Một phần của loại bài về |
Phật giáo |
---|
Lịch sử[hiện] |
Khái niệm[hiện] |
Kinh điển[hiện] |
Tam học[hiện] |
Niết-bàn[hiện] |
Tông phái[hiện] |
Ở các nước[hiện] |
Cổng thông tin Phật giáo |
Khổ (tiếng Trung: 苦, tiếng Phạn: duḥkha, tiếng Pali: dukkha) là một khái niệm quan trọng trong Phật giáo, là nền tảng của Tứ diệu đế. Khổ là một trong ba đặc tính cơ bản của sự tồn tại và được tóm lược trong câu nói Đời là một dòng sông của khổ đau.
Không chỉ là những trải nghiệm khó chịu mới gọi là Khổ. Khổ ám chỉ tất cả các hiện tượng vật chất và tâm thức, phát sinh từ Ngũ uẩn, chịu sự biến đổi và hư hại theo quy luật. Vì vậy, mọi niềm hạnh phúc hiện tại cũng là khổ bởi chúng sẽ chấm dứt. Khổ bắt nguồn từ Ái (sa. tṛṣṇā) và con đường thoát khổ là Bát chính đạo.
Chân lý đầu tiên - Khổ - của Tứ diệu đế nói về bản chất của khổ như sau:
“ |
Sinh là khổ; già là khổ; bệnh là khổ; chết là khổ; lo lắng, than thở, buồn rầu, tuyệt vọng là khổ; không đạt gì mình ưa thích là khổ; nói tóm lại: mọi thứ dính líu đến Ngũ uẩn là khổ. Sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, oán tắng hội khổ, cầu bất đắc khổ, ngũ uẩn xí thạnh khổ. |
” |
Phân loại
Xét theo nguyên nhân và mức độ gây khổ, ta có ba tam khổ và tám bát khổ theo hình thức sự việc.
Tam khổ
Tam khổ là ba loại khổ được phân biệt theo nguyên nhân và mức độ gây ra, bao gồm:
- Khổ khổ (tiếng Phạn: duḥkha-duḥkha)
- Đây là loại khổ từ các mối khổ của cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như đói khát, chịu đựng chiến tranh. Đây là mức độ khổ thấp nhất mà ai cũng có thể trải nghiệm.
- Hoại khổ (tiếng Phạn: vipariṇāma-duḥkha)
- Loại khổ này là do sự thay đổi. Ngay cả những trải nghiệm mà chúng ta coi là vui sướng cũng là một dạng khổ, vì sự vui sướng này luôn phụ thuộc vào sự so sánh với những trải nghiệm đau đớn. Sự vui sướng này chỉ tương đối vì sự vật luôn thay đổi. Sau một thời gian, những trải nghiệm tưởng chừng là vui sướng này cũng trở nên nhàm chán và không thỏa mãn nữa.
- Hành khổ (tiếng Phạn: saṃskāra-duḥkha)
- Loại khổ này áp đảo tất cả chúng sanh trong sáu giới và ba giới (tất cả những sinh vật trong vòng luân hồi). Đây là minh chứng cho sự hợp uẩn và cấu nhiễm của chúng sanh, là nguyên nhân của khổ trong kiếp này và cả đau khổ trong kiếp sau. Sự nhận thức về khổ ở mức độ này rất sâu sắc.
Bát khổ
Bát khổ là tám loại khổ được phân biệt theo hình thức sự việc, thực chất đều thuộc về Khổ khổ trong Tam khổ. Quan niệm nhân sinh của Phật giáo cho rằng 'đời là dòng sông của khổ'; mỗi con người đều phải đối mặt với bát khổ gồm:
- Sinh khổ
- Con người gặp khổ trong quá trình sinh sống. Ngay từ khi còn là thai nhi trong bụng mẹ, con người đã phải chịu khổ. Mẹ mang thai phải chịu đựng sự đau đớn của việc sinh con, đó là khổ. Sau khi sinh ra con, cha mẹ vẫn phải chịu khổ khi phải lo toan nuôi dưỡng con cái, đó cũng là khổ.
- Lão khổ
- Khi về già, thân thể con người bị già đi, mắt mờ đi, tai kém đi. Đó là khổ.
- Bệnh khổ
- Con người phải chịu đựng cả đau đớn về thể xác lẫn tinh thần khi mắc bệnh. Đó là khổ.
- Tử khổ
- Khi đến lúc phải chết, con người sẽ sợ hãi, hít thở khó khăn, thân xác đau đớn. Sau khi chết, thân xác sẽ phân hủy, bốc mùi, đau buồn cho người thân. Đó là khổ.
- Ái biệt ly khổ
- Con người phải chịu khổ khi yêu và phải chia lìa với người mình yêu thương, mỗi ngày nhớ nhung. Đó là khổ. Có hai loại ái biệt ly khổ: khi còn sống (chia lìa khi còn sống) và khi chết (chia lìa khi chết).
- Sở cầu bất đắc khổ (hay cầu bắt đắc khổ, bất tác ý khổ)
- Con người phải chịu khổ khi không đạt được những điều mình mong muốn, tham vọng, khao khát. Chẳng hạn, khi đói muốn có đồ ăn; khi no lại muốn giàu có phú quý.
- Oán tắng hội khổ (怨憎会苦)
- Con người chịu khổ khi phải tiếp xúc với những điều mà không thích hoặc không hài lòng.
- Ngũ uẩn khổ (hay ngũ uẩn xí thạnh khổ)
- Con người chịu khổ vì sự phối hợp và xung đột của ngũ uẩn - sắc, thụ, tưởng, hành và thức - trong cơ thể. Ví dụ, mơ ước quá nhiều cũng là khổ, biết quá nhiều cũng là khổ.