Chiếc ngà được xem như 'hồ sơ' ghi lại mọi diễn biến trong cuộc sống của loài voi.
Các nhà khoa học tại Đại học Michigan phát hiện quá trình di cư hàng năm mà một con voi răng mấu thường thực hiện trước khi qua đời ở tuổi 34, cách đây 13.200 năm.
Loài voi răng mấu là sinh vật ăn cỏ sống thành bầy ở Bắc và Trung Mỹ trước khi chúng tuyệt chủng khoảng 10.000-11.000 năm trước. Chúng thường cao từ 2,5 - 3 m và nặng từ 3.600-5.400 kg.
Vào năm 1998, cặp đôi Kent và Janne Buesching phát hiện một hóa thạch voi răng mấu khi khai thác than bùn gần Fort Wayne, Indiana.
Hóa thạch được gọi là Buesching mastodon, với lỗ thủng ở hộp sọ có khả năng do ngà của voi răng mấu đực khác gây ra trong mùa giao phối.
Daniel Fisher, giáo sư cổ sinh vật học tại Đại học Michigan, đã giúp khai quật và nghiên cứu hóa thạch của voi răng mấu Buesching.
Nhóm nghiên cứu đã cắt một đoạn từ chiếc ngà dài hơn 3 m của con voi răng mấu Buesching để tìm hiểu thêm về sinh vật này.
Theo Fisher, ngà của loài voi là như một bản ghi chép về sự phát triển của chúng, lưu giữ từ khi chúng sinh ra đến khi qua đời.
Các nhà nghiên cứu đã theo dõi tỷ lệ đồng vị stronti trong ngà để xác định các khu vực mà voi răng mấu đã di chuyển đến.
Dữ liệu đồng vị được sử dụng để ước tính quãng đường mà con vật đã di chuyển và xác định nơi sinh sống của chúng.
Đông Bắc Indiana có thể là nơi mà voi răng mấu thích giao phối, và chúng có thể thừa hưởng các đặc điểm từ một tổ tiên chung.