
GUI là gì?
GUI viết tắt cho chữ “graphic user interface” hoặc “graphical user interface”, dịch sang tiếng Việt thường là “giao diện đồ họa người dùng” hoặc “giao diện đồ họa”. GUI là cách mà con người có thể tương tác với máy tính thông qua các hình ảnh trên màn hình, biểu tượng đồ họa đại diện cho các hành động mà người dùng có thể thực hiện.
Trước khi có GUI, người ta phải tương tác với máy tính thông qua các thẻ đục lỗ và sử dụng dòng lệnh phức tạp (command line interface), không thân thiện với người không chuyên. Khi GUI xuất hiện, nó mang lại cách giao tiếp trực quan với máy tính bằng cách mô phỏng các đối tượng quen thuộc trong cuộc sống.
Màn demo năm 1968 của Doug Engelbart, một kỹ sư tiên phong trong lĩnh vực máy tính, có thể coi là bước đầu tiên của GUI, bao gồm việc di chuyển con trỏ chuột, chỉnh sửa văn bản, tạo liên kết giữa các tài liệu...
GUI và UI
Gần như mọi thiết bị đều có cách để bạn tương tác với chúng. Một nút để bật máy, một chiếc remote để chuyển kênh trên TV, một núm xoay để điều chỉnh nhiệt độ trong tủ lạnh, hoặc núm xoay hẹn giờ trên lò vi sóng... Tất cả đều là giao diện người dùng, nơi mà bạn thực hiện các hành động. Khái niệm giao diện cần được hiểu rộng lớn hơn, không chỉ là 'giao diện đồ họa người dùng' như ta thường nói.
Giao diện đồ họa (GUI) là một phần của giao diện người dùng, nơi mà các thành phần được hiển thị dưới dạng đối tượng đồ họa như nút bấm, chữ, menu, các liên kết, hình ảnh của cửa sổ, biểu tượng, thông báo... và bạn tương tác với chúng bằng chuột hoặc ngón tay (trên màn hình cảm ứng).
Ví dụ, trên điện thoại của bạn, nút nguồn và nút âm lượng là các thành phần của giao diện người dùng, trong khi giao diện mà bạn tương tác trên hệ điều hành là GUI. Máy tính cũng vậy, hầu hết máy tính đều có nút nguồn và nút âm lượng...
Một số cột mốc quan trọng trong sự phát triển của GUI
Năm 1973, Xerox PARC phát triển chiếc Alto (hình dưới), chiếc máy tính đầu tiên sử dụng GUI. Sử dụng màn hình bitmap, Alto cũng là chiếc máy tính đầu tiên giới thiệu khái niệm “desktop”. Mặc dù không phải là sản phẩm thương mại, nhưng vài nghìn chiếc Alto đã được sản xuất và sử dụng tại PARC. Một số trường đại học cũng sử dụng Alto trong nhiều năm.

Vào năm 1979, trung tâm nghiên cứu của Xerox ở Palo Alto phát triển một nguyên mẫu mới về GUI. Lúc đó, Steve Jobs đang tìm cách để tương tác với máy tính Apple một cách hiện đại hơn, vì vậy ông đã chi một triệu USD để thăm viếng Xerox và tham quan các dự án nghiên cứu của họ. Trong số đó, có một nguyên mẫu GUI với giao diện đồ họa và một chiếc chuột 3 nút. Khi Jobs thấy nguyên mẫu đó, ông muốn đưa nó ra thế giới. Sau đó, Apple đã phát triển Lisa vào năm 1983 với GUI. Mặc dù Lisa không bán chạy nhưng nó đã mở ra một kỷ nguyên mới trong ngành công nghiệp máy tính và thay đổi cả thế giới.

Năm 1984, chiếc Macintosh được ra đời và được quảng cáo là “đẳng cấp và khác biệt”. Điều này đã dẫn đến một đoạn quảng cáo nổi tiếng mô tả người dùng máy tính IBM PC như là một đoàn quân mất hồn, sử dụng dòng lệnh để tương tác với máy tính, trong khi Macintosh có thể thay đổi điều đó.
Nhờ giá rẻ hơn so với Lisa và dễ sử dụng hơn, chiếc Macintosh đã đạt được thành công dù sức mạnh xử lý và bộ nhớ không cao. Các phần mềm như MacPaint đã giúp nhiều nghệ sĩ thể hiện tác phẩm của họ, và các ứng dụng xử lý văn bản trên giao diện đồ họa đã làm mọi thứ trở nên đơn giản và hiệu quả hơn. Dù ban đầu Macintosh gặp thiếu hụt phần mềm, nhưng các nhà phát triển đã nhanh chóng tạo ra ứng dụng cho nó. Microsoft cũng gia nhập cuộc chơi GUI với Windows 1.0 vào năm 1985, lấy nhiều ý tưởng từ Macintosh GUI. Mặc dù Apple đã kiện Microsoft, nhưng sau đó tòa án tuyên bố Microsoft không vi phạm bản quyền vì sự khác biệt bên trong khác nhau. Microsoft tiếp tục phát triển GUI của họ.
