Các nhà khảo cổ ở Ai Cập đã khai quật một ngôi đền cổ và phát hiện một đường hầm bí mật được xây dựng từ năm 304 TCN đến năm 30 TCN.
Bộ Du lịch và Di sản Ai Cập cho biết, họ đã phát hiện một đường hầm dài 1.305 mét được xây dựng để cung cấp nước cho hàng nghìn người trong thời kỳ đó, được khám phá bởi một nhóm khảo cổ từ Cộng hòa Dominica-Ai Cập.
Các kỹ sư cổ đại Ai Cập đã xây dựng một đường hầm cao 2 mét ở độ sâu khoảng 20 mét dưới mặt đất. Kathleen Martínez, một nhà khảo cổ từ Dominica và là giám đốc của nhóm phát hiện đường hầm, nói: 'Đây là một bản sao chính xác của Đường hầm Eupalinos ở Hy Lạp, được xem là một trong những thành tựu kỹ thuật quan trọng nhất của thời cổ đại. Đường hầm Eupalinos ở Samos, một hòn đảo của Hy Lạp ở phía đông Biển Aegean, cũng đựng nước.'
Việc khai quật đền Taposiris Magna là một công việc vô cùng phức tạp. Nhiều khu vực bị nhấn chìm dưới nước và ngôi đền đã phải chịu nhiều trận động đất suốt lịch sử tồn tại. Đường hầm ở Taposiris Magna được xây dựng từ thời kỳ Ptolemaic (304 TCN đến 30 TCN), thời kỳ Ai Cập được cai trị bởi một triều đại của các vị vua có nguồn gốc từ một trong những tướng lĩnh của Alexander Đại đế.
Martínez cũng cho biết, những phát hiện bên trong đường hầm bao gồm hai bức tượng đầu bằng thạch cao: một trong số đó có thể mô tả một vị vua, và cái còn lại tượng trưng cho một người cấp cao khác. Danh tính chính xác của họ vẫn chưa được biết. Martinez cũng tiết lộ rằng, tiền xu và phần còn lại của các bức tượng của các vị thần Ai Cập cũng được tìm thấy trong đường hầm.
Vào thời điểm đường hầm được xây dựng, Taposiris Magna có dân số từ 15.000 đến 20.000 người. Đường hầm được xây dựng dưới một ngôi đền dành cho việc thờ phượng Osiris, một vị thần Ai Cập cổ đại của thế giới ngầm, và Isis, một nữ thần Ai Cập là vợ của Osiris.
Trong quá khứ, trong ngôi đền đã phát hiện một kho tiền xu được đúc khuôn mặt của Nữ hoàng Cleopatra VII. Công việc khai quật và phân tích các hiện vật tại Taposiris Magna đang được tiến hành.