Khi nhắc đến việc check in ở Hội An, du khách thường nghĩ ngay đến khu phố cổ với những quán xá, cửa hàng nhỏ xinh, những ngôi nhà mái ngói truyền thống và những bức tường màu vàng đặc trưng. Nhưng ngoài ra, vẻ đẹp của Hội An cũng được thể hiện qua những làng nghề truyền thống, đã cùng tồn tại và phát triển với vùng đất này suốt vài trăm năm qua.
- Làng rau Trà Quế
- Làng gốm Thanh Hà
- Làng mộc Kim Bồng
- Làng nghề làm đèn lồng
1. Làng rau Trà Quế
Trong số các làng nghề, làng rau Trà Quế được biết đến sớm nhất, đặc biệt là với khách du lịch nước ngoài. Làng rau Trà Quế cách trung tâm Hội An khoảng 2km, đủ gần để khám phá trong một ngày và đủ xa để tránh sự ồn ào của thành phố.
Nằm giữa dòng sông Đế Võng và đầm rong Trà Quế, đất đai ở làng rau phong phú và màu mỡ. Rong được dân làng thu hoạch để sử dụng làm phân bón, giúp rau trồng tại đây ngon và đặc biệt hơn các nơi khác, tạo nên danh tiếng cho rau Trà Quế.
Trong khu vực Trà Quế, có khoảng 40 loại rau khác nhau, chủ yếu là các loại rau thơm như húng quế, tía tô, rau răm, mùi... Các loại rau này thường có lá nhỏ, được gọi là rau con Trà Quế. Với hương vị đặc trưng của mình, rau Trà Quế đã góp phần làm nên hương vị đặc sắc của các món ăn Hội An như cao lầu, hến trộn...
Nguồn: colorme_manus
Khi ghé thăm Trà Quế, bạn có thể tham gia các tour trải nghiệm trồng rau cùng với người dân địa phương. Trong tour này, bạn sẽ được học cách trồng và chăm sóc rau như một người nông dân thực thụ. Sau đó, bạn sẽ có cơ hội thưởng thức các món ăn chế biến từ rau tươi ngon ngay tại vườn. Đừng quên ghi lại khoảnh khắc check-in tại Hội An với bức ảnh nền làng quê yên bình và xanh mướt của Trà Quế nhé.
Nguồn: traqueherbgarden
- Địa chỉ: Thôn Trà Quế, xã Cẩm Hà, TP. Hội An
- Cách di chuyển: Đến làng rau Trà Quế có thể theo 2 cách tùy vào điểm xuất phát:
- Từ Đà Nẵng: Bạn đi qua đường Sơn Trà - Điện Ngọc về hướng Hội An, sau đó đi khoảng 20km đến ngã ba rẽ vào đô thị cổ Hội An và đi thêm khoảng 500m nữa sẽ thấy cổng chào vào làng.
- Từ Hội An: Bạn đi theo hướng đường Hai Bà Trưng ra Đà Nẵng, tiếp tục đi thẳng trên con đường nhựa hai bên là ruộng lúa khoảng 3km, sau đó sẽ thấy làng rau Trà Quế bên tay phải.
- Giá tour tham quan: Khoảng 200.000 - 300.000 VND/ khách
- Lưu ý: Vì thời tiết ở Hội An thường nắng nóng, nên bạn nên mang kem chống nắng, quần áo dài tay hoặc chống nắng và nón để có trải nghiệm tốt hơn khi thăm làng rau Trà Quế.
2. Làng gốm Thanh Hà
Làng gốm Thanh Hà cách trung tâm Hội An khoảng 3km, nằm bên bờ sông Thu Bồn yên bình. Đây là địa điểm lý tưởng cho những ai muốn tìm kiếm sự giản dị của cuộc sống quê hương hoặc chiêm ngưỡng nghệ thuật làm gốm tài ba của người dân làng.
Làng gốm Thanh Hà đã có mặt từ cuối thế kỷ 15 - đầu thế kỷ 16 và được xem là một trong những làng gốm lớn nhất. Dân cư ở đây đến từ các vùng miền Bắc như Thanh Hoá, Nam Định, Hải Dương và đã tiếp tục truyền thống làm gốm và gạch ngói từ thời ông bà.
Nguồn: jinxtjx
Gốm Thanh Hà được chế tạo từ loại đất sét màu nâu, đặc, dẻo và có độ kết dính cao. Vì vậy, khi bạn đi dọc phố cổ Hội An, bạn sẽ thấy kiến trúc chủ yếu là màu nâu, vàng, đỏ thẫm… Đó là màu của đất, gỗ và cũng là màu của mái ngói được làm từ gốm.
Khi ghé thăm làng gốm Thanh Hà, bạn có thể quan sát quá trình tạo ra các sản phẩm gốm hoặc thậm chí tự tay làm một món đồ gốm nhỏ dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân làng.
Đừng quên ghé công viên đất nung Thanh Hà để chụp những bức ảnh check-in Hội An có nhiều lượt thích và tìm hiểu về lịch sử nghề gốm tại không gian bảo tàng ở đây. Cùng với đó, những món quà lưu niệm làm từ gốm như ly, chén, tò he, các mô hình mini tái hiện món ăn đặc sản Hội An luôn được du khách ưa chuộng mua về làm quà.
Nguồn: charlieyaa
- Địa chỉ: Phạm Phán, khối phố 5, phường Thanh Hà, TP. Hội An
- Cách di chuyển: Từ phố cổ Hội An, đi về hướng Vĩnh Điện theo đường Duy Tân, bạn sẽ thấy bảng chỉ dẫn đến làng gốm.
- Giờ mở cửa: 8:30 - 17:30
- Giá vé: 15.000-30.000 VND/ khách, bao gồm hoạt động xem nghệ nhân làm gốm, tham quan di tích tổ nghề gốm Miếu Nam Diêu, di tích Đình Xuân Mỹ, tham gia chuốt gốm và nặn hình con thú từ đất sét.
- Lưu ý: Nếu bạn đến từ 8 người trở lên, bạn có thể liên hệ để được hướng dẫn miễn phí tại phòng vé.
3. Làng mộc Kim Bồng
Nằm bên bờ sông Hoài, đối diện với phố cổ Hội An là làng mộc Kim Bồng - nơi mang không khí yên bình khác biệt so với sự tấp nập của trung tâm. Từ phố cổ, chỉ cần băng qua cây cầu Cẩm Kim, đi theo bảng hướng dẫn khoảng 3km là đến làng mộc. Với vị trí gần và dễ di chuyển, đây là điểm check-in phổ biến ở Hội An.
Nguồn: lendang.vn
Nghề mộc tại Kim Bồng đã có từ thế kỷ 15, khi người dân từ vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh di cư đến vùng đất Cẩm Kim, Hội An. Trải qua thời kỳ phồn thịnh của hải cảng Hội An vào thế kỷ 17 và 18, nghệ nhân mộc làng Kim Bồng phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, với sự phát triển của du lịch, nghề mộc tại làng Kim Bồng còn sản xuất các sản phẩm mộc mỹ nghệ và tham gia trùng tu các di tích lịch sử ở phố cổ.
Khi đến làng mộc Kim Bồng, bạn có thể quan sát quá trình làm ra các sản phẩm mộc, để hiểu rõ hơn về ngành nghề này. Làng mộc này, với tuổi đời hơn 500 năm, vẫn giữ được bản sắc yên bình, mộc mạc của một làng quê. Đây là điểm check-in ở Hội An không thể bỏ qua, nơi mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hoá địa phương.
- Địa chỉ: Đường Nông Thôn, thôn Trung Hà, xã Cẩm Kim, TP. Hội An
- Giờ tham quan: 07:00 - 17:00
- Hướng dẫn di chuyển: Từ phố cổ Hội An, có 2 cách để đến làng mộc Kim Bồng:
- Bằng đò: Từ bến đò phố cổ đi về phía Nam, đoạn đường Bạch Đằng ven sông rồi đi tuyến đò Hội An – Cẩm Kim. Khi đò đã tới bến, bạn đi bộ thêm đoạn ngắn
- Bằng xe máy hoặc xe đạp: Từ hướng phố cổ băng qua cầu Cẩm Kim dài khoảng 600m, sau đó đi tiếp theo chỉ dẫn thêm 3km là đến nơi
4. Làng nghề làm đèn lồng
Nhắc đến Hội An về đêm, mọi người sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh khu phố cổ được thắp sáng lung linh bằng những ngọn đèn lồng đủ màu sắc, tạo nên khung cảnh nên thơ đáng nhớ. Để quảng bá và tạo thương hiệu cho phố cổ Hội An, nhiều cơ sở đèn lồng có xưởng sản xuất ngay tại khu vực này, dễ dàng cho du khách tham quan và mua sắm.
Nguồn: unsplash
Đèn lồng phố Hội là biểu tượng của văn hoá Việt - Hoa - Nhật tại thị trấn thương mại này từ hơn 400 năm trước. Được cho là do những người Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông mang theo khi đến đây sinh sống và kinh doanh, đèn lồng không chỉ là biểu tượng của sự kết hợp văn hoá mà còn là dấu ấn của những di cư và hòa nhập văn hóa.
Một số xưởng sản xuất đèn lồng nổi tiếng như Hà Linh và Huỳnh Văn Ba, tại các điểm tham quan phổ biến ở Hội An, có cơ sở ngay tại khu vực phố cổ. Bạn có thể ghé qua đây để trải nghiệm làm đèn lồng hoặc mua vài chiếc làm quà lưu niệm.
Nguồn: sưu tầm
- Địa chỉ:
- Xưởng sản xuất đèn lồng Hà Linh: 72 Trần Nhân Tông, phường Cẩm Châu, TP. Hội An
- Xưởng sản xuất đèn lồng Huỳnh Văn Ba: 15A Phan Đình Phùng, phường Cẩm Sơn, TP. Hội An
- Giá vé: 100.000 VND/ người, bao gồm một suất tham gia làm đèn lồng. Du khách có thể mang về chiếc đèn lồng thành phẩm của mình như một món quà kỷ niệm.