Bộ trưởng Kỹ thuật số của Nhật Bản, Kono Taro, đã tuyên bố chiến đấu với đĩa mềm, ngay cả sau nhiều thập kỷ kể từ khi công nghệ này đã lỗi thời nhưng vẫn tiếp tục được sử dụng rộng rãi trong nhiều cơ quan hành chính của xứ sở mặt trời mọc.
Vào ngày 1-9, trong một bài viết trên Twitter, Bộ trưởng Kỹ thuật số Kono Taro đã tiết lộ rằng có khoảng 1.900 thủ tục của chính phủ yêu cầu doanh nghiệp phải sử dụng các loại đĩa như đĩa mềm, CD, MD (miniDisc)… để nộp đơn.
Ông Kono đã khẳng định sẽ điều chỉnh quy định về các công nghệ lỗi thời, thay thế bằng hình thức lưu trữ trực tuyến.
Trong tuần trước, ông Kono tuyên bố rằng Bộ Kỹ thuật số sẽ xem xét lại việc sử dụng đĩa mềm trong các cơ quan hành chính, và Thủ tướng Kishida Fumio cũng ủng hộ việc thúc đẩy hiện đại hóa.
Mặc dù tiên phong trong việc sáng tạo các thiết bị công nghệ cao, Nhật Bản cũng nổi tiếng với việc chậm chạp trong việc đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước.
Nhiều lý do đã được đưa ra, như trình độ kỹ thuật số kém hoặc văn hóa quan liêu, thái độ bảo thủ tại nơi làm việc.
Đĩa mềm đã được tạo ra vào cuối những năm 1960, nhưng sau 3 thập kỷ, nó đã trở nên lỗi thời do sự xuất hiện của các giải pháp lưu trữ hiệu quả hơn.
Cần đến tận 20.000 đĩa mềm để lưu trữ 32GB dữ liệu, một dung lượng mà hiện nay có thể dễ dàng lưu trữ trong một chiếc thẻ nhớ nhỏ bé.
Tuy nhiên, chưa có gì chắc chắn là ông Kono sẽ loại bỏ hoàn toàn đĩa mềm.
Vào năm 2021, khi còn giữ chức vụ bộ trưởng cải cách hành chính, ông Kono đã khởi đầu chiến dịch loại bỏ con dấu Hanko (con dấu cá nhân có giá trị thay thế chữ ký) và máy fax - hai thứ mà ông Kono cho rằng đã 'chôn vùi' các quan chức chính quyền địa phương dưới hàng núi giấy.
Các cơ quan chính phủ sau đó đã được yêu cầu loại bỏ con dấu Hanko trong các thủ tục, bao gồm cả việc khai thuế. Tuy nhiên, các báo cáo cho thấy thực tế vẫn có nhiều trường hợp sử dụng cả con dấu và máy fax.
Cuộc cải cách số hóa của ông Kono đã gặp phải sự phản đối từ các quan chức tin rằng các phương tiện điện tử không có độ chính xác cao như các phương pháp truyền thống.
Nhiều chính trị gia ở các khu vực nổi tiếng về sản xuất con dấu Hanko thậm chí còn chỉ trích ông Kono đã tấn công vào 'biểu tượng' của Nhật Bản.
Các phương tiện truyền thông ở Nhật Bản cũng đưa tin về việc các văn phòng chính phủ cho rằng việc loại bỏ máy fax là 'không thể thực hiện', với lý do lo ngại về tính bảo mật của thông tin nhạy cảm nếu gửi qua email.
Vào năm 2018, Bộ trưởng An ninh mạng của Nhật Bản đã gây sốc khi thừa nhận ông chưa bao giờ sử dụng máy tính. Thay vào đó, công việc liên quan đến công nghệ thông tin được đảm nhận bởi cấp dưới.
Phải đến năm 2019, nhà sản xuất máy nhắn tin cuối cùng ở Nhật Bản mới đóng cửa. Người cuối cùng sử dụng máy nhắn tin chia sẻ rằng đây là phương thức liên lạc ưa thích của mẹ anh.
Nhật Bản không phải là nước duy nhất vẫn sử dụng đĩa mềm cho tới gần đây.
Theo báo Guardian, lực lượng không quân Mỹ chỉ thay thế các đĩa mềm mà họ sử dụng để quản lý kho vũ khí hạt nhân vào năm 2019, gần một thập kỷ sau khi Sony ngừng sản xuất.