Trong cuộc sống, đôi khi bạn nhìn lại các mối quan hệ và tự hỏi điều gì khiến chúng dần trở nên xa cách. Các cuộc trò chuyện trở nên ít đi và cả hai đều mất kết nối với nhau. Đây chính là dấu hiệu đầu tiên của khoảng cách cảm xúc. Nếu không được giải quyết, hiện tượng này có thể ảnh hưởng đến sự bền vững của mối quan hệ.
Khoảng cách cảm xúc là gì?
Theo chuyên gia tâm lý Lori Glass, hiện tượng này xảy ra khi một cá nhân mất khả năng gắn kết với cảm xúc của bản thân và người khác. Thường thấy ở kỹ năng lắng nghe kém, khó khăn trong việc thể hiện cảm xúc và thiếu tự tin. Ở mức độ nghiêm trọng, nó có thể ảnh hưởng đến tâm lý, cuộc sống xã hội và sự phát triển của người đó.
Khoảng cách cảm xúc thường là kết quả của mâu thuẫn về cảm xúc, nhu cầu và sự hiểu biết giữa hai người. Nó cũng có thể là phản ứng tạm thời của tâm trí trước căng thẳng. Nhưng khi tình trạng này kéo dài, những ảnh hưởng tiêu cực có thể khiến bạn kiệt sức. Một số nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này bao gồm:
Gây hấn thụ động khi tâm trạng không tốt
Hành vi gây hấn thụ động là cách biểu đạt cảm xúc tiêu cực một cách gián tiếp, nhằm tấn công người khác mà không để họ nhận ra. Trong một số tình huống, khi gặp khó khăn trong việc thể hiện cảm xúc, có thể vô tình gây hấn thụ động lên người khác. Ví dụ điển hình là “Giận cá chém thớt”.
Khi những suy nghĩ tiêu cực được kìm nén trong thời gian dài, bạn thường có xu hướng “xả” chúng lên những người xung quanh.