Khoa học nói gì về bí ẩn cận tử - Phần 4: Sống tốt hơn sau lần chạm ngưỡng cửa cái chết
Không theo đạo cũng có thể trải nghiệm những điều kỳ lạ của cái chết
Thời tiết tại bãi biển Tel Aviv (Israel) vào mùa hè vẫn như mọi khi. Trời nắng. Không khí ẩm. Những người lướt sóng đang tập luyện khi thủy triều xuống. Đột nhiên, một cơn sóng cao bất thường đổ xuống, làm cô gái Ila Or (18 tuổi) bị mắc kẹt trong đê chắn sóng. Cô ấy uống một lượng lớn nước biển và mất ý thức.
26 năm sau, Ila Or chia sẻ câu chuyện về trải nghiệm sống sót của mình trong bản tin của báo Israel Hayom (Israel): 'Tôi bắt đầu nhìn thấy cuộc đời của mình trải qua trước mắt như một bộ phim. Sinh ra, đi học mẫu giáo, đi học trung học...
Khi nhìn thấy tang lễ của mình, tôi nghe một tiếng ồn lớn và cảm giác rời khỏi cơ thể từ từ bay lên. Từ trên cao, tôi nhìn thấy cơ thể mình chìm xuống nước nhưng không cảm thấy đau đớn nữa...
Sau đó, tôi đến một đường hầm yên tĩnh. Ánh sáng trắng dẫn dắt tôi vào một con đường sáng lạ thường. Tôi nhìn thấy hai người mặc đồ trắng đứng ở đó, hỏi tên tôi và hỏi tôi biết tại sao mình lại ở đó...
Ila Or nhớ lại lúc đó rất sợ: 'Họ kể cho tôi nghe cả những việc tốt và xấu tôi đã làm trong đời. Khi nhận ra mình đang bị phán xét, tôi bắt đầu kêu lên hoảng sợ rằng tôi chưa sẵn sàng chết và họ phải cho tôi sống lại...
Tôi thuyết phục họ rằng tôi cần phải có con cái, đó là ước mơ của tôi làm mẹ và tôi tin rằng còn tương lai phía trước. Họ nhìn tôi với ánh mắt trầm tư cho đến khi một người đập búa và đưa ra điều kiện: nếu tôi trở lại, tôi phải dành phần đời còn lại cho thượng đế...
Tôi chấp nhận ngay và hỏi họ tôi sẽ trở lại như thế nào. Họ trả lời rằng tôi sẽ trải qua một phép lạ'. Ngay sau đó, Ila Or hồi tỉnh. Một thợ lặn đã kéo cô lên mặt nước gần bờ...
Câu chuyện về trải nghiệm gần chết của Ila Or ở Israel giống với trải nghiệm của nhân chứng Julia Nicholson ở Mỹ...
Trong cuốn sách nghiên cứu Le Bon Passage (Pháp), nhà nghiên cứu Christophe Pérez ghi nhận: 'Điều khiến các nhà khoa học băn khoăn là trải nghiệm gần chết mang tính chất phổ quát, nghĩa là trải nghiệm luôn chứa đựng nhiều yếu tố giống nhau bất kể văn hóa, giới tính, tuổi tác, tôn giáo hay niềm tin...
Dù thực hiện ở nhiều nơi trên thế giới, trong các bối cảnh tôn giáo và văn hóa khác nhau, các nghiên cứu đều chỉ ra rằng trải nghiệm gần chết chứa đựng nhiều điểm chung'.
TS Raymond Moody chia sẻ trên trang Mediapart (Pháp): 'Tôi đã đi khắp nơi, từ Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga, châu Phi, Bắc Mỹ đến Nam Mỹ, và ở mỗi nơi, mọi người kể cho tôi nghe những điều cơ bản giống nhau.
Câu chuyện chỉ khác nhau về biểu tượng tôn giáo. Họ sử dụng hình ảnh từ truyền thống tôn giáo để diễn đạt những gì đã trải qua, nhưng họ thường giải thích: Tôi phải sử dụng từ ngữ theo truyền thống của mình vì đó là ngôn ngữ mà tôi hiểu'.
Ông nhấn mạnh rằng nhiều người không theo đạo vẫn có thể trải qua trải nghiệm gần chết.
Ông nhấn mạnh: 'Dù vậy, họ tin rằng có một thế giới bên kia và một vị thượng đế. Điều này thay đổi cuộc sống của họ một cách đáng kể. Họ khẳng định điều quan trọng nhất là học cách yêu thương lẫn nhau'.
Christophe Pérez đưa ra kết luận tương tự: 'Niềm tin tôn giáo không ảnh hưởng đến trải nghiệm gần chết. Người không có niềm tin tôn giáo cũng có trải nghiệm tương tự như người theo đạo Công giáo, mặc dù họ giải thích các sự kiện theo quan điểm văn hóa hoặc tôn giáo của họ'.
Phần phổ biến nhất trong các câu chuyện là về luồng ánh sáng, và họ giải thích luồng sáng đó dưới nhiều hình thức khác nhau như Chúa Kitô (người theo đạo Công giáo), Đức Phật (phật tử), thiên thần (tín đồ Do Thái) hoặc sinh vật ánh sáng (người không theo đạo).
Hai hướng nghiên cứu đối lập
Trong bài báo 'Trải nghiệm gần chết - Tổng hợp tài liệu nghiên cứu' được đăng trên tạp chí khoa học L'Année psychologique (Pháp), các nhà nghiên cứu Pháp nhận thấy rằng có hai hướng tiếp cận khác nhau trong cộng đồng khoa học:
* Sự thay đổi trong trải nghiệm gần chết biến đổi theo nền văn hóa:
Có một số nghiên cứu chỉ ra rằng các câu chuyện về trải nghiệm gần chết có sự khác biệt đáng kể giữa các nước phương Tây và các nền văn hóa khác. Một trong những ví dụ được trích dẫn nhiều nhất là ở Ấn Độ.
Một sáng năm 1958, ông Munnichinnappa, lúc đó 12 tuổi, rơi từ trên cây xuống và bất tỉnh. Người thân được thông báo rằng ông đã qua đời.
Khoảng 3 giờ chiều, ông tỉnh lại và kể lại rằng mình đã được đưa xuống diêm vực Yamaloka (hoặc Yamapatna), sau đó thần chết Yama (theo đạo Hindu và Phật giáo) đã quyết định cho ông trở lại thế gian.
Các câu chuyện tại phương Tây thường kể về việc nhìn thấy luồng ánh sáng liên quan đến một nhân vật quan trọng (như Chúa, Phật) hoặc được kết nối với cảm giác yêu thương.
Ngược lại, ở một số quốc gia như Nhật Bản, ánh sáng không được nhân cách hóa và không có liên quan gì đến cảm xúc. Nhà nghiên cứu Keith Augustine (Mỹ) đã ghi nhận rằng các trải nghiệm gần chết ở Trung Quốc và Chile có sự khác biệt rất lớn so với những câu chuyện ở phương Tây.
Ông giải thích rằng trải nghiệm gần chết phụ thuộc vào niềm tin cá nhân về cái chết và cuộc sống sau cái chết, và những niềm tin này thường liên quan chặt chẽ đến văn hóa, đặc biệt là tôn giáo.
* Trải nghiệm gần chết đồng nhất qua các nền văn hóa:
Một số nghiên cứu ở Iran và Israel đã kết luận rằng các câu chuyện về trải nghiệm này đồng nhất qua các nền văn hóa. Một số nhà nghiên cứu lập luận rằng những biểu hiện khác nhau chỉ là về hình thức và là cách giải thích khác cho cùng một hiện tượng.
Ba nhà nghiên cứu John Belanti, Mahendra Perera và Karuppiah Jagadheesan (Úc) đã kết luận rằng mặc dù có một số yếu tố khác biệt trong các câu chuyện về trải nghiệm gần chết ở các nền văn hóa khác nhau, nhưng vẫn tồn tại nhiều điểm tương đồng.
Tóm lại, văn hóa có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm gần chết một cách nhất định, nhưng cho đến nay không có đủ dữ liệu nghiên cứu để chứng minh điều này.
Nói chung, hầu hết các nghiên cứu chỉ dựa trên các câu chuyện kể, trong khi cách thu thập và phân tích các câu chuyện này lại khá khác nhau, do đó, việc so sánh trở nên khó khăn.
Ngoài ra, mặc dù có các nghiên cứu xem xét các nền văn hóa khác nhau, nhưng hầu hết lại được tiến hành ở các nước phương Tây, vì vậy cần có thêm nhiều nghiên cứu từ các nền văn hóa khác.
Các biểu hiện như thấy đường hầm hoặc nhìn lại cuộc đời diễn ra rất ít xuất hiện trong các câu chuyện ở Ấn Độ. Nghiên cứu của TS Susan Blackmore (Anh) vào năm 1993 là một trong số ít nghiên cứu đề cập đến đường hầm trong trải nghiệm gần chết ở Ấn Độ.
Ngược lại, một số biểu hiện không được nhắc đến trong các câu chuyện ở phương Tây lại trở nên quan trọng trong các nền văn hóa khác.
Ví dụ, do sự nhầm lẫn về danh tính, người sống sót được thần chết Yama trả về thế gian. Nhà nghiên cứu Todd Murphy (Canada) đã ghi nhận rằng hiện tượng này rất phổ biến ở Ấn Độ và Thái Lan. Murphy cũng ghi nhận rằng 'người Thái sợ địa ngục hơn người phương Tây'.
Đọc tiếp: Khoa học nói gì về bí ẩn cận tử - Kỳ 6: Trải nghiệm gần chết đối mặt với thách thức của khoa học
Theo T.thanh niên