Sự kiện thay đổi lịch sử này diễn ra vào thời điểm nào?
Khả năng sử dụng lửa đã thay đổi vĩnh viễn vận mệnh và vị thế của con người trong chuỗi thức ăn. Lửa đã giúp chúng ta nấu ăn, biến chúng ta thành loài tiêu thụ năng lượng hiệu quả từ thực phẩm. Nó cũng giúp chúng ta tạo ra công cụ và vũ khí hiệu quả hơn.
Vẫn còn nhiều bí ẩn về thời điểm con người khám phá ra lửa và quá trình biến nó thành công cụ hàng ngày.
Theo nhà khảo cổ John Gowlett của Đại học Liverpool, con người đã biết đến lửa khoảng 2 triệu năm trước, vào thời kỳ Homo erectus - Người Đứng thẳng, loài cổ điển đầu tiên có cơ thể giống con người hiện đại.
“Ban đầu, tổ tiên con người là những sinh vật nhặt nhạnh đồ ăn quanh ngọn lửa, nghĩa là họ đã biết lợi ích của lửa. Khi họ gặp lửa trên đường di chuyển, họ sẽ quan sát hoặc lần theo đường đi của ngọn lửa”, ông Gowlett nhận định. Sau khi chạm trán lửa cháy tự nhiên, những cá thể hoang dã này có thể đã chờ ngọn lửa lụi tàn, rồi tới xem đầu bếp Tự Nhiên đã nấu món gì cho họ.
Trong báo cáo khoa học xuất bản năm 2016 trên Tạp chí Hội đồng Hoàng gia về Khoa học Sinh học, giáo sư Gowlett nhấn mạnh rằng quá trình khám phá ra lửa không diễn ra trong một sớm một chiều. “Không nghi ngờ gì, những cá thể người đầu tiên đã biết tới sự tồn tại của lửa từ rất sớm, cũng tương tự linh trưởng thảo nguyên của thời hiện đại. Nhưng nó không phải là một sự kiện khám phá, việc phát hiện ra lửa có thể coi là một quá trình diễn ra lâu dài”.
Nối tiếp quá trình lượm đồ ăn sau vụ cháy, có khả năng cao người tiền sử đã cố gắng kéo dài ngọn lửa đang cháy. Điều này ngụ ý rằng những sinh vật hình người này không chỉ biết về lửa, mà họ còn bắt đầu học cách sử dụng lửa một cách có lợi; có thể họ đã dùng cành cây, que gỗ để tự nhóm lửa. Theo lời ông Gowlett, có thể người tiền sử còn sử dụng phân động vật hóa thạch để duy trì đám cháy.
Chưa dừng lại ở đó, người tiền sử còn biết cách sử dụng sức nóng từ bộ rễ cây sau khi rừng cháy, sử dụng chúng như một hệ thống lò nướng tự nhiên. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thừa nhận họ không biết chính xác thời điểm này diễn ra, đặc biệt là khi không có bằng chứng khảo cổ cho thấy sự tồn tại của những “bếp lò tự nhiên” dưới lòng đất.
Những lò sưởi sơ khai
Lửa để lại nhiều dấu vết, và bằng chứng khảo cổ cho thấy người xưa đã biết tự nhóm lửa (và có thể nấu nướng nhiều hơn) từ khoảng 800.000 năm trước; một số nhà khảo cổ còn nghĩ rằng các lò sưởi có thể xuất hiện sớm hơn nữa, khoảng 1,5 triệu năm trước. Mặc dù không có mốc thời gian cụ thể, nhưng chúng ta vẫn có thể khẳng định đây là thời điểm người tiền sử bắt đầu quen thuộc với việc sử dụng lửa.
Khi nấu nướng nhiều hơn, ruột (bao gồm cấu trúc và vi sinh vật) cũng như răng của tổ tiên loài người đã thay đổi. Điều này được nhà nhân loại học Richard Wrangham của Đại học Harvard nhấn mạnh. Ông cho rằng khi sống ngoài đồng cỏ Châu Phi thay vì trong rừng, con người đã nấu những thực phẩm tươi sống quanh mình. Thực vật và thịt động vật trở nên dễ tiêu hóa dưới sự nhiệt độ của lửa.
Theo lời ông Gowlett, con người hiện đại không thể không biết nấu ăn với lửa.
Không chỉ tổ tiên chúng ta biết dùng lửa
Filipe Natalio, nhà khảo cổ học tại Viện Khoa học Weizmann, Israel khẳng định người Neanderthal cũng biết dùng lửa để nấu ăn và chế tác công cụ.
Trong thời kỳ này, người tiền sử đã sáng tạo ra những công cụ sắc bén bằng lửa, đặc biệt là lưỡi dao.
Công nghệ khảo cổ phát triển đồng nghĩa với việc chúng ta có thể hiểu rõ hơn về quá khứ.