Để nhận định một người có năng lực tài chính ổn định thực sự so với một người chỉ có vẻ bề ngoài hào nhoáng, chúng ta cần xem xét việc người đó thanh toán hóa đơn hàng tháng như thế nào, các khoản chi phí định kỳ, khoản vay dài hạn để đầu tư cho công việc và học tập. Tương tự trong đầu tư, hệ số thanh toán sẽ là một công cụ quan trọng giúp chúng ta theo dõi sức khỏe tài chính của doanh nghiệp.
Tất cả nhà đầu tư đều muốn chọn những doanh nghiệp có năng lực tài chính ổn định để mua cổ phiếu, vì năng lực tài chính là một trong những yếu tố quan trọng khi phân tích doanh nghiệp. Trong đó, hệ số thanh toán là một chỉ số tài chính giúp nhà đầu tư đánh giá mức độ tin cậy của doanh nghiệp.
Qua bài viết này, các nhà đầu tư mới có thể sử dụng chỉ số này như một công cụ quan trọng để đánh giá năng lực tài chính của doanh nghiệp mà họ quan tâm.
Hệ số thanh toán (Liquidity Ratio) là gì?
Hệ số thanh toán là khả năng chuyển đổi tài sản thành tiền mặt để thanh toán các nợ của doanh nghiệp. Hệ số thanh toán cao thể hiện rằng doanh nghiệp có khả năng thanh toán các nợ đúng hạn mà không gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
Các chỉ số thanh toán của doanh nghiệp?
Tương ứng với Nợ ngắn hạn và Nợ dài hạn mà chúng ta đã thảo luận trong bài viết trước đó, Hệ số thanh toán được chia thành nhiều hạng mục khác nhau với các đặc điểm riêng biệt, mang theo những thông điệp khác nhau.
Loại hệ số thanh toán | Cách tính | Ý nghĩa |
Hệ số thanh toán hiện hành /ngắn hạn (Current Ratio)
| = Tài sản ngắn hạn/Nợ ngắn hạn. (Tài sản ngắn hạn là tài sản có tính thanh khoản cao, có thể chuyển ngay thành tiền mặt). | Dùng để đánh giá khả năng thanh toán ngắn hạn (thường hạn trả là 1 năm). Hệ số này tuy còn phụ thuộc vào ngành nghề kinh doanh và thường dao động từ 0,5-1. Tuy nhiên nếu chỉ số này <1 hoặc quá thấp thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ. Ngược lại, nếu chỉ số này quá cao thì có thể công ty đang sử dụng tài sản ngắn hạn hoặc nợ phải trả không hiệu quả. |
Hệ số thanh toán nhanh/tức thời (Cash Ratio) | (Tài sản ngắn hạn - Hàng tồn kho)/ Nợ ngắn hạn | Hệ số thanh toán nhanh cũng gần tương tự như Hệ số thanh toán hiện hành, điểm khác biệt duy nhất là trong tỷ số này, hàng tồn kho sẽ bị loại bỏ (lý do là hàng tồn kho là tài sản mang tính thanh khoản thấp). |
Hệ số thanh toán lãi vay (Interest Coverage Ratio) | Lợi nhuận trước thuế (EBIT) + Lãi vay/Lãi vay | Hệ số thanh toán lãi vay là chỉ số cho biết khả năng trả lãi nợ vay của doanh nghiệp. Hệ số <1 cho thấy doanh nghiệp không tạo ra đủ thu nhập để trả các chi phí lãi vay, đây là thường là các doanh nghiệp sẽ gặp rủi ro lớn tài chính có thể dẫn tới khả năng phá sản. |
Hệ số thanh toán tổng quát | Tổng tài sản/Nợ phải trả | Tính hệ số thanh toán tổng quát sẽ giúp nhà đầu tư đánh giá khách quan khả năng thanh toán của một doanh nghiệp. Từ đó, nhà đầu tư sẽ dựa vào tình hình tài chính của doanh nghiệp đó mà có thể quyết định cho vay, đầu tư hoặc đưa ra những phương án quản trị thích hợp nhất. |
Hệ số thanh toán nợ dài hạn | Tổng tài sản cố định/Nợ dài hạn | Nợ dài hạn là những khoản nợ có thời gian đáo hạn trên 1 năm, doanh nghiệp đi vay dài hạn để đầu tư vào tài sản cố định. Nguồn để trả nợ dài hạn chính là tổng giá trị tài sản cố định của doanh nghiệp được hình thành từ vốn vay chưa được thu hồi. Vì vậy, người ta thường so sánh giá trị còn lại của tài sản cố định hình thành từ vốn vay với số dư dài hạn để xác định khả năng thanh toán nợ dài hạn. Chỉ số này < 1 hoặc = 1 được coi là tốt vì khi đó khoản nợ dài hạn của doanh nghiệp luôn được đảm bảo bằng tài sản cố định. Chỉ số này > 1 phản ánh tình trạng không tốt về khả năng thanh toán nợ dài hạn của doanh nghiệp. |
Một số điểm cần lưu ý khi sử dụng hệ số thanh toán để phân tích doanh nghiệp?
Sau khi hiểu ý nghĩa, nhà đầu tư cần dùng chỉ số như công cụ phân tích.
- Cách thứ nhất so sánh hệ số thanh toán của doanh nghiệp qua các năm để xác định xu hướng biến động là kém hay tốt dần
- Cách thứ hai so sánh hệ số thanh toán của doanh nghiệp này với các doanh nghiệp khác cùng quy mô và lĩnh vực hoạt động để đầu tư vào doanh nghiệp có cơ cấu vốn an toàn, khả năng trả nợ tốt.
Kết luận, doanh nghiệp muốn tồn tại phải đáp ứng nghĩa vụ thanh toán đến hạn, sau đó mới kiểm tra lợi nhuận. Để phân tích, so sánh hệ số thanh toán của doanh nghiệp qua các năm và với các doanh nghiệp khác cùng quy mô và lĩnh vực hoạt động.
Bài viết tương tự:
- Vòng quay hàng tồn kho là gì?
- Vòng quay tài sản lưu động là gì?