Nếu không thỏa thuận được, người mua xe cũ có thể khởi kiện salon khi phát hiện xe bị tua công-tơ-mét.
Khi chọn mua xe đã qua sử dụng, ngoài việc kiểm tra nội - ngoại thất, khung gầm, động cơ, công-tơ-mét (ODO) cũng là một yếu tố quan trọng để định giá xe.
Ví dụ, xe cùng đời, nhưng có ODO ít hơn sẽ được định giá cao hơn. Một số salon tua ODO để giảm số km lăn bánh và tăng giá trị xe.
Hành vi gian lận này không mới mẻ trong thị trường ô tô cũ, nhưng việc bán xe tua ODO gấp 3 lần gần đây đã khiến dư luận bất bình.
Tua ODO là hành vi gian dối trong kinh doanh và có thể bị xem là tội dân sự.
Trong trường hợp này, khách hàng cần xử lý ra sao? Dưới đây là những chia sẻ từ những người có kinh nghiệm mua bán xe cũ.
Thương lượng
Nếu đã thanh toán toàn bộ số tiền và nhận xe, nhưng sau đó phát hiện ODO bị tua, khách hàng hoàn toàn có quyền đến salon để phản ánh. Hai bên sẽ kiểm tra và thương lượng để tìm ra giải pháp.
Sau khi kiểm tra kỹ lại xe, nếu ODO không khớp với số km thực tế, bên bán phải bồi thường số tiền mà bên mua đã trả cao hơn giá trị thực của xe.
Khởi kiện ra tòa
Nếu salon bán xe cũ bị tua ODO không chịu trách nhiệm và không đền bù, bên mua hoàn toàn có thể khởi kiện sự việc lên toà về hành vi quảng cáo không trung thực.
Trên thế giới, việc 'xuyên tạc' số ODO để giảm hơn thực tế được coi là tội phạm nghiêm trọng, có thể bị phạt dân sự hoặc phải đối mặt với án tù nhiều năm. Tuy nhiên, tại Việt Nam, theo luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông Luật (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh), việc mua bán xe, khi các bên đã thỏa thuận với nhau về giá cả, tiền đặt cọc và chất lượng của xe, được coi là thỏa thuận dân sự.
Người mua ô tô cũ có thể đàm phán hoặc khởi kiện dân sự đối với đơn vị bán hàng nếu phát hiện chiếc xe bị tua ngược công-tơ-met
Tuy nhiên, khi nhận xe và kiểm tra, số ODO thực tế thường không đúng như quảng cáo. Trường hợp này được coi là 'vi phạm thỏa thuận dân sự', theo Luật sư Bình.
Ngoài ra, pháp luật Việt Nam đã cấm hành vi “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố”, theo Điều 8, Khoản 9 của Luật Quảng cáo năm 2012 sửa đổi bổ sung năm 2018.
Dựa trên quy định trên, việc salon xe cũ quảng cáo số ODO không đúng với thực tế có thể bị coi là hành vi quảng cáo không trung thực về hàng hoá, gian dối trong mua bán nhằm mục đích lừa dối khách hàng. Vì vậy, khách hàng hoàn toàn có quyền khởi kiện dân sự để bảo vệ quyền lợi của mình.
Tuy nhiên, để tránh trường hợp mua phải sản phẩm không đúng chất lượng và gặp rắc rối pháp lý, người mua ô tô cũ có thể bỏ thêm một chút chi phí để mời bên thứ ba kiểm tra xe một cách độc lập trước khi ký vào thỏa thuận mua bán cũng như hợp đồng đặt cọc, thanh toán xe.
Xem thêm: Phơi bày những bí mật về thủ đoạn tua ngược ODO khi mua ô tô cũ
Ảnh: Internet