1. Khám phá hệ tuần hoàn
1.1. Nguyên lý hoạt động và vai trò của hệ tuần hoàn
1.1.1. Nguyên lý hoạt động
Hệ tuần hoàn là mạng lưới bao gồm máu, bạch huyết và mạch máu, có vai trò cung cấp dưỡng chất, hormone và vận chuyển oxy cho cơ thể. Có 3 loại tuần hoàn chính thường xuyên diễn ra trong cơ thể:
- Tuần hoàn phổi: đưa máu thiếu oxy từ tim đến phổi và sau đó trở về tim.
- Tuần hoàn hệ thống: đưa máu giàu oxy từ tim đến tất cả các bộ phận trong cơ thể.
- Tuần hoàn mạch vành: cung cấp máu cho tim để tim được oxy hóa và hoạt động bình thường.
Hệ tuần hoàn máu trong cơ thể
Hệ tuần hoàn hoạt động dựa trên nguyên lý: oxy từ phổi đi vào máu qua các màng nhỏ khi hít vào. Cơ thể sử dụng oxy và chuyển hóa các chất dinh dưỡng tạo ra carbon dioxide, rồi được thải ra ngoài qua phổi khi thở ra. Hệ thống này cũng vận chuyển dinh dưỡng và hormone theo quy trình tương tự, từ nơi sản xuất đến các cơ quan mà chúng ảnh hưởng, và phân bố đồng đều.
Nhờ có áp lực liên tiếp từ van trong toàn bộ cơ thể và tim mà hệ thống tuần hoàn hoạt động trơn tru. Áp lực này đảm bảo máu từ tĩnh mạch về tim và từ động mạch đi ra khỏi tim.
1.1.2. Chức năng của hệ tuần hoàn
Hệ tuần hoàn của cơ thể đảm nhận các chức năng:
- Vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng đến từng tế bào.
- Vận chuyển sản phẩm của quá trình trao đổi chất ra khỏi tế bào.
- Hỗ trợ hệ miễn dịch chống lại các bệnh lý nhiễm khuẩn.
- Vận chuyển hormone đến cơ quan đích.
- Thải nhiệt, duy trì cân bằng nội mô và ổn định độ pH cho cơ thể.
Nhìn chung, hệ tuần hoàn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự sống cho cơ thể. Để đảm bảo chức năng hoạt động tốt, cần duy trì và kiểm soát các yếu tố liên quan.
1.2. Các yếu tố quan trọng để đảm bảo hoạt động của hệ tuần hoàn
Để hệ tuần hoàn hoạt động và duy trì chức năng tốt, cần phải có sự hoàn chỉnh của 3 yếu tố: tim, thể tích máu và hệ mạch. Nếu một trong số này gặp vấn đề, chức năng hệ tuần hoàn sẽ bị suy giảm và gây nguy hiểm đến tính mạng.
Tim, máu và hệ mạch tạo nên hệ tuần hoàn hoàn chỉnh của cơ thể
- Tim co bóp để đẩy máu vào động mạch, cung cấp dưỡng chất cho cơ thể. Tim hoạt động tự động, được điều chỉnh bởi hệ thống thần kinh tự trị và được động mạch vành cung cấp dưỡng chất.
- Máu vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng đến tế bào và đưa chất thải ra khỏi cơ thể thông qua cơ quan bài tiết. Sự giảm thiểu trong thể tích máu có thể gây ra suy giảm vận chuyển, suy tuần hoàn và thiếu oxy, đe dọa tính mạng.
- Hệ mạch bao gồm động mạch, tiểu động mạch, tĩnh mạch, tiểu tĩnh mạch và mao mạch. Nó chịu trách nhiệm vận chuyển máu từ và đến tim và cơ quan.
2. Vì sao và khi nào cần phải kiểm tra chức năng tuần hoàn
2.1. Tầm quan trọng của việc đánh giá chức năng tuần hoàn
Vì vai trò quan trọng của chức năng tuần hoàn đối với cơ thể, đảm bảo hoạt động bình thường luôn được ưu tiên hàng đầu. Yếu tố quyết định chính là sự tham gia của hệ tuần hoàn não.
Thực hiện kiểm tra chức năng tuần hoàn là bước quan trọng để phát hiện kịp thời sự hiện diện của các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng đến tuần hoàn, từ đó phòng tránh hiệu quả các biến cố không mong muốn.
Khám sức khỏe định kỳ để kiểm tra chức năng hệ tuần hoàn là biện pháp chủ động phòng tránh các nguy cơ đối với sức khỏe
Nếu không thực hiện kiểm tra chức năng tuần hoàn để phát hiện và xử lý kịp thời, có thể dẫn đến mất chức năng tuần hoàn với hậu quả không mong muốn:
- Đột quỵ
Bản thân bộ não đóng vai trò quan trọng trong các chức năng phức tạp của cơ thể như trí nhớ, suy nghĩ, vận động, cảm giác, lời nói và tầm nhìn. Để hoạt động hiệu quả, não cần hệ thống tuần hoàn để loại bỏ chất thải, carbon dioxide và cung cấp oxy, chất dinh dưỡng cho các tế bào não.
Khi tuần hoàn não bị ảnh hưởng, việc thiếu oxy đến não có thể gây tổn thương não và gây ra các vấn đề về thần kinh. Khi khôi phục nhanh chóng
khả năng cung cấp máu cho não thì các triệu chứng thiếu máu não chỉ thoáng qua nhưng nếu ngược lại, khi não không thể chịu đựng được thì tế bào não sẽ bị mất chức năng, hoại tử và chịu di chứng thần kinh vĩnh viễn.
- Rơi vào tình trạng hôn mê hoặc tử vong
Khi chức năng tuần hoàn diễn tiến đột ngột một cách nặng nề và không kiểm soát được thì khó tránh xảy ra hôn mê và tử vong.
2.2. Thời điểm cần kiểm tra chức năng hệ tuần hoàn
Từ những điều đã nói ở trên có thể thấy được tầm quan trọng của việc kiểm tra chức năng tuần hoàn. Việc này nên diễn ra trong các cuộc kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm. Bác sĩ sẽ tập trung vào người có nhiều yếu tố nguy cơ và người trung niên.
Việc phát hiện sớm vấn đề về chức năng hệ tuần hoàn sẽ cải thiện hiệu quả điều trị và dễ dàng phòng ngừa biến cố sau này. Ngày nay, kiến thức về sức khỏe được nâng cao, có nhiều cách để tìm hiểu. Vì vậy, mỗi người cần ý thức về việc kiểm tra sức khỏe hàng năm để bảo vệ sức khỏe và sự sống của mình.