1. Định nghĩa về khóc dạ đề
Dạ đề theo từ điển Hán Nôm có nghĩa là khóc đêm ở trẻ sơ sinh. Khóc dạ đề (hay hội chứng Colic) được hiểu là tình trạng trẻ khóc liên tục nhiều giờ trong giai đoạn từ 2 đến 15 - 16 tuần tuổi, thường vào buổi chiều tối, tối hoặc đêm.
Nhiều người còn định nghĩa hiện tượng này là trẻ khóc hơn ba giờ trong một ngày, hơn ba ngày trong một tuần và kéo dài hơn 3 tuần trong một tháng đối với trẻ sơ sinh khỏe mạnh.
Khóc dạ đề là hiện tượng trẻ quấy khóc dữ dội suốt nhiều giờ vào mỗi đêm
Theo dân gian, hiện tượng này còn được gọi là khóc dã tràng. Đây là tình trạng trẻ sơ sinh bình thường, khỏe mạnh, khóc rất dữ dội vào một thời điểm nhất định mỗi ngày và kéo dài trong nhiều ngày mà không cách nào dỗ nín. Khi đủ 3 tháng, trẻ sẽ tự ngừng khóc.
2. Nguyên nhân nào gây ra hiện tượng khóc dạ đề ở trẻ?
Trung bình cứ 3 trẻ sinh ra thì có 1 trẻ khóc dạ đề trong 3 tháng đầu đời. Nguyên nhân gây ra hiện tượng này vẫn là một bí ẩn. Cho đến nay, chưa có nhà khoa học nào giải thích được tại sao trẻ sơ sinh lại khóc liên tục nhiều giờ mỗi đêm và cũng chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu nào cho hiện tượng này. Một số giả thuyết từ các chuyên gia đã được đưa ra nhằm giải thích hiện tượng này bao gồm:
Trạng thái tâm lý của mẹ khi mang thai
Giả thuyết được nhiều người đồng tình nhất về nguyên nhân khiến trẻ khóc mỗi đêm là trạng thái tâm lý của mẹ khi mang thai đã ảnh hưởng đến thai nhi. Khi mang thai, mẹ bầu luôn cảm thấy bất an, lo lắng hoặc stress, có thể dẫn đến những thay đổi về tâm lý và thể chất của trẻ trong những ngày đầu sau khi sinh.
Trạng thái tâm lý của mẹ khi mang thai đã ảnh hưởng đến thai nhi
Các kích thích quá mức
Các chuyên gia cho rằng mỗi em bé sơ sinh có một cơ chế bảo vệ đặc biệt để tránh hoặc giảm tiếp nhận các kích thích mạnh từ môi trường như âm thanh, ánh sáng,... Điều này tạo ra cho bé một môi trường tương tự như trong bụng mẹ. Trong quá trình các giác quan hoàn thiện, các kích thích từ bên ngoài có thể tạo áp lực quá tải lên cơ thể bé. Khi đó, việc khóc là cách bé giải tỏa căng thẳng cho đến khi các giác quan thích nghi.
Hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện
Với hệ tiêu hóa non nớt của trẻ sơ sinh, việc tiêu hóa sữa mẹ cũng trở nên rất khó khăn. Sữa mẹ với nguồn dinh dưỡng phong phú và giàu protein có thể khiến đường ruột của bé không xử lý hết. Lượng dưỡng chất dư thừa dẫn đến đầy bụng, khiến bé bị đau và quấy khóc.
Nếu bé khóc kèm theo các dấu hiệu như hay ợ, biếng ăn, không chịu bú mẹ, cảm thấy khó chịu khi bú hoặc sau bú, có thể bé bị trào ngược dạ dày. Điều này dễ xảy ra do cơ co thắt thực quản hoạt động yếu, và đây cũng là một nguyên nhân gây chứng khóc dạ đề ở trẻ.
Trẻ bị đau
Có nhiều nguyên nhân gây đau ở trẻ như đau tai, loét miệng, dị ứng tã lót hoặc do tiếp xúc với da mẹ. Nếu bé của bạn có tâm trạng và sức khỏe ổn định, vui chơi bình thường vào ban ngày nhưng đêm đến lại quấy khóc liên tục, có thể bé bị đau bụng. Đây có thể là phản ứng của trẻ sau một ngày dài bị tác động từ người thân và môi trường. Ngoài ra, trẻ có thể bị mệt do bị lắc mạnh vô ý khi vui đùa hoặc do sự thay đổi đột ngột từ môi trường.
Trẻ bị đau hoặc mệt có thể là nguyên nhân khiến trẻ quấy khóc
Ngoài ra, trẻ sơ sinh khóc dạ đề có thể do tã bị ướt, chật, dị ứng thức ăn qua sữa mẹ, mẹ hút thuốc lá, hoặc có thể bé đang đói hay ngủ chưa đủ giấc.
3. Các bậc cha mẹ nên làm gì khi em bé khóc dạ đề?
Không có phương pháp cụ thể nào để áp dụng khi bé khóc dạ đề. Theo lời khuyên của các chuyên gia, nếu không phải do nguyên nhân bệnh lý, khi trẻ khóc nhưng vẫn bú tốt, không giảm cân, phát triển bình thường, cha mẹ nên bình tĩnh và cố gắng giảm sự khó chịu của trẻ bằng cách:
-
Ôm bé vào lòng hoặc để bé nằm cạnh mẹ, hơi ấm của mẹ sẽ giúp bé cảm thấy an toàn và bớt khóc. Mẹ có thể nhẹ nhàng xoa bóp toàn thân, hát ru hoặc cho bé nghe những giai điệu nhẹ nhàng.
Ôm bé vào lòng để giúp bé cảm thấy an toàn
-
Không ép bé bú nếu bé không muốn.
-
Khi bé đang bú, tránh xa các loại thực phẩm như tỏi, hành, họ cải, súp lơ, cà phê, socola,... vì chúng dễ hấp thụ vào sữa mẹ và gây kích thích đường ruột của trẻ.
-
Nếu mẹ sử dụng bất kỳ thực phẩm chức năng hoặc thảo mộc nào, cần có sự tư vấn của bác sĩ.
-
Theo dõi chặt chẽ chế độ ăn của mẹ khi đang cho con bú.
-
Nếu bé sử dụng sữa công thức, có thể đổi loại sữa khác vì một số loại sữa có thể chứa protein gây dị ứng cho trẻ.
-
Tăng cường vận động có thể giúp bé giải tỏa căng thẳng.
-
Tạo áp lực nhẹ lên bụng bé, có thể dùng bàn tay mẹ hoặc một chiếc chăn mỏng.
-
Không để bé tiếp xúc với khói thuốc lá và những nơi ồn ào.
Đối với những trẻ khỏe mạnh và phát triển bình thường, khóc dạ đề không phải là bệnh lý nên mẹ không cần quá lo lắng. Hãy giữ bình tĩnh, chờ đến khi bé được 3 tháng tuổi, mọi chuyện sẽ ổn. Trừ khi bạn thấy có dấu hiệu bất thường, hãy nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế hoặc nhờ sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.