Critical Thinking – Tư duy phản biện, được xem như một công cụ hữu dụng trong các cuộc đối thoại, giao tiếp hàng ngày. Bởi vì, tư duy này hỗ trợ trực tiếp đến quá trình hình thành và phát triển nội dung được trình bày. Vì vậy, nắm vững cách ứng dụng tư duy phản biện sẽ ít nhiều cải thiện khả năng giao tiếp, giúp nâng cao hiệu quả công việc trong các tình huống đàm phán, các dạng giao dịch phức tạp, và cụ thể hơn, ứng dụng vào việc luyện tập kỹ năng Speaking trong bài thi IELTS.
Speaking Skill – Kỹ năng nói (còn được gọi là kỹ năng giao tiếp), một kỹ năng quan trọng trong cuộc sống. Không chỉ riêng tiếng Anh, ở bất kỳ ngôn ngữ nào, kỹ năng nói không chỉ đơn thuần là phát âm chuẩn, ngữ điệu hay mà còn là sự kết hợp giữa kinh nghiệm giao tiếp, cách ứng xử tinh tế và tư duy linh hoạt.
Tư duy phản biện
Đã có rất nhiều học giả, sách báo nhận định tư duy phản biện theo nhiều cách khác nhau. Khái niệm phổ biến nhất của tư duy phản biện được công nhận bởi Đại học Stanford (2018), được định nghĩa bởi nhà triết học người Mỹ – John Dewey có nội dung như sau: “Active, persistent and careful consideration of any belief or supposed form of knowledge in the light of the grounds that support it, and the further conclusions to which it tends. (Dewey 1910: 6; 1933: 9)” – Một phương pháp phân tích yêu cầu sự linh hoạt, bền bỉ và cẩn thận đối với tất cả mọi quyết định, lập luận được dẫn ra từ kiến thức, luận điểm bổ sung vào và các kết luận về xu hướng dành cho vấn đề đó. Theo trang báo điện tử formyoursoul.com, tư duy phản biện là sự kết hợp của tư duy độc lập (independent thinking) và tư duy phản chiếu (reflective thinking).
Tư duy phản biện đòi hỏi người học phối hợp nhuần nhuyễn giữa sự dày dặn về kiến thức xã hội, kinh nghiệm sống với suy nghĩ độc lập, tự chủ, trí nhớ tốt. Việc rèn luyện tư duy phản biện không phải trong một sớm một chiều mà cần phải trải qua một quá trình luyện tập lâu dài, để biến tư duy phản biện trở thành cơ chế tự phản xạ của não bộ.
Người tư duy phản biện tốt sẽ có lập trường vững chắc, tự tạo hướng đi riêng và nâng cao khả năng giao tiếp cũng như tiềm năng học tập một ngôn ngữ khác. Không dừng lại ở đó, tư duy phản biện còn giúp người sử dụng xây dựng một hệ thống luận điểm chặt chẽ mỗi khi giao tiếp, tạo nền tảng vững vàng cho việc học tập và làm việc.
Kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh trong môi trường giáo dục tại Việt Nam
Tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu, được sử dụng ở đa số các quốc gia trên khắp năm châu. Bởi sự phổ biến và thông dụng đó, tiếng Anh đã được đưa vào giảng dạy trong chương trình đào tạo chính khóa của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam bắt đầu từ lớp 1. Giống như tất cả những ngôn ngữ khác trên thế giới, để thành thạo tiếng Anh, người học cần phải được trau dồi cả 4 kỹ năng: Listening, Speaking, Reading và Writing. Ngoài ra, cần phải luyện tập tư duy và phản xạ bằng tiếng Anh.
Mặc dù Bộ giáo dục đã bổ sung thêm nhiều bài tập tăng cường để rèn luyện hai kỹ năng Listening và Speaking, khả năng tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh của học sinh ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều hạn chế. Bên cạnh những yếu tố như phát âm, ngữ điệu, cấu trúc ngữ pháp và từ vựng, học sinh Việt Nam vẫn chưa nắm được cách để suy nghĩ, xây dựng lập trường cũng như phát triển ý tưởng khi nói bằng tiếng Anh. Rèn luyện tư duy phản biện là một trong những phương pháp tiềm năng giúp người học tiếng Anh phản ứng nhanh và giao tiếp hiệu quả hơn.
Mối liên hệ giữa tư duy phản biện và kỹ năng nói
Tác động của tư duy phản biện đối với khả năng giao tiếp
Nhiều nghiên cứu đã được hoàn thành để tìm hiểu về mối tương quan giữa tư duy phản biện và kỹ năng nói. Malmir & Shoorcheh (2012) nhận thấy rằng “Critical thinking strategies helps the learners to become active participants in the interaction process by listening carefully to other students‘ lectures, by judging on those utterances, and by making the best decisions about what to say in response to what has been said in the conversation by other interactions.” (trích trong Sanavi & Tarighat, 2014). Tạm dịch: Chiến lược tư duy phản biện giúp người học trở nên chủ động hơn trong quá trình tương tác bằng cách lắng nghe người khác, đánh giá những lời nói đó và đưa ra quyết định đúng đắn nhất cho câu trả lời trong khi đáp lại nội dung đã được đề cập trong cuộc trò chuyện bởi những tương tác khác.
Khi vận dụng tư duy phản biện, người học tiếng Anh sẽ được thúc đẩy sắp xếp luận điểm, luận cứ một cách logic và duy trì tính khách quan trong các quyết định. Không những thế, tư duy phản biện bắt buộc người học phải tìm phương pháp tư duy hiệu quả như “vital questions and problems, formulate them clearly, gather and ask relevant information, use abstracts ideas, think open-mindedly, and communicate effectively with others”(Yusuf & Adeoye, 2012) – đặt ra câu hỏi và vấn đề giải quyết; xem xét nó một cách rõ ràng; thu nhập, tiếp cận những thông tin liên quan; sử dụng ý tưởng xúc tích, gãy gọn; suy nghĩ toàn diện và quan trọng hơn hết, giao tiếp với người khác hiệu quả.
Phương pháp rèn luyện tư duy phản biện trong giao tiếp
Tư duy phản biện được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực, do vậy, phương pháp luyện tập tư duy phản biện cũng sẽ thay đổi để phù hợp với đặc điểm của lĩnh vực đó. Luyện tập tư duy phản biện trong giao tiếp hằng ngày hoặc khi tranh luận về một vấn đề cụ thể và đưa ra lập luận, cần chú ý những tiêu chí sau đây:
Luôn luôn đánh giá ý kiến của đối tượng giao tiếp một cách khách quan. Khi tham gia vào một cuộc tranh luận, rất khó để xem xét toàn diện những mặt tích cực – hạn chế trong quan điểm của đối tượng giao tiếp. Vì vậy, giữ bình tĩnh và cố gắng không đưa cảm xúc của bản thân vào một cuộc tranh luận (đồng nghĩa với việc các ý kiến đưa ra không được chủ quan) là một trong những tiêu chí đầu tiên và cơ bản nhất để cải thiện việc truyền đạt thông tin.
Tình huống chưa chắc chắn về luận điểm của bản thân trong giao tiếp, đảo ngược vấn đề là giải pháp tối ưu đề kiểm tra sự chặt chẽ, logic của các luận điểm. Bằng phương pháp này. Người học tiếng Anh sẽ được rèn luyện cách tư duy có hệ thống, lựa chọn những từ ngữ phù hợp nhất để đưa vào ngữ cảnh của cuộc trò chuyện.
Luyện tập đưa ra giả thuyết hay nói cách khác, tự đặt câu hỏi cho bản thân trong lúc biện luận qua các câu hỏi gợi mở sau:
What’s happening? – Chuyện gì đang xảy ra? Đưa ra những đánh giá sơ bộ về tổng thể của tình huống giao tiếp.
Why is it important? – Tại sao vấn đề này lại quan trọng? Cân nhắc tầm quan trọng của chủ đề giao tiếp giao tiếp.
What don’t I see? – Những khía cạnh nào đã bỏ lỡ? Xem xét lại thông tin của cuộc hội thoại, phân tích những chi tiết nhỏ nhất để tránh bỏ sót những thông tin quan trọng.
How do I know? – Tại sao lại biết những thông tin này? Kiểm tra nguồn gốc của thông tin, độ tin cậy của nguồn thông tin khi giao tiếp.
Who is saying it? – Người nào là đối tượng giao tiếp? Vai vế của đối tượng giao tiếp đóng một vai trò quan trọng trong cuộc hội thoại; quyết định sự quan trọng và tính ảnh hưởng của toàn bộ quá trình giao tiếp.
What else? What if? – Còn điều gì bị bỏ sót? Các tình huống chưa được cân nhắc? Nếu trả lời cuộc hội thoại dựa trên luận điểm này, còn vấn đề gì bị bỏ sót, sẽ làm thay đổi không khí của cuộc hội thoại như thế nào.
⇒ Trong quá trình giao tiếp và tiếp nhận thông tin, nên thường xuyên đặt ra những câu hỏi giả định để kiểm tra mức độ đáng tin cậy của thông tin. Từ đó, sẽ làm phát triển khả năng nhận xét vấn đề từ những góc độ khác nhau.
Áp dụng tư duy phản biện vào IELTS Speaking
Bài thi IELTS Speaking Part 2 kiểm tra khả năng trình bày ý kiến lưu loát của người học về quan điểm hoặc trải nghiệm cá nhân theo một chủ đề ngẫu nhiên trong vòng 2 phút, thời gian chuẩn bị là 1 phút. Trong vòng 1 phút, tư duy phản biện sẽ thúc đẩy sự vận hành của tư duy độc lập. Thí sinh bắt đầu liệt kê ra các luận điểm đơn lẻ. Sau đó, tư duy phản chiếu hoạt động, nhiệm vụ của tư duy này là chất vấn xem liệu các ý tưởng hình thành trước đó có đủ dữ liệu sức thuyết phục hay không.
Ví dụ:
Describe a book that had a major influence on you. You should say:
|
Đối với đề bài này, đầu tiên, thí sinh sẽ sử dụng tư duy độc lập để xem xét cuốn sách nào thật sự có tầm ảnh hưởng đối với mình và chọn cuốn sách làm đối tượng chính cho việc phát triển các thông tin xung quanh như tác giả, nhà xuất bản, …. Tiếp theo, tư duy phản chiếu sẽ hỗ trợ thí sinh phân tích ý nghĩa của cuốn sách; nội dung, nhân vật và bối cảnh của cuốn sách có gì liên hệ với nhau như thế nào, có hay không liên quan đến trải nghiệm cá nhân của thí sinh. Cuối cùng, thí sinh rút ra kết luận cuốn sách này đã thay đổi cuộc sống của bản thân như thế nào.
Qua đây, có thể thấy được rằng tư duy phản biện tác động lớn đến việc xây dựng dàn ý cho bài IELTS Speaking Part 2. Để đạt được band điểm từ 7.0 trở lại, phần Fluency and Coherence yêu cầu thí sinh “uses a range of connectives and discourse markers with some flexibility” – sử dụng một loạt các luận điểm chặt chẽ và linh hoạt. Nếu thiếu tư duy này, thí sinh không thể sắp xếp những kiến thức cần trình bày, dẫn đến việc trả lời không lưu loát, diễn đạt đứt đoạn, thiếu hụt thông tin quan trọng và dư thừa thông tin không cần thiết.
Khác với Part 2, Part 3 của bài thi IELTS Speaking yêu cầu thí sinh trả lời những câu hỏi liên quan đến Part 2. Những câu hỏi này nhằm kiểm tra kỹ năng tư duy và phản xạ logic bằng tiếng Anh của thí sinh. Tư duy phản biện là một công cụ đắc lực trong phần thi này.
Ví dụ:
Follow-up questions:
|
Những câu hỏi của Part 3 mang tính nghị luận, đòi hỏi kỹ năng phân tích, đánh giá vấn đề và đưa ra hướng giải quyết trong phạm vi hiểu biết của thí sinh. Thí sinh không được cho thời gian để chuẩn bị cho những câu hỏi này mà phải tư duy nhanh gọn để đưa ra được câu trả lời. Cụ thể, thí sinh phải phản hồi một vấn đề có liên hệ với Part 2 được người chấm thi đặt ra dựa vào đề thi cùng với dữ kiện thí sinh cung cấp trong phần trả lời trước đó. Trong quá trình tiếp nhận – xử lí – truyền đạt thông tin, tư duy phản biện đóng vai trò cốt lõi trong việc giúp thí sinh đưa ra ý tưởng, hệ thống ý tưởng, cũng như tìm các luận cứ và ví dụ một cách nhanh chóng, phù hợp hơn.
Ví dụ:
Đối với câu hỏi đầu tiên trong đề bài nêu trên “How can books impact man’s life?”, tư duy phản biện sẽ giúp thí sinh tạo ra chiến lược trả lời cho câu hỏi này. Các bước tư duy cụ thể cho câu hỏi này như sau:
Đầu tiên, trong quá trình xử lí thông tin, thí sinh cần đặt mối quan hệ khách quan lên hàng đầu. Thí sinh sẽ cần nhìn vào vấn đề từ một góc nhìn toàn diện hơn, có nghĩa là đưa ra nhận định về tầm ảnh hưởng của sách đối với cuộc sống của con người nói chung, như việc nuôi dưỡng tâm hồn và trí tưởng tượng của người đọc.
Thứ hai, thí sinh sẽ giải thích hoặc cung cấp ví dụ cho luận điểm chính đã được đưa ra bằng cách đặt câu hỏi What/How/When/Who/Where. Ở phần này, một tư duy phản biện sắc bén sẽ giúp thí sinh tăng tốc độ trong việc tìm kiếm và tránh việc đưa ra các luận cứ không liên quan đến luận điểm chính.
Ví dụ:
Tại sao – Sách giúp nuôi dưỡng tâm hồn và trí tưởng tượng của người đọc, bởi vì chúng tạo ra không gian cho người đọc để chậm lại và làm dịu hoặc lang thang trong thế giới tưởng tượng của mình.
Làm thế nào – Khi đọc sách, mọi người thường muốn ở một mình hoặc trong một không gian yên tĩnh để hoàn toàn đắm chìm trong câu chuyện, điều này cung cấp cho họ điều kiện lý tưởng để suy ngẫm về cuộc sống hoặc trốn tránh thực tại.