thầy trò trường chúng tôi gửi đến các em.
Sau chuyến đi, tôi đã tìm thấy câu trả lời cho sự tồn tại của phép mầu, đó chính là sức mạnh của tình người. Bởi nơi nào tồn tại tình yêu thương và sẻ chia, nơi đó phép mầu sẽ xuất hiện, giúp đỡ và an ủi những mảnh đời bất hạnh. Qua hoạt động, chúng tôi cũng đã nhận được những món quà tinh thần quý giá từ các em: bài học sâu sắc về giá trị của sự sống, biết trân trọng cuộc sống mình đang có.