Bún sông là món đặc sản độc lạ tại làng Cu Đê (Đà Nẵng) với phương pháp chế biến và hương vị khó quên cho những ai từng thưởng thức.
Tìm hiểu về cái tên đặc biệt – ‘bún sông’
Sông Cu Đê, hay còn gọi là sông Trường Định, là một dòng sông ở phía Tây – Bắc Đà Nẵng. Thượng nguồn của sông nằm tại xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) và hạ nguồn là cửa biển Nam Ô (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu). Tên gọi Cu Đê xuất phát từ phần hạ lưu của sông chảy qua làng Cu Đê, vùng hạ nguồn nổi tiếng với đặc sản ‘bún sông’ độc đáo.
‘Bún sông’ khi được vớt lên trông giống như những cuộn mì trứng
Món ăn này thường xuất hiện vào mùa hè. Vào khoảng đầu tháng 2 âm lịch mỗi năm, người dân xóm Vạn (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) lại chèo thuyền và lặn dưới nước để tìm trứng của một loài sinh vật mềm nhũn mà họ gọi là ‘bún sông’.
Người dân đang lặn để thu hoạch bún sông. Ảnh: Báo Thanh Niên
Loài sinh vật này thường xuất hiện từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 3 âm lịch, sống ở vùng nước trong và sạch. Chúng sinh sản vào ban đêm với số lượng lớn, và ‘bún mẹ’ đẻ nhiều dây trứng cuộn lại giống như lọn bún cỡ bằng bàn tay, có màu xanh nhạt. ‘Bún mẹ’ có hình dáng xù xì, thân mềm với nhiều đốm xanh trên lưng, chân màu cam vàng, và thường tiết ra chất dịch màu đen tím để tự bảo vệ khi gặp nguy hiểm.
Hình ảnh 'bún mẹ'. Nguồn: Báo Thanh Niên
Quy trình bảo quản sau khi thu hoạch
Trước đây, một số cư dân dọc theo sông Cu Đê biết đến 'bún sông', nhưng họ ít ăn và không chú trọng đến khai thác. Hiện nay, loại đặc sản này có giá trị kinh tế cao, nên người dân đã đầu tư khai thác hiệu quả hơn.
‘Bún sông’ khi mới xuất hiện có màu xanh nhạt, giòn và ngọt thanh. Sau một thời gian, nó chuyển sang màu vàng và mất đi hương vị đặc trưng. Để giữ độ tươi ngon, sau khi thu hoạch, người dân rửa sạch bằng nước biển, sau đó bằng nước ngọt và ngâm trong nước muối cho đến khi có người đến mua.
Sau khi thu hoạch, bún sông cần được rửa sạch kỹ lưỡng. Nguồn: Tiên Sa
Cách chế biến món ăn từ 'bún sông'
Nguyên liệu để làm gỏi bún sông. Nguồn: Tiên Sa
Bún sông khi còn tươi có thể có mùi tanh. Do đó, cần rửa kỹ từ 5 đến 6 lần với nước, sau đó chần qua nước sôi khoảng 1 phút, vớt ra để ráo trước khi chế biến món ăn.
‘Bún sông’ là món ăn tươi mát, giòn sần sật, có sợi nhỏ hơn bún gạo và thường có màu xanh nhạt hoặc vàng nhạt, cuộn thành từng nắm nhỏ. Do đặc điểm hiếm có, người ta thường mua ngay khi thấy bán để thưởng thức. Loại bún này được chế biến thành nhiều món đặc sản độc đáo, trong đó có món gỏi bún sông, bao gồm rau mùi, tôm, thịt luộc, đậu phộng trộn với bún sông, tạo nên món ăn thanh mát và giải nhiệt trong mùa hè.
Gỏi bún sông. Nguồn: Tiên Sa
Bún sông còn có thể dùng để nấu miến, kẹp rau sống, nấu bún cá ngừ, hoặc bánh canh. Đặc sản này có thể được mua trên chợ mạng hoặc tại chợ Nam Ô (Đà Nẵng). Giá bún sông dao động từ vài chục nghìn đến hơn 100.000 đồng/kg tùy theo mùa.
Đăng bởi: Hồng Hiếu Cao