Du lịch Cần Thơ không thể không ghé thăm chợ nổi Cái Răng, nơi phản ánh rõ nét văn hóa và sự thân thiện của người dân miền Tây. Tại đây, bạn có thể mua sắm trái cây, thưởng thức hủ tiếu trên thuyền hoặc thưởng thức cà phê từ chiếc ghe bên bờ sông.
Hình ảnh họp chợ trên dòng sông mang đến trải nghiệm mới lạ cho du khách khi đến thăm chợ nổi Cái Răng. (Nguồn: unsplash)
1. Chợ nổi Cái Răng nằm ở đâu?
Chợ nổi Cái Răng nằm tại sông Cần Thơ, gần ngã ba của sông Cái Răng và sông Hậu, gần cầu Cái Răng. Chợ được thành lập vào thế kỷ XX khi giao thông đường bộ ở miền Tây chưa phát triển, và đường thủy là phương tiện chính để vận chuyển hàng hóa.
Chợ trên sông là nơi mua bán hàng ngày của người dân miền Tây, trong đó chợ Cái Răng chủ yếu bán trái cây và rau củ đặc sản. Hoạt động buôn bán thường diễn ra sôi động vào buổi sáng.
Ngày nay, với sự phát triển của giao thông đường bộ, chợ nổi Cái Răng đã chuyển từ chợ đầu mối sang chợ bán lẻ, phục vụ nhiều đối tượng hơn, đặc biệt là du khách.
Các mặt hàng bày bán tại chợ đã trở nên đa dạng hơn, bao gồm cả thức ăn sáng, cà phê, hàng tiêu dùng và quà lưu niệm, để đáp ứng nhu cầu của du khách.
Chợ nổi Cái Răng nằm gần cầu Cái Răng. Du khách có thể dễ dàng nhận ra chợ khi nhìn thấy bảng chữ trên cầu.
2. Thời gian lý tưởng để khám phá chợ nổi Cái Răng
2.1 Khi nào là thời điểm tốt nhất để đến chợ nổi Cái Răng?
Chợ nổi luôn đẹp và hấp dẫn vào mọi mùa. Nếu bạn muốn thưởng thức trái cây, tháng 6 đến tháng 8 là thời điểm lý tưởng vì lúc này có nhiều loại trái cây như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, bòn bon, bưởi da xanh…
Mùa nước nổi từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch là thời gian tuyệt vời để thưởng thức các món đặc sản như cá linh, cua đồng, bông súng, bông điên điển…
2.2 Khi nào nên đi chợ nổi Cái Răng?
Khoảng 04:00 - 05:00 sáng là thời điểm lý tưởng để bắt đầu hành trình đến chợ nổi Cái Răng. Lúc đó, bạn sẽ đến chợ vào khoảng 06:00, được thưởng thức cảnh bình minh và ngắm nhìn không khí sôi động của buổi họp chợ sáng.
3. Giá vé tham quan chợ nổi Cái Răng
Nhờ sự phát triển của du lịch Cần Thơ, hiện nay có nhiều tour và cách tự túc để khám phá chợ nổi. Nếu bạn đi từ 5-7 người thì có thể tham gia tour ghép đoàn với nhóm du khách khác. Còn nếu bạn đi cùng nhóm khoảng 10 người trở lên thì nên thuê cả tàu để trải nghiệm một cách thoải mái và linh hoạt trong lịch trình tham quan.
- Giá vé tour ghép đoàn: Từ 100.000-140.000 VND/người.
- Giá thuê cả tàu: Từ 500.000 - 700.000 VND/tàu (10-25 người).
- Giá thuê tàu tham quan chợ nổi Cái Răng kết hợp với các địa điểm khác trong nửa ngày hoặc 5 tiếng: Từ 950.000 - 1.650.000 VND/tàu (10-25 người).
Tại bến Ninh Kiều là nơi tập trung các thuyền, tour du lịch đi chợ nổi Cái Răng. Chỉ cần đến đây để bắt đầu hành trình, sau 30 phút di chuyển bằng thuyền là bạn sẽ đến được chợ nổi.
Bạn có thể đặt tour hoặc thuê tàu ngay tại bến Ninh Kiều. (Nguồn: sưu tầm)
4. Các hoạt động tại chợ nổi Cái Răng
Một trong những tour tham quan chợ nổi Cái Răng được nhiều du khách lựa chọn kéo dài từ 4-5 tiếng, bao gồm các điểm đến như bến Ninh Kiều - chợ nổi Cái Răng - vườn trái cây - xưởng kẹo dừa - lò hủ tiếu truyền thống.
4.1 Khám phá chợ nổi Cái Răng: hiểu về '4 treo', 'cây bẹo' và chợ ẩm thực trên sông
Hình ảnh hàng chục chiếc ghe neo đậu san sát nhau trên sông Cần Thơ buôn bán tấp nập là biểu tượng của du lịch Cần Thơ. Chợ nổi Cái Răng là biểu tượng của nền văn hóa, nếp sống miền sông nước.
Vì có nhiều loại hàng hóa khác nhau, người bán thường treo một cây sào cao 3-5m trên ghe, được gọi là “cây bẹo”, để treo lên đó hàng hóa để khách hàng dễ dàng nhận biết.
Hình ảnh cây bẹo treo đầy hàng trên các ghe buôn bán. (Nguồn: sưu tầm)
- “Treo gì bán nấy”: Thường những ghe bán trái cây sẽ treo chùm chôm chôm nhỏ hay vài trái măng cụt. Ghe bán nguyên liệu nấu ăn thường treo củ hành, cà rốt, hành tím…
- “Treo mà không bán”: Ở miền Tây, ghe không chỉ là phương tiện di chuyển, buôn bán mà còn là nơi sinh sống. Một số gia đình sinh sống ngay trên ghe sẽ treo quần áo trẻ con hoặc vật dụng sinh hoạt như ca nước lên cây bẹo.
- “Không treo mà bán”: Chợ nổi Cái Răng thường có những ghe chuyên bán đồ ăn, thức uống để phục vụ dân buôn và khách du lịch. Đó là những ghe bán hủ tiếu, bún riêu hay cà phê, nước giải khát với nồi nước lèo bốc khói nghi ngút và các thau nguyên liệu tươi ngon.
- “Treo cái này nhưng bán cái khác”: Đây có lẽ là trường hợp hiếm gặp nhất trong “4 treo”. Chủ ghe khi muốn rao bán chiếc ghe của mình sẽ treo tấm lá lợp nhà hoặc tàu lá dừa lên cây bẹo để thông báo.
Đi vào mùa hè, bạn sẽ thấy nhiều cây trĩu quả. (Nguồn: sưu tầm)
4.3 Tham quan lò kẹo dừa Quê Tôi
Địa điểm tiếp theo trong hành trình khám phá chợ nổi Cái Răng là lò kẹo dừa Quê Tôi. Tại đây, du khách sẽ được quan sát các cô chú làm kẹo dừa truyền thống.
Bạn có thể thử một số bước đơn giản như việc gói kẹo, khuấy hỗn hợp làm kẹo, và đặc biệt là đừng quên mang về làm quà cho gia đình nhé!
4.4 Trải nghiệm làm hủ tiếu
Trải nghiệm cuối cùng nhưng cũng không kém phần thú vị là ghé thăm lò hủ tiếu truyền thống. Tại đây, bạn sẽ được tìm hiểu về quá trình làm hủ tiếu thủ công.
Lò hủ tiếu Cần Thơ hiện nay còn giới thiệu các loại hủ tiếu đặc biệt như hủ tiếu gấc, hủ tiếu lá dứa và đặc biệt là hủ tiếu pizza.
Trải nghiệm làm hủ tiếu thủ công. (Nguồn: VnExpress)
4.5 Nghe đờn ca tài tử trên sông
Vào cuối tuần, một chiếc thuyền đờn ca tài tử sẽ lướt trên dòng sông Cần Thơ tại khu vực chợ nổi để biểu diễn văn nghệ cho du khách. Trước khi đi, hãy thông tin với hướng dẫn viên hoặc người quản lý để biết lịch biểu diễn của thuyền đờn ca này.
5. Lưu ý khi khám phá chợ nổi Cái Răng
- Tìm hiểu kỹ về tour chợ nổi Cái Răng trước khi đặt. Cần nắm rõ thông tin về người lái, tàu thuyền, hướng dẫn và lịch trình trước khi khởi hành.
- Luôn đeo áo phao khi đi trên thuyền.
- Hỏi giá trước khi mua. Tuy nhiên, hãy tránh hỏi giá và đàm phán quá nhiều nếu bạn không có ý định mua, đặc biệt là vào buổi sáng sớm.
Chợ nổi Cái Răng là biểu tượng đẹp của du lịch Cần Thơ. (Nguồn: VnExpress)