Trong thế giới tự nhiên, việc sử dụng tên riêng để gọi nhau thường chỉ thấy ở con người, những sinh vật thông minh biết dùng ngôn ngữ như một công cụ quan trọng trong các mối quan hệ xã hội.
Không rõ từ khi nào tổ tiên của chúng ta bắt đầu phát triển khả năng này. Có thể, khoảng hơn 1 triệu năm trước ở Châu Phi, một người Homo erectus đầu tiên đã nghĩ ra việc gọi bạn mình là 'Ugrraaa' thay vì những danh từ chung như 'Đằng ấy', 'Anh bạn', 'Anh chàng tóc dài cầm gậy'.
Việc đặt tên giúp con người tiết kiệm thời gian, tránh nhầm lẫn trong phân công công việc và quan trọng nhất là tạo ra 'danh tính cá nhân' - một khái niệm tinh tế mà chỉ con người mới đủ thông minh để phát minh.
Tên gọi có thể chứa đựng câu chuyện, lịch sử và địa vị xã hội của cá nhân. Nó trở thành biểu tượng, nhắc nhở rằng họ không chỉ là một phần của nhóm mà còn là một cá thể độc đáo với những suy nghĩ, cảm xúc và mong ước riêng biệt.
Khám phá mới cho thấy loài người không phải là loài linh trưởng đầu tiên biết sử dụng tên riêng để gọi nhau.
Dù với tất cả sự phức tạp này, loài người từ lâu đã tự tin rằng mình là loài sinh vật duy nhất trên Trái Đất biết đặt tên và gọi nhau bằng tên riêng. Ngay cả những người họ hàng gần nhất của chúng ta là tinh tinh cũng chưa đạt đến mức đó. Chúng vẫn phải nhận diện nhau qua khuôn mặt, giọng nói và cử chỉ.
Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây đã tiết lộ rằng Marmoset, một loài linh trưởng nhỏ còn gọi là khỉ sóc ở Nam Mỹ, có khả năng đặt tên cho nhau. Những con khỉ này sử dụng những tiếng gọi đặc biệt, được gọi là 'phee-calls', để giao tiếp với nhau.
Các nhà nghiên cứu tin rằng đây là một hành vi mang tính 'nhận thức cao', điều mà chưa từng được quan sát thấy ở các loài linh trưởng không phải người.
Marmoset, loài linh trưởng nhỏ còn được gọi là khỉ sóc ở Nam Mỹ, có khả năng đặt tên riêng cho các thành viên trong nhóm.
Nghiên cứu mới được thực hiện bởi các nhà khoa học từ Đại học Hebrew, Israel. Họ đã thực hiện một thí nghiệm đơn giản để kiểm tra khả năng ngôn ngữ của 10 con khỉ Marmoset.
'Chúng tôi đã đặt mỗi cặp khỉ Marmoset vào một phòng và chắn một rào cản để chúng không thể nhìn thấy nhau. Khi làm như vậy, các cặp khỉ chỉ có thể giao tiếp với nhau và chúng đã làm điều đó một cách tự nhiên', Tiến sĩ David Omer, tác giả chính của nghiên cứu từ Trung tâm Khoa học Não bộ Safra của Đại học Hebrew, cho biết.
Nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Omer đã ghi lại toàn bộ cuộc trò chuyện giữa các cặp khỉ Marmoset, tổng cộng 10 con từ 3 gia đình khác nhau. Những cuộc trò chuyện này được ghi âm và phân tích bằng phần mềm máy tính để phát hiện các 'từ' mà lũ khỉ thường xuyên sử dụng.
Kết hợp với ngữ cảnh sử dụng các từ này, Tiến sĩ Omer có thể xác định rằng những 'tên' này chính là cách mà các con khỉ Marmoset đặt cho nhau.
Mô hình thí nghiệm và âm thanh Phee-calls được ghi nhận bởi các nhà khoa học đã được phân tích bằng phần mềm máy tính.
Tiếng kêu của khỉ Marmoset, được gọi là 'phee-calls', thường phát ra âm thanh giống như tiếng còi 'phiiii phiii'. Những âm điệu này được khỉ Marmoset điều chỉnh để đặt tên cho nhau. Do đó, một con khỉ có thể gọi một con khác là 'Phi' hoặc 'Phi Phi', tạo nên những cái tên đáng yêu.
'Trước đây, chúng tôi nghĩ rằng tiếng kêu của các loài linh trưởng không phải con người chỉ là giao tiếp di truyền và thiếu tính linh hoạt', Tiến sĩ Omer cho biết. 'Nhưng giờ đây chúng tôi đã chứng minh rằng khỉ Marmoset có khả năng tạo ra từ vựng rất đa dạng'.
Nghiên cứu cho thấy khỉ Marmoset chủ yếu dựa vào thị giác nhưng cũng sử dụng một 'chuỗi phức tạp các tiếng gọi xã hội' - trong đó 'phee calls' chỉ là một phần. Những tiếng gọi này thường dùng để giao tiếp khi chúng không thể nhìn thấy nhau.
Khi gọi nhau bằng tên riêng, Tiến sĩ Omer nhận thấy khỉ Marmoset có thể phân biệt giữa các cuộc giao tiếp liên quan đến chúng và không liên quan. Ví dụ, khi một con khỉ gọi 'Phi', chỉ con khỉ Phi mới tham gia, còn con khỉ Phi Phi không liên quan đến cuộc trò chuyện.
Trước đây, những tiếng gọi này được hiểu là phương pháp 'xác định vị trí', tức là để thông báo cho các con khác về vị trí của chúng. Nhưng nghiên cứu mới cho thấy 'phee calls' thực sự là những tín hiệu 'gắn nhãn' như những cái tên cụ thể của khỉ Marmoset.
'Đây là lần đầu tiên chúng tôi quan sát thấy hiện tượng này ở loài linh trưởng không phải con người', các nhà nghiên cứu viết trong báo cáo.
Tiến sĩ David Omer, nhà nghiên cứu chính đến từ Trung tâm Khoa học Não bộ Safra của Đại học Hebrew.
Phân tích hàng trăm bản ghi âm từ các thí nghiệm cho thấy khỉ Marmoset trong cùng nhóm sử dụng 'những âm thanh tương tự để gọi các cá thể khác nhau' và có 'đặc điểm âm thanh giống nhau để mã hóa các tên gọi của chúng', tương tự như tiếng địa phương của con người.
Khỉ không cùng huyết thống nhưng sử dụng cùng một 'phương ngữ' chứng tỏ rằng đây là hành vi học tập chứ không phải do di truyền. Nó giống như người Bắc di cư vào Nam sẽ nói giọng Nam thay vì giọng Bắc của cha mẹ.
'Chúng tôi có thể khẳng định rằng đây là một quá trình học tập. Khỉ Marmoset có thể đặt tên cho các thành viên trong gia đình - và điều này không phải do di truyền', Tiến sĩ Omer cho biết.
Nghiên cứu cung cấp cái nhìn mới về sự hình thành ngôn ngữ và giao tiếp xã hội của con người trong quá khứ.
'Trước đây, chúng ta tin rằng ngôn ngữ con người xuất hiện như một hiện tượng 'Big Bang' và chỉ tồn tại ở con người, điều này hoàn toàn mâu thuẫn với lý thuyết tiến hóa.'
'Phát hiện này, cùng với những phát hiện khác, lần đầu tiên gợi ý rằng đã có sự phát triển tiền ngôn ngữ ở loài linh trưởng không phải con người và chúng ta có thể sẽ tìm thấy thêm bằng chứng cho thấy đó là một quá trình tiến hóa', Tiến sĩ Omer chia sẻ.
Vào đầu năm nay, một nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng voi châu Phi có khả năng gọi nhau bằng những âm thanh cá nhân hóa, tương tự như cách con người dùng tên riêng. Hành vi này cũng được ghi nhận ở cá heo, nhưng chưa từng thấy ở động vật linh trưởng, ngoài con người.
Phát hiện mới đây đã đưa loài khỉ Marmoset vào danh sách các động vật có ngôn ngữ phát triển nhất trên hành tinh. Tại những khu rừng xanh mướt ở Nam Mỹ, những chú khỉ Marmoset có thể đang tổ chức những buổi tụ họp gia đình sôi động.
Chúng có thể trao đổi với nhau bằng những câu hỏi như: 'Sao Phi Phi chưa đến?', 'Phi Phi suốt ngày lề mề', 'Ai gọi Phi Phi đi?'.