1. Đặt Stent Graft có tác dụng điều trị bệnh như thế nào?
Động mạch chủ là động mạch lớn nhất trong cơ thể, có nhiệm vụ đưa máu từ tim đi nuôi các cơ quan. Theo thời gian và áp lực máu liên tục, động mạch chủ thường dần dần tăng kích thước. Khi đường kính của nó gấp đôi so với bình thường, tình trạng này được gọi là phình động mạch chủ.
Stent Graft được thiết kế đặc biệt để tồn tại trong mạch máu lớn
Mỗi năm, nước ta ghi nhận khoảng 4.000 - 5.000 ca mới mắc phình động mạch chủ. Trong quá trình động mạch chủ giãn nở, bệnh nhân thường không có triệu chứng bất thường nào, nên thường chỉ phát hiện tình cờ qua thăm khám các bệnh lý liên quan. Khi động mạch chủ phình quá lớn, chèn ép các cơ quan như ngực, bụng, tim,... thì nguy cơ vỡ túi phình rất cao.
Khi túi phình động mạch chủ vỡ, bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao do mạch máu lớn và lưu lượng máu cao cung cấp cho toàn cơ thể. Nếu túi phình vỡ vào khoang tự do, bệnh nhân sẽ tử vong. Do đó, việc phát hiện, theo dõi và điều trị bệnh rất quan trọng. Điều trị nội khoa thường được áp dụng ban đầu, nhưng để đạt hiệu quả cao hơn cần can thiệp phẫu thuật.
Đặt Stent Graft đang dần thay thế phẫu thuật truyền thống trong việc can thiệp phình động mạch chủ
Hiện nay, có hai phương pháp chính để điều trị phình động mạch chủ là phẫu thuật truyền thống và đặt Stent Graft. Phẫu thuật mở truyền thống có nguy cơ biến chứng cao và thời gian hồi phục lâu nên ít được áp dụng. Ngược lại, can thiệp nội mạch bằng Stent Graft đạt hiệu quả điều trị tốt, nguy cơ biến chứng thấp và ngày càng phổ biến hơn.
Stent Graft được thiết kế đặc biệt, ban đầu nằm gọn trong ống dẫn. Khi được đưa vào vị trí động mạch bị phình, nó sẽ giải phóng và cố định đúng vị trí, tạo thành khung vững chắc cho thành mạch. Vì vậy, đặt Stent Graft giúp giảm nguy cơ vỡ động mạch phình và điều chỉnh dòng chảy, giảm áp lực gây giãn phình động mạch.
Ưu điểm của đặt Stent Graft là thời gian phẫu thuật ngắn, phục hồi nhanh và hiệu quả điều trị cao. Phương pháp này phù hợp với cả những bệnh nhân lớn tuổi, sức khỏe yếu hoặc có bệnh lý nền không đủ điều kiện để mổ mở.
2. Khi nào nên đặt Stent Graft?
Chỉ định đặt Stent Graft sẽ dựa trên kết quả thăm khám và đánh giá khả năng đáp ứng của bệnh nhân với kỹ thuật này.
2.1. Các trường hợp cần đặt Stent Graft
-
Phình động mạch chủ dưới động mạch thận có đường kính trên 5,5 cm hoặc có biến chứng dọa vỡ, tách thành hoặc tiến triển nhanh trên 5 mm/năm.
Bệnh nhân đáp ứng tốt có thể được can thiệp hiệu quả bằng đặt Stent Graft
-
Phình động mạch chủ ngực có đường kính trên 5,0 cm (nữ) và 5,5 cm (nam) hoặc có biến chứng tách thành động mạch, tiến triển nhanh trên 5 mm/năm.
-
Có triệu chứng tách thành động mạch chủ cấp type B, biến chứng: vỡ động mạch chủ vào khoang màng phổi, thiếu máu các tạng, khoang màng ngoài tim, đau ngực, tăng huyết áp nặng, giãn lớn động mạch chủ.
-
Giả phình động mạch chủ sau nhiễm khuẩn hoặc chấn thương.
-
Vị trí phình động mạch chủ phù hợp để đặt Stent Graft.
2.2. Trường hợp không nên đặt Stent Graft
Những bệnh nhân được chẩn đoán có các tình trạng sau sẽ không thể điều trị bằng Stent Graft mà cần thay thế bằng điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật khác.
-
Nhiễm trùng chưa được kiểm soát.
-
Tách thành động mạch chủ type A.
-
Vùng phình động mạch chủ quá gần các nhánh động mạch quan trọng nhưng chưa thể khắc phục.
-
Bệnh lý động mạch chủ đoạn quai, cần phẫu thuật gom các nhánh động mạch cảnh trước khi đặt Stent Graft để điều trị giãn động mạch lớn.
-
Phình động mạch chủ lên.
-
Bệnh nhân có rối loạn đông máu hoặc các bệnh lý máu nguy cơ khác.
Bệnh nhân có bệnh lý về máu có thể không thích hợp để đặt Stent Graft
3. Thực hiện và theo dõi quá trình đặt Stent Graft
Kỹ thuật đặt Stent Graft được thực hiện khá nhanh chóng và đơn giản, nhưng cần kiểm tra hình ảnh chẩn đoán kỹ lưỡng để đảm bảo đặt đúng vị trí và tránh biến chứng sau khi đặt.
3.1. Quy trình đặt Stent Graft
Trước khi can thiệp nội mạch, bác sĩ cần chụp cắt lớp vi tính hệ động mạch chủ ngực và bụng để xác định vị trí và mức độ tổn thương, từ đó đưa ra chỉ định phẫu thuật. Đồng thời, cần xét nghiệm để đánh giá các tổn thương động mạch khác và các bệnh lý kèm theo nếu có.
Thủ thuật bắt đầu bằng việc gây tê tại chỗ vùng bẹn, sau đó kim chọc mạch được đưa vào mang theo Stent Graft. Ống dẫn chứa Stent Graft sẽ được di chuyển tới đúng vị trí động mạch bị phình, với sự hỗ trợ của màn hình tăng sáng trong suốt quá trình này.
Tại vị trí phình động mạch, Stent Graft sẽ được giải phóng và ôm sát thành động mạch. Nếu vùng phình có kích thước lớn, bác sĩ có thể cần đặt nhiều hơn một Stent Graft.
3.2. Theo dõi sau khi đặt Stent Graft
Thời gian thực hiện kỹ thuật đặt Stent Graft kéo dài khoảng 2 - 3 giờ. Sau đó, bệnh nhân cần nằm viện theo dõi khoảng 2 - 3 ngày để đảm bảo nếu có biến chứng sau thủ thuật, bệnh nhân sẽ được xử lý kịp thời.
Sau khi xuất viện, bệnh nhân cần tiếp tục thăm khám định kỳ để đảm bảo Stent Graft vẫn ở đúng vị trí và không có tổn thương mới phát sinh.
Sau khi đặt Stent Graft, bệnh nhân vẫn cần theo dõi và kiểm tra thường xuyên