Hình phạt này chỉ trong vài giờ đã khiến người phạm nhân sống không bằng chết vì những 'cơn đau mềm'.
Trụ Vương – Vị vua tài năng nhưng đầy tàn bạo
Trụ Vương (1154 TCN – 1123 TCN), hay còn gọi là Đế Tân, là vị vua cuối cùng của triều Thương trong lịch sử Trung Quốc. Ông trị vì từ 1154 TCN đến 1123 TCN, hoặc từ 1075 TCN đến 1046 TCN.

Trong Sử ký, Tư Mã Thiên viết rằng ông là con trai của Đế Ất, từ nhỏ đã rất thông minh, và có vẻ ngoài tráng kiệt. Sách Tuân Tử ghi chép rằng từ nhỏ ông đã nổi tiếng về sự tuấn tú, có thể xem như một anh hùng của thời đại. Ông là em trai của Tử Khải và Tử Diễn.
Trong những năm đầu khi lên ngôi, Trụ Vương tích cực chấn hưng chính trị. Ông là một nhà chỉ huy quân sự giỏi, liên tục đánh bại kẻ thù, cuối cùng chiến thắng và bình định Đông Di, đưa văn hóa của triều Thương lan rộng tới các vùng lãnh thổ như Hoài Thuỷ và Trường Giang. Tuy nhiên, Trụ Vương chỉ biết thưởng thức hạnh phúc, không mấy quan tâm đến cuộc sống của người dân, vì chiến tranh kéo dài đã làm dân chịu nhiều khổ đau. Ông không ngừng xây dựng những cung điện xa hoa cùng những nơi tiệc tùng xa xỉ. Ngoài ra, Trụ Vương và Đát Kỷ còn áp dụng nhiều biện pháp nhục hình tàn bạo để đàn áp người dân, từ dân thường đến các quan thần trong triều đình.

Những hình phạt đáng sợ được Trụ Vương sáng tạo bao gồm:
- Hang nham: đào một hố sâu và rộng, sau đó bỏ thật nhiều rắn độc vào, rồi bắt nạn nhân trần truồng vào bên trong để lũ rắn châm chọc và giết chết họ. Hang Nham là nơi Trụ Vương và Đát Kỷ giải trí bằng các trận đấu giữa thái giám và cung nữ, người chiến thắng được thưởng rượu thịt ở Tửu Trì - Nhục Lâm, còn kẻ thua sẽ bị đẩy vào Hang Nham để rắn ăn thịt.

- Lò thiêu: một công cụ dành riêng để tra tấn các quan thần, nó bao gồm một ống đồng lớn rỗng, phía dưới là lò nơi chứa than củi, hình phạt được thực hiện bằng cách đốt than củi cho ống đồng đỏ lửa, sau đó đưa nạn nhân vào để da thịt bị cháy khét, nạn nhân trải qua cảnh kinh hoàng vì đau đớn.
Tuy nhiên, có một loại hình phạt khác ít người biết tới được gọi là 'Tích thủy hình'. Theo đánh giá của các nhà sử học, đây cũng là một loại hình phạt tàn bạo không kém phần lăng trì (tùng xẻo), dù phương pháp thực hiện chỉ sử dụng một giọt nước. Tích thủy hình là loại hình phạt như thế nào? Phương pháp tra tấn này đáng sợ ra sao?
Hình phạt 'Tích thủy hình' là gì?
Hình ảnh minh họa về hình phạt tích thủy hình mà Trụ Vương áp dụng cho các phạm nhân thời xưa. (Ảnh: Sohu)
Đúng như cái tên, tích thủy hình là biện pháp tra tấn sử dụng giọt nước để hành hạ tù nhân. Người phải chịu án phạt sẽ bị cố định vào một vị trí hoặc ghế sao cho không thể di chuyển. Một thùng gỗ lớn được treo phía trên đầu họ, có lỗ nhỏ để giọt nước từ từ chảy xuống. Mỗi ngày, thùng sẽ được đổ nước một lần. Án phạt này có thể kéo dài tới 2 năm.
Hình phạt 'tích thủy hình' có gì đáng sợ?
Ban đầu, mọi người nghĩ rằng phương pháp tra tấn này không đáng sợ, nhưng thực tế lại khiến người chịu án sống không bằng chết vì những 'cơn đau mềm'. Người xưa đã ví von rằng tích thủy hình giống như hiện tượng 'nước chảy đá mòn'. Trong giai đoạn ban đầu, án phạt này không gây đau đớn về thể chất nhưng gây tổn thương tinh thần, khiến tù nhân lo lắng đến phát điên.

Các nhà khoa học hiện đại đã nghiên cứu và chỉ ra rằng, nếu liên tục áp dụng trong một khoảng thời gian, mỗi giọt nước sẽ như một cú đập mạnh vào hộp sọ tù nhân. Tiếng của giọt nước trở nên như tiếng búa đập vào kim loại, làm tù nhân cảm thấy đau đớn, nhức đầu.

Chỉ sau nửa tháng, tóc của người chịu án sẽ rụng dần, đỉnh đầu tê liệt. Một tháng sau, tóc sẽ rụng hết, da đầu nứt nẻ, xuất hiện dấu hiệu viêm nhiễm và thối rữa, thu hút ruồi và giòi bọ bay vào cho tới khi xương sọ bị lộ. Cuối cùng, tù nhân sẽ chết vì đau đớn về thể chất và tinh thần. Do đó, tích thủy hình được coi là hình phạt tàn ác nhất thời xưa.