1. Giới thiệu tổng quan về tiêm da (ID - Intradermal Injection)
Tiêm trong da (ID - Intradermal Injection) là quá trình tiêm một lượng nhỏ thuốc vào lớp thượng bì của da. Thủ thuật này thường được thực hiện bởi các y tá hoặc nhân viên y tế dưới sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Thuốc sau khi tiêm sẽ được hấp thu chậm vào hệ tuần hoàn máu.
Các trường hợp thường được thực hiện tiêm da
Các trường hợp được chỉ định tiêm ID bao gồm:
- - Tiêm vắc xin BCG phòng lao cho trẻ sơ sinh.
- Phản ứng Mantoux để phát hiện trường hợp từng bị nhiễm trực khuẩn lao M.tuberculosis.
- Thử phản ứng của một số loại thuốc và kháng sinh trước khi sử dụng, đặc biệt là những loại có thể gây ra phản ứng sốc phản vệ như penicillin, streptomycin,... Hoặc thử phản ứng của huyết thanh như: kháng uốn ván, kháng nọc rắn.
Tiêm trong da để kiểm tra phản ứng của thuốc hoặc vaccine trước khi sử dụng
Các trường hợp không nên tiêm trong da
Các trường hợp không nên tiêm ID bao gồm người đang mắc các bệnh dị ứng cấp tính như mề đay, viêm da dị ứng, viêm mũi, hen suyễn,...
Chuẩn bị trước khi tiêm trong da
Trước khi tiêm ID cho bệnh nhân cần chuẩn bị một số vấn đề như sau:
Điều chỉnh tư thế cho bệnh nhân
Trước khi tiêm, người bệnh cần được điều chỉnh ở tư thế chuẩn:
- Người lớn cần ngồi thẳng và kéo tay áo lên cao hoặc nằm ngửa khi tiêm, tay tiêm phải để thẳng và đặt trên gối mỏng.
- Trẻ em cần được ôm chặt vào lòng khi tiêm, đôi chân kẹp giữa 2 đùi, một tay ôm qua thân và tay còn lại nắm cẳng tay bé để tránh bé giãy giụa.
Chuẩn bị dụng cụ y tế
Kỹ thuật tiêm ID yêu cầu sử dụng bơm tiêm có vạch chia 1/10 ml để đảm bảo chuẩn xác. Kim tiêm cần có đường kính nhỏ, thường là kim số 26 - 27G, độ dài từ 0,6 - 1,3cm, đầu mũi vát ngắn. Cần chuẩn bị khay tiêm, kim rút thuốc, găng tay y tế, hộp bông gòn có tẩm cồn 700, panh kẹp và thuốc chống sốc. Dụng cụ sử dụng phải được vô khuẩn và mới hoàn toàn.
Khử trùng dụng cụ y tế trước khi tiêm là cần thiết
Xác định vị trí tiêm
Vị trí tiêm thường chọn là vùng da mỏng hoặc có màu sáng để dễ nhận biết khi có phản ứng. Thông thường sẽ tiêm ở 1/3 trên mặt trong của cẳng tay.
Kỹ thuật tiêm trong da
Khi tiêm ID, có 2 trường hợp đặc biệt bạn cần chú ý vì cách tiêm sẽ khác nhau.
Tiêm ID theo quy trình thông thường
Cho kỹ thuật tiêm ID thông thường, các nhân viên y tế thực hiện theo các bước dưới đây:
- Sau khi xác định vị trí, sử dụng bông gòn tẩm cồn để sát khuẩn từ bên trong ra bên ngoài theo hình xoắn ốc.
- Lấy thuốc và cầm kim hướng lên trên, xoay đầu kim vát ngửa lên cùng chiều với mặt số bơm tiêm, nhấn nhẹ bơm tiêm để loại bỏ khí ra ngoài.
- Tay không thuận nắm cánh tay hoặc cẳng tay được tiêm, kéo căng phần da khu vực tiêm, tay thuận cầm kim sao cho phần vát ở đầu mũi kim ngửa lên trên.
- Đưa kim gần da chếch một góc từ 10 - 15 độ.
- Đẩy nhẹ cho đến khi phần vát ở mũi kim ngập hết trong da.
- Dùng ngón tay cái đẩy từ từ đầu bơm tiêm để thuốc vào trong da và quan sát biểu hiện tại vị trí tiêm.
- Lúc này, tại vùng tiêm sẽ xuất hiện một cục kích thước gần bằng hạt bắp, da đổi màu trắng bệch.
- Sau khi bơm đủ liều lượng thuốc chỉ định, rút kim nhanh chóng và kéo căng da ở vùng tiêm trong vài giây và cuối cùng là sát khuẩn vùng tiêm.
Tiêm ID cần phải thực hiện bởi nhân viên y tế và đúng kỹ thuật
Kiểm tra phản ứng thuốc của tiêm ID
Trong việc thử nghiệm phản ứng của thuốc, việc tiêm ID cần chú ý không làm tổn thương vùng tiêm. Sử dụng bút khoanh tròn để đánh dấu vị trí tiêm và quan sát trong 15 - 20 phút sau.
Nếu không chắc chắn về kết quả, có thể thử lại bằng cách tiêm nước cất và quan sát phản ứng. Đảm bảo không dùng kim tiêm và nước cất đã dùng trước đó. Ghi kết quả vào phiếu tiêm và báo cáo cho bác sĩ.
Nhắc nhở bệnh nhân không rửa vị trí tiêm sau khi tiêm. Nếu có dấu hiệu bất thường như đỏ, nóng, nổi mề đay, tụt huyết áp, khó thở, đau đầu, chóng mặt, cần báo ngay với bác sĩ.
Nhân viên y tế cần ngưng tiêm và báo ngay với bác sĩ nếu phát hiện dấu hiệu bất thường. Xử trí theo phác đồ cấp cứu nếu có sốc phản vệ hoặc dị ứng thuốc.
Hi vọng thông tin về kỹ thuật tiêm sẽ hữu ích. Ai cũng nên tìm hiểu để tự bảo vệ trong mọi tình huống.
Trong trường hợp bệnh nhân gặp sốc phản vệ, việc ngưng tiêm thuốc và cấp cứu ngay là cần thiết.