1. Nhiệt miệng là gì?
Nhiệt miệng là tình trạng xuất hiện đốm trắng, mọng nước bên trong miệng (có thể là ở môi, nướu hoặc má trong). Sau một thời gian, đốm trắng sẽ vỡ ra thành vết loét, gây đau rát và khó chịu. Thường thì vết loét này sẽ tự lành sau 7 - 10 ngày mà không để lại sẹo.
Bất kỳ ai, dù là trẻ em, người trưởng thành hay người cao tuổi đều có thể mắc phải nhiệt miệng. Một số người thậm chí mắc phải tình trạng này thường xuyên mà không biết nguyên nhân gây ra nó là gì. Mặc dù nhiệt miệng ít gây nguy hiểm, nhưng lại ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh, đặc biệt là khi ăn uống và nói chuyện.
Nhiệt miệng được nhận biết dễ dàng qua vết loét bên trong miệng
2. Nguyên nhân gây ra nhiệt miệng kéo dài
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiệt miệng kéo dài, nhưng chủ yếu là do thói quen ăn uống và sinh hoạt hàng ngày. Cụ thể như sau:
Tiêu thụ quá nhiều đồ ăn cay, nóng
Đồ ăn cay, nóng có thể gây nhiệt miệng trực tiếp hoặc gián tiếp. Trực tiếp, nghĩa là tính cay, nóng của thực phẩm có thể làm tổn thương miệng, tạo ra vết loét, mụn nhọt và nhiệt miệng.
Còn gián tiếp, có nghĩa là đồ ăn cay, nóng chứa capsaicin - một chất làm chậm quá trình tiêu hóa, gây trào ngược axit dạ dày, tạo ra cảm giác ợ nóng và nóng trong cơ thể. Tất cả những điều này có thể dẫn đến tình trạng nhiệt miệng kéo dài và khó chữa trị.
Chăm sóc răng miệng không đúng cách
Sử dụng bàn chải răng lông cứng và chải quá mạnh có thể gây tổn thương miệng. Vết tổn thương này là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển, gây ra vết loét.
Bên cạnh đó, một số sản phẩm chăm sóc răng miệng chứa Sodium lauryl sulfate. Đây là chất làm sạch mạnh mẽ và loại bỏ mùi hôi hiệu quả. Tuy nhiên, cũng là chất gây nhiệt miệng mà nhiều người không nhận biết.
Việc đánh răng quá mạnh, không đúng cách có thể là nguyên nhân gây ra nhiệt miệng
Cơ thể thiếu hụt vitamin
Thiếu hụt các loại vitamin, đặc biệt là vitamin C và các loại vitamin nhóm B (B2, B3, B12) cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiệt miệng kéo dài. Khi cơ thể thiếu hụt vitamin, bạn có thể gặp phải nhiệt miệng cùng với việc nướu sưng - viêm, chảy máu chân răng và các vấn đề về răng miệng khác.
Rối loạn nội tiết tố
Ngoài các triệu chứng đau bụng, đau lưng, và mệt mỏi toàn thân, một số phụ nữ khi đến kỳ kinh nguyệt còn gặp phải tình trạng nổi mụn và nhiệt miệng. Điều này thật sự là nỗi ác mộng của nhiều người vì nhiệt miệng khiến cơ thể mệt mỏi, suy nhược trở nên khó chịu và đau đớn hơn.
Nguyên nhân nhiệt miệng khi hành kinh là do sự biến đổi của nội tiết tố theo chu kỳ trước, trong và sau kỳ kinh nguyệt. Điều này làm thân nhiệt cơ thể tăng giảm không kiểm soát, gây ra cảm giác nóng bức trong người, hình thành mụn nhọt và vết loét trong miệng.
Phụ nữ trong giai đoạn kỳ kinh nguyệt cũng có thể gặp phải tình trạng nhiệt miệng do sự biến đổi của nội tiết tố.
Các vấn đề về răng miệng cũng có thể là nguyên nhân của nhiệt miệng
Nhiệt miệng thường xuyên xảy ra và kéo dài khi bạn gặp các vấn đề về răng miệng, như sâu răng, viêm nướu, viêm tủy răng,... Khi đó, chỉ cần một tổn thương nhỏ trong khoang miệng cũng là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn tấn công và gây ra vết loét.
3. Làm gì khi nhiệt miệng kéo dài?
Khi bạn hiểu được nguyên nhân gây ra nhiệt miệng kéo dài, việc xử lý phù hợp sẽ trở nên dễ dàng hơn, giúp cải thiện tình trạng một cách hiệu quả.
Sử dụng nước muối
Việc sử dụng nước muối để súc miệng không còn quá xa lạ với người Việt. Nhờ vào tính chất sát khuẩn cao mà lại an toàn, súc miệng bằng nước muối có thể giúp giảm đau và rát, đồng thời kích thích vết loét nhanh khô và lành.
Bắt đầu bằng việc pha 5g muối tinh vào 230ml nước ấm, sau đó khuấy đều. Tiếp theo, súc miệng bằng dung dịch nước muối đã pha trong 15 - 30 giây rồi nhổ ra. Thực hiện 2 - 3 lần/ngày, vào mỗi buổi sáng và tối.
Việc sử dụng nước muối để súc miệng là biện pháp giảm đau và thúc đẩy quá trình lành vết loét do nhiệt miệng.
Tiêu thụ sữa chua
Nếu nhiệt miệng kéo dài xuất phát từ việc trào ngược axit dạ dày hoặc rối loạn tiêu hóa, bạn có thể ăn sữa chua để cải thiện tình trạng. Bởi trong sữa chua chứa nhiều lợi khuẩn (men vi sinh lactobacillus), giúp loại bỏ các vi khuẩn đường ruột và vi khuẩn HP một cách hiệu quả. Điều này giúp giảm triệu chứng đầy bụng, ợ hơi, cảm giác nóng rát và đẩy lùi nhiệt miệng.
Sử dụng mật ong
Mật ong có khả năng diệt khuẩn và chống viêm, ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn gây nhiễm trùng. Cách sử dụng mật ong để điều trị nhiệt miệng rất đơn giản, chỉ cần thoa mật ong nguyên chất lên vết loét trong miệng. Hoặc có thể kết hợp mật ong với bột nghệ và thực hiện như vậy.
Ngoài ra, có thể pha mật ong với nước ấm và uống từng ngụm. Nước ấm hòa cùng mật ong sẽ thấm vào vết thương, giúp vết thương mau lành hơn. Đồng thời, đây cũng là thức uống có lợi cho sức khỏe, giúp làm sạch cơ thể, giảm triệu chứng đầy hơi, làm dịu cảm giác nóng rát trong cơ thể.
Uống nhiều nước và bổ sung vitamin
Luôn duy trì việc uống đủ nước và cố gắng giữ cho miệng không bị khô. Đồng thời, tăng cường ăn rau xanh và trái cây để cơ thể không thiếu hụt vitamin. Điều này không chỉ là biện pháp điều trị mà còn là biện pháp phòng ngừa nhiệt miệng vô cùng hiệu quả.
Tăng cường ăn rau xanh, trái cây để bổ sung vitamin cho cơ thể, phòng tránh nhiệt miệng
Thăm bác sĩ để kiểm tra
Trong những tình huống sau đây, bạn cần phải đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra, xác định nguyên nhân gây ra nhiệt miệng kéo dài và có phương pháp điều trị thích hợp.
-
Nhiệt miệng kéo dài hơn 7 - 10 ngày mà không thấy cải thiện.
-
Vết loét có biểu hiện nhiễm trùng (sưng, có mủ).
-
Đau rát nặng, gây khó khăn khi nuốt.
-
Khô miệng.
-
Sốt, mệt mỏi.
-
Khó tiêu, khó đi tiểu.